Ngày 14/9, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tổ chức lễ khánh thành Đơn vị tim mạch can thiệp thuộc Dự án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, do BVĐK Lâm Đồng làm vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM lĩnh vực tim mạch can thiệp.
* Ca đầu tiên đặt stent động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thành công tốt đẹp
Ngày 14/9, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tổ chức lễ khánh thành Đơn vị tim mạch can thiệp thuộc Dự án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, do BVĐK Lâm Đồng làm vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM lĩnh vực tim mạch can thiệp.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hoàng Thị Thu Hồng; Giám đốc các Sở Y tế Tp.HCM; Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM; Viện Tim Tp.HCM; lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng cùng các đơn vị trực thuộc ngành y tế địa phương.
Hiện nay cả nước đã có 38 tỉnh tham gia Đề án “Bệnh viện vệ tinh” với 53 bệnh viện thực hiện với các lĩnh vực chuyên khoa: Ung thư, chấn thương chỉnh hình, sản nhi. Sắp tới sẽ nhân rộng 100% bệnh viện các tỉnh tham gia Đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh không sớm nhất nhưng nhanh chóng đạt được kết quả sau 2 năm triển khai đã khánh thành Đơn vị Tim mạch can thiệp.
|
Êkíp đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân đầu tiên do BS Nguyễn Hải Cường - Trưởng êkíp đã hoàn thành những khâu cuối cùng |
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thành Đề án “Bệnh viện vệ tinh” giai đoạn 2013-2020, trang bị thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến qua internet dùng để hội chẩn trực tuyến (Tele-Medicine) với bệnh viện hạt nhân để hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị tim mạch can thiệp tốt hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo trong thời gian tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp tục chuyển giao một số kỹ thuật khác trong Đề án “Bệnh viện vệ tinh” như: Ung bướu, chấn thương chỉnh hình, ngoại sản nhi. Lâm Đồng có dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng Tây Nguyên giai đoạn 2 của vốn ADB cần tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Đây là bước phát triển tích cực của ngành Y tế Lâm Đồng trong việc làm chủ kỹ thuật cao. Từ nay người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận được chăm sóc sức khỏe can thiệp tim mạch với chi phí thấp hơn, tranh thủ được thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong. Đơn vị tim mạch can thiệp đi vào hoạt động có ý nghĩa lớn lao đối với người dân Lâm Đồng và các tỉnh trong khu vực; đặc biệt là tạo niềm tin, yên tâm cho khoảng 4 triệu khách du lịch hàng năm đến với Lâm Đồng. Để phát huy hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng khẩn trương đưa Đơn vị Tim mạch can thiệp vào hoạt động, tiếp tục cử cán bộ đào tạo làm chủ trang thiết bị và triển khai có hiệu quả hệ thống Tele-Medicine - hội chẩn bệnh từ xa với Bệnh viện hạt nhân là Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
BS Nguyễn Bá Hy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: Sau 2 năm đầu tư xây dựng (cuối năm 2013), Đơn vị Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng làm vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM đã được Bộ Y tế đầu tư 2,5 tỷ đồng cho kinh phí đào tạo và thiết lập hệ thống Tele-Medicine; UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tư 22,2 tỷ đồng để mua sắm Hệ thống chụp mạch máu số hóa nền (DSA) và nâng cấp cơ sở vật chất; Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đầu tư 1,8 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo và trang thiết bị.
|
Lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Lâm Đồng cùng các bác sĩ theo dõi và vỗ tay chúc mừng thành công ca đặt stent cho bệnh nhân đầu tiên của Đơn vị Tim mạch can thiệp - BVĐK Lâm Đồng |
Ngay sau lễ cắt băng khánh thành Đơn vị Tim mạch can thiệp - BVĐK Lâm Đồng thuộc đề án “Bệnh viện vệ tinh” của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM, các đồng chí lãnh đạo đã theo dõi ca đầu tiên đặt stent động mạch vành do các bác sĩ BVĐK Lâm Đồng thực hiện dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ Viện Tim Tp.HCM và Bệnh viện Nhân dân Gia Định Tp.HCM. Êkíp DSA (Khoa Tim mạch can thiệp) gồm: BS Nguyễn Hải Cường - Trưởng ê kíp, BS Nguyễn Ngọc Hiệp, BS Phạm Vũ Thanh đã tiến hành lắp đặt stent cho bệnh nhân Lê Ngọc, nam, 61 tuổi, ở Phường 2 - Đà Lạt được chẩn đoán 90% hẹp LCX - nhánh mũ của mạch vành. Sau 20 phút thực hiện các kỹ thuật đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân dưới sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo, các bác sĩ của BVĐK Lâm Đồng đã thực hiện thành công tốt đẹp.
DIỆU HIỀN