Khó khăn trong thực hiện công tác y tế trường học

09:09, 23/09/2015

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác y tế trường học (YTTH) và đạt nhiều kết quả trong việc bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục...

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác y tế trường học (YTTH) và đạt nhiều kết quả trong việc bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, công tác y tế trong các trường học vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, nhất là nguồn lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng dẫn đến gia tăng một số bệnh, tật ở lứa tuổi học đường. 
 
Cần quan tâm đến y tế trường học để trẻ được đảm bảo về thể chất
Cần quan tâm đến y tế trường học để trẻ được đảm bảo về thể chất
Cán bộ YTTH thiếu và yếu
 
Phát biểu của một cán bộ làm công tác y tế ở một trường học tại hội nghị tổng kết công tác YTTH năm học 2014 - 2015 vừa được Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức mới đây khiến nhiều người suy nghĩ: “Hiện nay, nhiều trường học không quan tâm đến công tác y tế, chưa phát huy được tác dụng của công tác YTTH, có cũng được không có cũng chẳng sao…”. Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh chỉ có 7/12 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo YTTH; 5/12 đơn vị lồng ghép trong Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện, thành phố; 654/691 trường thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh; 523/691 trường có cán bộ chuyên trách YTTH (tỷ lệ 75%), còn lại 168 trường do giáo viên kiêm nhiệm. Trình độ đội ngũ cán bộ YTTH nhiều nhất vẫn là nữ hộ sinh trung cấp và điều dưỡng trung cấp (165/523 người), còn lại là y sỹ, y tá, dược sĩ và chỉ có 2/532 bác sĩ. Đội ngũ này chỉ có trên 50% đảm bảo quy định về bằng cấp, chuyên môn và chỉ 33% đã được tập huấn nghiệp vụ.
 
Nguyên nhân của việc cán bộ YTTH thiếu về số lượng và chưa đảm bảo chất lượng xuất phát từ việc cán bộ y tế không “mặn mà” với công tác YTTH vì lương thấp hơn khi làm việc ở các cơ sở y tế, phụ cấp ít hoặc không có, sợ không phát huy được tay nghề… Vì vậy, chỉ khi không xin được ở các cơ sở y tế thì họ mới “chấp nhận” về làm việc tại phòng y tế trường học, điều này đã ảnh hưởng đến việc tuyển cán bộ y tế đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ. Mới đây nhất, việc tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại các đơn vị giáo dục công lập cũng khiến nhiều trường không có nhân viên y tế. Để tháo gỡ “nút thắt” này, mới đây, Cục Nhà giáo đã có văn bản yêu cầu các Phòng Giáo dục hình thành mạng lưới y tế trường học, cho phép trường nào không có cán bộ YTTH được ký văn bản hợp tác với trạm y tế xã, phường nơi đóng chân để thực hiện công tác YTTH.
 
Nâng cao chất lượng công tác YTTH
 
Để nâng cao chất lượng công tác YTTH, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong trường học. Trong đó, cần có những chính sách thu hút cán bộ YTTH. Nhưng khó khăn ở đây là không có quy định cụ thể nào về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ YTTH, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi tùy thuộc vào điều kiện từng trường, không có mức quy định chung cụ thể. 
 
Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác YTTH. Toàn tỉnh có 504/691 trường học có phòng y tế, 620 trường có trang bị sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, trong đó, số trường thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, đặc biệt là khối trường THCS và THPT còn thấp, thậm chí có một số trường không thực hiện. Công tác nha học đường, nhất là việc khám, điều trị sớm và trám bít hố rãnh bằng Sealant, GIC triển khai chưa đồng bộ, chỉ thực hiện tốt tại các trường ở thành phố, thị trấn có điều kiện. Từ đó, tình hình học sinh mắc các bệnh, tật ở lứa tuổi học đường ngày càng gia tăng. Năm học 2014 - 2015, qua kiểm tra, số học sinh mắc các bệnh về răng miệng chiếm tỷ lệ lớn nhất (53.952/320.211 học sinh), sau đó đến tai - mũi - họng, tật khúc xạ, ngoài da, cong vẹo cột sống… 
 
Nhiều giải pháp được đưa ra để nâng cao chất lượng công tác YTTH, nhưng theo bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở GDĐT thì những giải pháp chính gồm: kiện toàn Ban chỉ đạo y tế trường học huyện, thành phố, 100% trường học có Ban chăm sóc sức khỏe học sinh; nâng cao công tác tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác YTTH; chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; nâng cao công tác khám và quản lý sức khỏe học sinh, công tác nha học đường, công tác kiểm tra giám sát, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở bếp ăn, căng tin trong trường học…
 
Theo Nghị định số 56/2011/NĐ - CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập: “viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch”. Vì vậy, nguồn để chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại trường học được lấy từ nguồn thu của trường. Trong trường hợp không có nguồn thu nhưng được giao quyền tự chủ thì thủ trưởng đơn vị có thể căn cứ vào nguồn kinh phí tiết kiệm quy định mức cụ thể chi trả phụ cấp đặc thù đối với viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế tại trường học nhưng tối đa không quá 20% so với mức lương ngạch.
 
HÀ LINH