Lạc Dương: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia

09:09, 16/09/2015

Là huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu và chưa đồng bộ, vì vậy, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục huyện Lạc Dương luôn xác định thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục (PCGD) và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng trong phát triển sự nghiệp giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. 

Là huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu và chưa đồng bộ, vì vậy, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục huyện Lạc Dương luôn xác định thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục (PCGD) và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu quan trọng trong phát triển sự nghiệp giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. 
 
 Là trường vùng sâu, vùng xa nhưng Trường Tiểu học Đạ Nhim (xã Đạ Nhim) là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Lạc Dương
Là trường vùng sâu, vùng xa nhưng Trường Tiểu học Đạ Nhim (xã Đạ Nhim) là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Lạc Dương
 
Hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương có 22 trường học, trong đó, có 20 trường do Phòng GDĐT huyện quản lý. Những năm gần đây, mạng lưới trường lớp ngày càng được hoàn thiện theo hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi xã, thị trấn đều có các trường từ mầm non đến THCS, toàn huyện có 2 trường THPT liên xã tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Số đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là 6/6 xã, thị trấn. Huyện Lạc Dương được công nhận và duy trì kết quả PCGD từ năm 2007 và đến năm 2015 được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. 
 
Để tiếp tục duy trì và củng cố kết quả PCGD, ngành Giáo dục Lạc Dương tập trung triển khai thực hiện kế hoạch PCGD trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2020 theo Quyết định 03/QĐ - UBND của UBND huyện với nhiều biện pháp như: đảm bảo 6/6 xã, thị trấn duy trì chuẩn và huyện Lạc Dương giữ chuẩn theo hàng năm, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn; Thực hiện tốt công tác điều tra, cập nhật, tổng hợp số liệu học sinh trong độ tuổi hàng năm để tổ chức huy động tối đa số trẻ vào lớp 1 và lớp 6 đúng độ tuổi. Đồng thời chống lưu ban, bỏ học, thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban hàng năm, đảm bảo học sinh được học hết lớp, hết cấp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo của các bậc học, nhất là đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các lớp phổ cập THCS để tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học; đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm mở lớp xóa mù chữ cho các đối tượng mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35. 
 
Song song với thực hiện PCGD, Lạc Dương đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. “Đây là chỉ tiêu mang tính đột phá với sự nghiệp giáo dục của huyện. Bởi vì, để nâng cao chất lượng giáo dục, để giáo dục phát triển, không có giải pháp nào khác là xây dựng trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một tiêu chí quan trọng trong đề án xây dựng nông thôn mới hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nhấn mạnh. 
 
Đến nay, toàn huyện có 5/20 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 25%, trong đó, có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2. Các trường còn lại đang xây dựng từng bước đạt các chuẩn theo quy định. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, toàn huyện Lạc Dương phấn đấu có 40% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Những năm qua, từ nguồn vốn của tỉnh, của huyện, các chương trình, dự án… Lạc Dương đã đầu tư cho giáo dục theo hướng tập trung, thực hiện ưu tiên theo kế hoạch lộ trình trường đạt chuẩn. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng trên 106 tỷ đồng cho 92 phòng học, 41 phòng chức năng, 11 phòng hiệu bộ, nhà ăn, cổng, hàng rào… và trang thiết bị gần 10 tỷ đồng. “Chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2015 - 2020 là có từ 50% đến 60% số trường đạt chuẩn quốc gia. Để làm được điều này, trước hết, ngành Giáo dục Lạc Dương sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, phấn đấu đến năm 2016 có 100% CBQL, GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó, 73% trên chuẩn. Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục bằng cách tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa, đặc biệt là đầu tư xây dựng các phòng chức năng, khu hiệu bộ. Phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phục vụ cho giáo dục”, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Phòng GDĐT huyện Lạc Dương cho biết.
 
TUẤN HƯƠNG