Ngay khi vừa gặp, bà Lê Từ Như Bình Thuận (55 tuổi, ngụ tại phường I, TP Bảo Lộc) đã "khoe" rằng, quy định mới cho phép phụ nữ được hiến máu đến tuổi 60 nên nhiều chị em trong Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13 (phường I, nơi bà Thuận làm Chi hội trưởng) vui lắm. Còn riêng về phần mình, bà sẽ tiếp tục hiến đến khi nào… "hết máu" mới thôi.
Ngay khi vừa gặp, bà Lê Từ Như Bình Thuận (55 tuổi, ngụ tại phường I, TP Bảo Lộc) đã “khoe” rằng, quy định mới cho phép phụ nữ được hiến máu đến tuổi 60 nên nhiều chị em trong Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13 (phường I, nơi bà Thuận làm Chi hội trưởng) vui lắm. Còn riêng về phần mình, bà sẽ tiếp tục hiến đến khi nào… “hết máu” mới thôi.
|
Hai chị em sinh đôi Lê Từ Như Bình Thuận (phía trong) và Lê Từ Như Bình Định tham gia hiến máu |
Ở Bảo Lộc, khi nhắc đến hai chị em sinh đôi Lê Từ Như Bình Thuận và Lê Từ Như Bình Định thì ai cũng nghĩ ngay đến “gia đình hiến máu” này. Bởi lẽ, ngoài hai bà, chồng và các con, các cháu cũng rất tích cực tham gia hiến máu. Bà Thuận cho hay, mình đã tham gia hiến máu cách đây hơn 20 năm. Những ngày đầu, hiến máu là việc làm rất mới, rất khó khăn mà ít ai có đủ “dũng khí” để làm. Ban đầu, bà cũng rất e ngại và lo lắng, nhưng cũng quyết định giấu chồng, giấu con để đi hiến máu.
Một lần, hai lần rồi nhiều lần sau đó nữa, bà thấy cơ thể mình vẫn khỏe mạnh bình thường, dù trọng lượng cơ thể chưa bao giờ vượt quá 48kg. Thế là bà cứ mạnh dạn đi hiến đều đặn theo định kỳ. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, số lần hiến máu của bà đã lên đến con số 30. Năm 2002, bà Thuận được bầu làm Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13 (phường I). Việc hiến máu đối với bản thân bà lúc này đã không còn lo ngại, nhưng điều đáng lo nhất là làm sao vận động được nhiều người cùng tham gia hiến máu. Bà chia sẻ: “Khi đó, tôi nghĩ muốn mọi người hiến máu thì bản thân mình, người thân trong gia đình phải làm trước. Vậy là tôi vận động chồng, con, em gái, em rể, cháu cùng đi hiến máu. Đến nay, cả gia đình tôi người ít nhất cũng đã hiến máu 5 lần trở lên. Thấy gia đình mình làm được, bà con lối xóm cũng từ từ đăng ký làm theo”.
Ngoài bà Thuận, trong gia đình bà còn có em gái Lê Từ Như Bình Định cũng đã hiến máu trên 20 lần; con trai Lê Quốc Hùng (28 tuổi) cũng đã hiến máu trên 10 lần. Ngoài ra, khi còn sống, chồng bà Thuận cũng rất tích cực hiến máu. Ngay cả chồng và con của bà Định cũng không ngoại lệ. Bà Võ Thị Huế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường I, cho biết: “Không chỉ tích cực hiến máu, chị em cô Thuận còn vận động rất tốt những người thân trong gia đình và bà con trong tổ dân phố cùng tham gia. Khi khẩn cấp cần máu cấp cứu, các chị cùng với Đội Hiến máu xung kích của phường sẵn sàng có mặt”. Là Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13, bà Thuận đã khéo léo vận động ngày càng đông người dân trong tổ tham gia hiến máu. Đến nay, Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13 đã có 60 hội viên; trong đó, có 5 hội viên lớn tuổi như bà trở lên. Hàng năm, dù chỉ tiêu giao cho Chi hội chỉ là 7 - 10 đơn vị máu, nhưng năm nào số lượng máu hiến cũng vượt 7 - 8 lần. Hiện tại, Đội Hiến máu xung kích của phường I (bà Thuận làm Đội trưởng) gồm 22 thành viên, thì Chi hội tổ 13 đã có 10 người tham gia. Bất kể ngày hay đêm, khi cần máu cấp cứu, các thành viên trong Đội sẽ có mặt ngay tại Bệnh viện II Lâm Đồng để sẵn sàng hiến máu.
Trong danh bạ điện thoại của mình, bà Thuận lưu số của tất cả những người tham gia Đội hiến máu. Còn trong trí nhớ, bà thuộc tên và tính cách của từng người. Bà kể chuyện hiến máu của từng người: Bà Trương Thị Hồng (tổ dân phố 11) lúc nào cũng “ém” tuổi của mình để được hiến máu và mỗi lần nếu chậm chân không kịp đến để hiến là bà khóc. Chị Võ Thị Phượng (ngụ tại phường Lộc Sơn) lúc nào cũng có mặt cả hai vợ chồng tham gia hiến máu ở Chi hội Chữ thập đỏ tổ 13. Chị này ven rất nhỏ nên khó lấy máu. Mỗi lần chuẩn bị lấy máu, chị cứ vỗ liên tục vào bắp tay cho ven nổi lên để không bỏ lỡ cơ hội hiến máu. Ông Nguyễn Tiến Định (58 tuổi) là chủ một doanh nghiệp rất tích cực hiến máu. Số tiền thù lao sau khi hiến máu, ông gởi lại cho những người nghèo cùng đi hiến máu hay cho bệnh nhân ở bệnh viện… “Chính những con người như vậy đã tiếp thêm tinh thần cho tôi làm công tác Chữ thập đỏ. Họ mới chính là những người góp công sức rất lớn vào những kết quả mà Chi Hội đã làm được” - Bà Thuận tâm sự.
Các con của bà Thuận rất ủng hộ việc làm của mẹ. Thấy mẹ còn khỏe, còn hiến máu được là điều các con rất mừng. Các con chỉ khuyên mẹ khi nào cảm thấy sức khỏe yếu thì không nên hiến máu nữa. Còn với bà Thuận, mỗi ngày xem ti vi, đọc báo, thấy nhiều người còn lớn tuổi hơn mình vẫn tham gia hiến máu, bà lại tự nhủ sẽ tiếp tục hiến cho đến khi máu của mình không còn được tiếp nhận. Suy nghĩ này là động lực để bà tiếp tục hành trình giúp những “cuộc đời ở lại”.
HỮU SANG