Để học sinh đến trường mỗi ngày

09:09, 11/09/2015

Trong nhiều năm liền, Trường Tiểu học Tà Nung đã áp dụng hữu hiệu các giải pháp để đưa không ít học sinh người dân tộc thiểu số bỏ học đến trường trở lại. 

Trong nhiều năm liền, Trường Tiểu học Tà Nung đã áp dụng hữu hiệu các giải pháp để đưa không ít học sinh người dân tộc thiểu số bỏ học đến trường trở lại. 
 
Đến trường. Ảnh: Thanh Thúy
Đến trường. Ảnh: Thanh Thúy

Đưa học sinh ra lớp
 
Ngơ ngác như một con nai rừng, Ha Phi - học sinh lớp 4C Tiểu học Tà Nung trông lạc loài và cô đơn giữa lớp học của mình ngay trong giờ học. Trong khi các bạn học đang sôi nổi thảo luận nhóm các bài toán cô giáo ra, Ha Phi lặng lẽ ngồi tự làm một mình. Áo quần Ha Phi mặc không ăn nhập gì với đồng phục của các bạn cùng lớp: một chiếc áo thun xanh nhạt đã cũ, quần thể thao màu sáng cũng cũ, đôi dép nhựa mòn vẹt, không áo len, không cặp. Mùa hè vẫn còn đâu đó với cậu bé này dù năm học mới đã bắt đầu. Trước mặt em là một túi đồ đi học gồm bút viết, tập vở và cả sữa mà Hội Chữ thập đỏ trường trao tặng sáng nay. Điều ngạc nhiên khi tôi nhìn vào tập vở học sinh mới của em là chữ viết em khá đẹp, tròn, sạch sẽ: “Ha Phi học không đến nỗi nào, các bạn trong lớp đã tựu trường vài ngày rồi mà em không đến nên sáng nay mới đến tận nhà để đưa em ra lớp đó” - cô giáo Nguyễn Thị Hằng, phụ trách lớp cho biết.
 
Lớp 4C của Trường Tiểu học Tà Nung năm học này có 32 học sinh, trong đó có 14 học sinh dân tộc thiểu số, Ha Phi là một trong số này. Nhà đông anh em, Ha Phi có đến... 11 anh chị em nên cực kỳ khó khăn trong chuyện đi học. Chỉ riêng tại Trường Tiểu học Tà Nung này, Ha Phi đã có đến 4 anh em trong nhà cùng học từ lớp 2 đến lớp 5. Để vận động Ha Phi ra lớp, cậu bé này những năm trước nhận được sự giúp đỡ từ trường rất nhiều, từ sách vở, áo quần, giày dép, mỗi năm cũng vài bộ. Năm ngoái em còn được một tổ chức từ thiện tặng một chiếc xe đạp để đến trường. “Xe đạp đâu rồi?”, tôi hỏi; và cậu bé lí nhí “Xe anh giành đi rồi”. Cùng “khó khăn” với Ha Phi trong lớp 4C có thể kể đến Ha Sép, Ha Tuấn. Đây là những thành viên của các gia đình rất đông con, dù chính quyền, đoàn thể địa phương liên tục đến nhà vận động kế hoạch hóa nhưng “không ăn thua”. Đông con, không đủ ăn, khó khăn đủ bề khiến khả năng bỏ học của các em rất cao. “Nếu không có biện pháp giúp đỡ, chắc các em khó đến lớp được” - cô giáo Hằng nói.
 
Để đưa Ha Phi đến trường, sáng sớm hôm đó cô giáo Hằng đã chạy xe máy tìm đến tận nhà Ha Phi ở thôn 6 để đón. “Đây là chuyện thường nhật khi dạy học ở xã này” - cô giáo Hằng vui cười. Là một cô giáo trẻ, 3 năm dạy học ở đây, cô Hằng cũng có đủ vốn kinh nghiệm kha khá về chuyện đi vận động học sinh. Mỗi năm, cô Hằng kể cũng có đến vài chục lần đến tận từng nhà học sinh trong lớp để vận động các em ra lớp trở lại. Cũng may, cô là người sinh ra và lớn lên ở đây, đi học ở Đà Lạt rồi về quê công tác nên chỗ nào cũng biết. Cô bảo nắng cũng như mưa, hễ mỗi buổi sáng lên lớp thấy vắng em nào là trưa chiều phải báo với Ban Giám hiệu và tự mình tìm đến nhà các em để vận động. May mắn là mấy năm gần đây đời sống người dân trong vùng khá lên, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu quan tâm đến chuyện học hành của con em nên cô cho biết việc vận động cũng có phần giảm bớt ít nhiều.
 
Trong giờ học của một lớp học tại Trường Tiểu học Tà Nung
Trong giờ học của một lớp học tại Trường Tiểu học Tà Nung

Những giải pháp đồng bộ
 
Nằm tại Tà Nung, xã có gần nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đầy khó khăn của thành phố Đà Lạt, năm học 2015 - 2016 này, Trường Tiểu học Tà Nung có 445 học sinh đang học tại 15 lớp học. Trong đó, hơn nửa với trên 250 học sinh là người dân tộc thiểu số, phần lớn gốc Tây Nguyên. Nhiều năm trước, nhà trường hằng năm phải đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học bất chợt, bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, gây khó khăn không nhỏ cho việc phổ cập giáo dục tại địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên đến nay tình trạng nghỉ học, bỏ học đã được cải thiện đáng kể.
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng, giải pháp đầu tiên là đi vận động. Hễ giáo viên phụ trách lớp thấy học sinh vắng học là phải báo ngay với Ban Giám hiệu, trong ngày phải đến tận nhà các em hỏi thăm lý do và vận động đi học lại. Trường hợp khó khăn, Ban Giám hiệu sẽ phối hợp với Hội phụ huynh học sinh của trường, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cùng đến vận động.
 
Giáo viên phụ trách lớp cũng cần tìm hiểu, nắm được hoàn cảnh gia đình từng học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, để có giải pháp giúp đỡ, chẳng hạn như gia đình nào làm ăn khó khăn, gia đình nào đông con, thiếu sách vở, áo quần không đến lớp được..., nhà trường sẽ phối hợp với Chi hội Chữ thập đỏ trường để vận động học sinh, Hội Phụ huynh học sinh, từ những trường khác trong thành phố, những người hảo tâm giúp đỡ, tặng học bổng vượt khó cho các em đến trường. Có những trường hợp cần giúp đỡ, Ban Giám hiệu đã vận động giáo viên trong trường cùng đóng góp để mua gạo giúp cho những gia đình này. Trung bình mỗi năm theo cô Oanh, trường vận động giúp đỡ cho học sinh với tổng giá trị khoảng 75 - 80 triệu đồng.
 
Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, một mặt bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng, một mặt vận dụng cho phù hợp với thực tiễn học sinh tại địa phương. Với học sinh là người dân tộc thiểu số trong hè, trường tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt, trong năm học Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên tổ chức giờ dạy vui tươi, chú ý củng cố kiến thức cho những học sinh yếu trong lớp để bắt kịp các bạn.
 
Để ngôi trường thực sự thu hút các em, theo cô giáo Kim Oanh, Trường Tiểu học Tà Nung đã thực hiện tốt việc xây dựng “trường học tích cực ” với môi trường giáo dục thân thiện. Các lớp học được trang trí bắt mắt hơn, sân trường trồng nhiều cây xanh, vận động học sinh giữ gìn sạch sẽ sân trường, trồng hoa, giữ nhà vệ sinh sạch sẽ. Và điều quan trọng, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút các em đến lớp.
 
Nếu như cách đây trên 5 năm, trung bình mỗi năm chừng 10 học sinh bỏ học thì những năm gần đây theo cô Kim Oanh việc nghỉ học và bỏ học của trường đã giảm rất nhanh. Trong năm học vừa qua, toàn trường chỉ còn 1 học sinh bỏ học, tình trạng học sinh lưu ban cũng giảm hẳn, Trường Tiểu học Tà Nung có tỷ lệ huy động học sinh ra lớp rất tốt, thực hiện học 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh và đã đạt tất cả các chuẩn quốc gia mức độ 1.
 
VIẾT TRỌNG