Tăng mức thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) nhưng lại không được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu theo nhu cầu đang là điều bức xúc của nhiều phụ huynh học sinh.
Tăng mức thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) nhưng lại không được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu theo nhu cầu đang là điều bức xúc của nhiều phụ huynh học sinh.
|
Học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT nhưng không được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu |
Nhiều phụ huynh không sử dụng BHYT khi khám bệnh cho con
Đó là ý kiến của nhiều phụ huynh về việc con em tham gia BHYT bị quy định nơi đăng ký KCB ban đầu. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thêm (phường 4) không giấu được vẻ bức xúc: “Tôi có hai con, năm nào cũng đóng BHYT cho con đầy đủ nhưng chưa bao giờ sử dụng đến thẻ BHYT. Không phải vì con tôi may mắn không bị đau ốm. Tôi nhớ mãi một lần duy nhất cách đây đã lâu, con bé đầu bị viêm ruột thừa, tôi đưa cháu đến Trung tâm Y tế Đà Lạt theo nơi đăng ký KCB ghi trên thẻ. Nhưng khi đến nơi, phải xếp hàng chờ đợi trong khi con tôi đau bụng dữ dội, tôi xin chuyển đến Bệnh viện Đa khoa nhưng họ bảo phải đợi ký giấy này giấy nọ. Sợ con có chuyện gì tôi vội bế con đến Bệnh viện mà không đợi được giấy tờ chuyển viện. Thật may mắn vì tôi đưa con đi kịp thời, 30 phút sau cháu phải mổ cấp cứu mới giữ được mạng sống chứ đợi cho xong thủ tục theo BHYT thì chắc con tôi đã gặp nguy hiểm. Tất cả mọi chi phí gia đình tôi đều chịu hết, sau khi ra viện, tôi đến làm thủ tục thanh toán BHYT cho con nhưng lại cũng phải đợi người này người kia ký, thủ tục nhiêu khê lắm nên thôi tôi không thanh toán nữa. Từ đó đến nay, cả hai đứa con tôi có bệnh gì tôi đưa đi khám tư cho nhanh chứ không dùng đến thẻ BHYT. Tôi đăng ký mua cho có cho con thôi. Tôi nghĩ nếu cứ bắt buộc nơi đăng ký KCB thì nhiều phụ huynh cũng không dùng đến thẻ BHYT”.
Cũng với suy nghĩ “mua cho có”, một cán bộ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tôi thấy không hợp lý khi bắt buộc nơi đăng ký KCB. Cả hai vợ chồng tôi đều làm trong bệnh viện nhưng các con thì phải đăng ký KCB tại Trung tâm Y tế Đà Lạt. Khi con đau ốm, không lẽ phải xin nghỉ làm để đưa con qua Trung tâm Y tế khám. Vậy nên, khi các cháu bị bệnh thông thường, tôi tự chẩn đoán rồi ra quầy thuốc tây mua thuốc về cho con uống để đỡ mất thời gian. Theo tôi, nên để phụ huynh và học sinh có quyền lựa chọn nơi KCB thì hợp lý hơn”.
Hầu hết phụ huynh đều có chung suy nghĩ trên. Không muốn đến KCB tại các trung tâm y tế, trạm y tế, trước hết là do tâm lý không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của tuyến này, và nếu có đến khám thì cũng chỉ được cho mấy loại thuốc thông thường do danh mục thuốc tại đây còn hạn chế, nếu bệnh nặng cần chuyển tuyến trên thì thủ tục rườm rà, mất thời gian trong khi nhiều ca bệnh cần chuyển gấp… Đã có một số trường phụ huynh không chịu đóng BHYT cho con vì mức đóng tăng mà không được chọn nơi KCB.
|
Mức chi trả không tương xứng và việc ép buộc đăng ký điểm khám chữa bệnh khiến nhiều phụ huynh không sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh cho con. Trong ảnh: Học sinh tập thể dục giữa giờ - Ảnh: PHAN NHÂN |
Để thuận người mua, vừa người bán
Có nhiều lý do khiến phụ huynh không sử dụng thẻ BHYT để KCB. Nhưng mức chi trả không tương xứng hay địa điểm được đăng ký KCB không đáp ứng được nhu cầu và niềm tin của họ là 2 lý do chính. Một số phụ huynh “quay lưng” với BHYT vì chất lượng khám chữa bệnh của loại hình này không như họ mong đợi. Điều mâu thuẫn là nhà trường thu tiền BHYT rồi nộp lại cho BHXH, nhưng Ngành Y tế lại là nơi KCB nên họ không nhiệt tình. |
Việc quy định nơi đăng ký KCB ban đầu khi sử dụng thẻ BHYT được thực hiện theo Thông tư 37/2014/TT - BYT của Bộ Y tế. Sau khi thống nhất với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Sở Y tế Lâm Đồng đã quy định việc đăng ký KCB BHYT ban đầu. Trong đó, HSSV được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương trở xuống theo địa chỉ thường trú, tạm trú có thời hạn theo hướng dẫn của cơ quan BHXH; ngoài ra, có thể chọn Bệnh viện Hoàn Mỹ nếu đồng ý thanh toán phần chênh lệch viện phí giữa giá viện phí của bệnh viện ngoài công lập với bệnh viện công lập đồng hạng. Mục đích là để tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến cuối của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa. Điều này là hợp lý đối với những địa phương có số lượng dân cư đông. Đối với thành phố Đà Lạt, theo thống kê, số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện tỉnh là gần 47 ngàn, các trung tâm tế gần 60 ngàn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trên 2 ngàn và Bệnh viện Hoàn Mỹ trên 2 ngàn. Theo một cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hàng năm, số lượng học sinh đến KCB tại Bệnh viện tỉnh không nhiều, chỉ dồn dập vào mùa hè khi các cháu đến cắt amidan, nhưng bệnh viện vẫn đủ khả năng đáp ứng, chưa khi nào rơi vào tình trạng quá tải.
Việc được chọn nơi đăng ký KCB ban đầu đảm bảo chất lượng và niềm tin của người mua là nhu cầu hợp lý của phụ huynh và học sinh. Không phủ nhận chất lượng KCB tại các trung tâm y tế hay trạm y tế đã cơ bản được cải thiện, nhưng một khi phụ huynh và học sinh được chọn nơi KCB thì sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn cho “người mua” cũng như “tránh tiếng” cho “người bán”. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao y đức và tinh thần, thái độ phục vụ của ngành Y tế đối với người bệnh để phát triển đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Hà Linh