Những "mạch nguồn" bất tận

08:09, 25/09/2015

Có ai đó đã từng nói rằng "sẽ không bao giờ có cái chết, vì nơi tận cùng cũng là nơi khởi thủy cho những mầm sống mới". Không chỉ giản đơn là cho đi và nhận lại, hơn thế "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại"...

Có ai đó đã từng nói rằng “sẽ không bao giờ có cái chết, vì nơi tận cùng cũng là nơi khởi thủy cho những mầm sống mới”. Không chỉ giản đơn là cho đi và nhận lại, hơn thế “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, 10 năm qua, trên mảnh đất Nam Tây Nguyên đã có rất nhiều những “nguồn sống” từ trái tim chảy đến mỗi trái tim của những tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia với đồng loại mang đến cho nhau. 
 
Hiến máu đã trở thành phong trào thường xuyên - Ảnh: Phan Nhân
Hiến máu đã trở thành phong trào thường xuyên - Ảnh: Phan Nhân

Trong 10 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Lâm Đồng được thành lập, cuộc hành trình của những giọt máu hồng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên vẫn như những “mạch nguồn” bất tận chưa bao giờ thôi ngừng chảy, mang đến cuộc sống và những điều tốt đẹp nhất của con người nơi đây dành cho nhau. 
 
Bà Đinh Thị Nga - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh (cơ quan thường trực) cho biết: “Một trong những thành công lớn nhất của phong trào HMTN Lâm Đồng trong 10 năm qua, chính là sự lan tỏa. Sự lan tỏa ấy nằm ở chỗ việc hiến máu không chỉ bó hẹp trong các lực lượng chủ chốt như Đoàn viên, thanh niên, cán bộ công nhân viên chức mà đã có sự tham gia của toàn xã hội. Sự lan tỏa cũng không nằm ở con số đáng tự hào tăng lên hàng năm từ 1.000 đơn vị khiêm tốn của năm 2006 đến 10.000 đơn vị ở thời điểm hiện tại. Sự lan tỏa chính là sự đồng cảm của con người dành cho nhau”.
 
Để có được thành công ngoài mong đợi, dù 10 năm không phải là quãng thời gian quá dài, Ban Chỉ đạo HMTN tại Lâm Đồng mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh là cơ quan thường trực, đã có những bước đi, kế hoạch được xây dựng theo một lộ trình bền vững nhất.
 
Một trong những nền tảng giúp cho phong trào HMTN của tỉnh có được sự phát triển tăng dần đều theo hàng năm, không bị “hụt hơi” kể cả trong những giai đoạn “nóng”, thời điểm cần nhiều máu, chính là việc xây dựng được mô hình các CLB. Hiện tại, toàn tỉnh đã có được 46 CLB với khoảng trên 1.600 thành viên. Có thể nói đây là lực lượng tiên phong, sẵn sàng “ứng cứu” máu ở trong bất kỳ thời gian hay thời điểm nào mỗi khi bệnh viện cần. Các mô hình như: Đội tình nguyện cộng đồng Đà Lạt; CLB HMTN Trung tâm Y tế Đơn Dương; Ngân hàng máu sống; Đội hiến máu dự bị; Đội xung kích tình nguyện thị trấn Di Linh; Tp.Bảo Lộc… Thành viên của các đội sẵn sàng hiến máu cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế không kể thời gian, có những ca cấp cứu ban đêm, kể cả vào những dịp lễ, tết… khi được gọi họ sẵn sàng tham gia. Tại Đà Lạt, Đoàn khối các cơ quan tỉnh, còn thành lập một CLB HMTN nhằm mục đích vận động cán bộ ĐV-TN tham gia hiến máu định kỳ và hiến máu phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân với số lượng thành viên tham gia rất hùng hậu và nhiệt huyết.
 
Một nguyên nhân nữa giúp cho phong trào HMTN của Lâm Đồng có được sự khởi sắc ấn tượng chính là công tác tuyên truyền. Không chỉ giới hạn ở các thông tin, sự vận động, khuyến khích được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền về việc HMTN cũng đã được cán bộ Hội CTĐ các cấp trực tiếp đến từng gia đình để vận động hoặc viết thư mời, nhắn tin qua điện thoại vận động hiến máu nhắc lại đối với những người đã tham gia hiến máu. Tại các trường đại học, cao đẳng, ngoài các buổi sinh hoạt tuyên truyền về HMTN, Đoàn Hội, các nhóm, CLB của từng khoa còn dùng mạng xã hội, trang web để tuyên truyền. Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mà một số địa phương đã mở rộng được địa bàn và đối tượng tham gia. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trước đây chưa từng tham gia (bởi theo phong tục và văn hóa), nay đã tích cực hiến máu và cùng tuyên truyền về hiến máu.
 
Cũng theo bà Đinh Thị Nga, ngoài việc tuyên truyền, thì công tác khen thưởng kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho phong trào HMTN của tỉnh có được sự phát triển mạnh mẽ.
 
Không thể không đề cập đến những con số, bởi biểu đồ HMTN của Lâm Đồng giai đoạn 2006 -2015 đã là minh chứng rõ nét nhất cho việc con người xích lại gần nhau, sẻ chia trong cơn hoạn nạn. Trong 10 năm, phong trào HMTN của tỉnh đã tiếp nhận được tổng cộng trên 53.000 đơn vị máu, trong đó việc tiếp nhận máu đã có bước phát triển rõ rệt về cả số lượng và chất lượng. Từ 1.167 đơn vị máu của năm 2006 tăng lên trên 9.700 đơn vị năm 2014; với mức tăng 9 lần và đạt 108% so với kế hoạch của cả giai đoạn 10 năm. Nếu như số lượng HMTN năm 2006 chỉ đạt tỷ lệ 50%, 50% còn lại là máu bán chuyên nghiệp và máu hiến của người nhà thì đến nay số máu hiến tình nguyện đã đạt 98% và chỉ 2% là máu bán chuyên nghiệp và người nhà. Năm 2006, dân số hiến máu đạt 0,12% đến năm 2015 đã đạt 8%; hiến máu nhắc lại từ 2006 mới chỉ có chưa đầy 30% thì đến nay cũng đã ở mức 67%.
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch TT Hội CTĐ tỉnh cho biết: “Có thể nói đây là thành tích rất đáng trân trọng, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của Ban chỉ đạo các cấp trong công tác tuyên truyền HMTN, hơn thế là sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân Lâm Đồng trong phong trào đầy tính nhân văn và nghĩa cữ cao đẹp này”.
 
Cũng theo BCĐ HMTN Lâm Đồng, trong thời gian vừa qua, việc HMTN của tỉnh không chỉ đảm bảo cung cấp máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong toàn tỉnh, mà còn cung cấp cho các bệnh viện trung ương theo chỉ tiêu được giao.
 
Ở Lâm Đồng, những “nguồn sống” quý giá vẫn như những “mạch nguồn” bất tận chưa bao giờ thôi ngừng chảy. Không chỉ đơn thuần là cho đi và nhận lại, bởi “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, chỉ chừng đó cũng đã nói hết tình người của mảnh đất phía Nam Tây Nguyên.
 
Tuấn Linh