Tết trung thu đang đến gần, bên cạnh những loại bánh có thương hiệu, đắt tiền hay những chiếc lồng đèn hiện đại nhập ngoại, thì những chiếc bánh trung thu, lồng đèn truyền thống của người dân Đức Trọng cũng đang nhộn nhịp vào mùa…
Tết trung thu đang đến gần, bên cạnh những loại bánh có thương hiệu, đắt tiền hay những chiếc lồng đèn hiện đại nhập ngoại, thì những chiếc bánh trung thu, lồng đèn truyền thống của người dân Đức Trọng cũng đang nhộn nhịp vào mùa…
|
Gia đình chị Trang đang tất bật hoàn thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống |
Theo một số tài liệu, nghề làm lồng đèn cổ truyền ở Việt Nam xuất phát từ làng Bác Cổ và Báo Đáp ở Nam Định. Sau đó lan đến một số địa phương như Hội An, Huế và TP.Hồ Chí Minh. Gia đình chị Lê Thị Trang (156 Đào Duy Từ, huyện Đức Trọng) cũng là người gốc Huế và cũng gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống đã 25 năm nay, từ cái thời còn ở Huế cho đến tận sau này, khi gia đình chị chọn Đức Trọng làm quê hương thứ hai. Lúc chúng tôi tới thăm, các thành viên trong đại gia đình chị Trang đang tất bật hoàn thành những chiếc lồng đèn nhỏ nhỏ, xinh xinh cho kịp các đơn đặt hàng của khách gần xa, khi mùa trung thu đang đến gần. “Ngoài các chị em gái trong nhà, con, cháu của chúng tôi cũng tranh thủ một buổi đến trường, buổi còn lại giúp mẹ, dì các việc lặt vặt như dán lồng đèn, đóng lồng đèn… Hầu như chẳng có đứa nhỏ nào phải bày vẽ cả, vì từ khi nhỏ, chúng thấy mẹ, dì làm thì ngồi vào bắt chước làm theo, riết rồi thành thục lúc nào không hay” - chị Trang vui vẻ nói. Có lẽ, đây là một trong những nghề thủ công tỉ mỉ, tốn công bậc nhất. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có cả chục công đoạn: chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí… Yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn còn ở cách tạo hình, kỹ thuật dán giấy và vẽ họa tiết trang trí cho lồng đèn. Tất cả những công đoạn này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo trong từng nét vẽ, khéo léo trong cách bôi hồ, dán giấy thì mới có được những chiếc lồng đèn bắt mắt. “Để hoàn thành một chiếc lồng đèn cỡ nhỏ cũng phải mất gần cả tiếng đồng hồ, mà mỗi mùa trung thu như vầy, gia đình tôi cung cấp khoảng hơn 10 ngàn chiếc lồng đèn nên trước rằm trung thu gần 2 tháng, cả gia đình đã nhận đơn hàng từ các mối quen trong huyện hoặc các vùng lân cận và bắt tay vào làm từ sáng sớm cho tới tận khuya. Đúng là làm cực thật, nhưng thấy rất vui, vì dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn giữ được chỗ đứng của mình” - chị Lê Thị Gái, em gái chị Trang cho biết thêm.
Cùng với những chiếc lồng đèn truyền thống, bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất tại Đức Trọng vẫn được người dân địa phương ưu tiên lựa chọn bởi chất lượng và giá cả hợp lý. Trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện có các cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống như: Vĩnh Tân, Vĩnh Nghiệp, Vĩnh Thành… Xuất hiện trên thị trường 14 năm nay, bánh Trung thu Vĩnh Tân đã khẳng định được thương hiệu của mình bằng chất lượng sản phẩm. “Mùa trung thu năm nay, cơ sở vẫn duy trì 2 dòng sản phẩm đó là bánh nướng thập cẩm và bánh nướng đậu xanh. Trung bình mỗi mùa trung thu, cơ sở cho ra lò khoảng từ 4 - 5 ngàn chiếc bánh” - anh Lý Viễn Thuận (đại diện cơ sở Vĩnh Tân) cho biết. Để làm được những chiếc bánh thơm ngon đến tay khách hàng, khâu chuẩn bị nguyên liệu được cơ sở chú trọng và tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh đều do cơ sở tự chế biến, không dùng những loại nhân không nguồn gốc xuất xứ, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, bánh do cơ sở Vĩnh Tân sản xuất chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, bởi vậy, trước rằm trung thu khoảng 20 ngày, cơ sở mới bắt tay vào sản xuất và hàng ngày, cơ sở chỉ sản xuất số lượng bánh mà khách hàng đã đặt. Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà) đang chọn mua bánh trung thu Vĩnh Tân vui vẻ cho biết: “Cách đây 2 năm tôi được một người bà con ngụ tại Đức Trọng biếu một hộp bánh Vĩnh Tân, khi ăn, tôi thấy rất ngon, cả nhà tôi cũng rất thích, hỏi ra mới biết bánh được sản xuất tại Đức Trọng. Nay có việc ra Đức Trọng, sẵn dịp gần trung thu nên tôi ghé mua hộp bánh về cho cả nhà thưởng thức”.
Thị trường bánh trung thu, lồng đèn đã bắt đầu sôi động với sự đa dạng, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã. Và, những chiếc chiếc lồng đèn, bánh trung thu truyền thống có thể ví như một mảng màu tươi sáng góp phần làm cho đêm hội trăng rằm trở nên lung linh, rực rỡ đầy sắc màu và ý nghĩa hơn.
THY VŨ