Một trong những định hướng mang tính chiến lược của Nhà nước cũng như tỉnh Lâm Đồng là tăng cường đẩy mạnh công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ).
Một trong những định hướng mang tính chiến lược của Nhà nước cũng như tỉnh Lâm Đồng là tăng cường đẩy mạnh công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ). Vài năm nay, ở Lâm Đồng, XKLĐ đạt được cả 2 tiêu chí: về số lượng và chất lượng thị trường lao động. Góp phần tích cực vào thành quả này là việc phối hợp nhịp nhàng giữa 2 ngành LĐTB&XH và Bưu điện tỉnh.
|
Sau khi đăng ký, người lao động được tham gia thi trắc nghiệm để học tiếng Nhật. |
Năm 2013, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạt tỉ lệ đăng ký lao động xuất khẩu 60-65%. Từ năm 2014, số lượng đăng ký đột biến tăng lên hơn 1.050 người với 6 đơn hàng, trong đó có hơn 400 người đã xuất cảnh. 9 tháng năm 2015 có hơn 1.400 người đăng ký với 4 đơn hàng. Theo đó, năm 2014, toàn tỉnh đạt 617/600 chỉ tiêu XKLĐ và trong 9 tháng 2015 đã có gần 400 người/600 chỉ tiêu xuất cảnh. Càng quý hơn, trong số này, chủ yếu đều lao động tại Nhật Bản - thị trường vừa có tính chuyên nghiệp và kỹ thuật lao động cao, vừa đưa lại thu nhập rất lớn cho người lao động. Đặc biệt, số lao động tại Nhật Bản ngày càng tập trung nhiều về lĩnh vực nông nghiệp. Những thành tựu này đang đi đúng định hướng của tỉnh Lâm Đồng đặt ra. Tại thời điểm này, trên địa bàn Lâm Đồng trong số 13 doanh nghiệp được phép tuyển dụng XKLĐ có 8 doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động ngành nông nghiệp tại Nhật Bản. Điều này cho thấy, ý thức, năng lực của đầu vào tuyển dụng và chất lượng người lao động ở Lâm Đồng đang là địa chỉ tin cậy đối với các doanh nghiệp tuyển dụng ở trong nước cũng như đối với các tập đoàn tuyển trạch ở Nhật Bản.
Mô hình phối hợp giữa 2 ngành LĐTB&XH - Bưu điện là thiết lập một kênh chia sẻ thông tin với người dân thông qua hình thức in, phát hành phiếu và tư vấn trực tiếp. Phiếu thông tin này do ngành LĐTB&XH cung cấp nội dung (có đóng dấu đỏ của Sở), ngành Bưu điện chịu trách nhiệm in, phát hành và tư vấn. Trong phiếu gồm nhiều nội dung vừa ngắn gọn, đầy đủ và vừa cập nhật, thiết thực. Đó là các yêu cầu về độ tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ văn hóa của từng đối tượng nam, nữ; các ngành nghề cụ thể; mức chi phí; mức lương hàng tháng và tiền ký quỹ của từng thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông (Quata, Dubai) và Hàn Quốc. Cũng trong phiếu, người tiếp nhận còn được cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ XKLĐ của tỉnh Lâm Đồng như: học phí học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng; hỗ trợ chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp; tiền ăn và tiền tàu xe đi về thời gian học, tiền đồng phục… (đối với một số đối tượng như hộ nghèo, dân tộc thiểu số, bộ đội và công an xuất ngũ, con gia đình chính sách). Phiếu thông tin còn cung cấp chính sách vay vốn và lãi suất đối với người tham gia XKLĐ một cách cụ thể về thủ tục, quy trình và mức lãi suất. Ngoài ra, trên phiếu còn ghi rõ địa chỉ, điện thoại để người lao động có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin liên lạc.
Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng - bà Phạm Thị Ngọc cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 200 nhân viên bưu tá xã, văn hóa xã cùng với đội ngũ lớn cán bộ, nhân viên của tỉnh tham gia vào chương trình thông tin XKLĐ. Không chỉ lực lượng hùng hậu mà quan trọng hơn là thông qua hệ thống Bưu điện, tình trạng “cò mồi” từ những cơ sở tuyển dụng XKLĐ không chính danh khó có đất xâm nhập như ở một số địa phương miền Trung. Đặc biệt là đối với đồng bào người dân tộc thiểu số, kênh thông tin chính thống này càng trở nên ý nghĩa và thiết thực về việc thực hiện chủ trương và chính sách quan tâm của Nhà nước. Tại phiếu thông tin còn có mục “Thông tin đăng ký của người lao động” và nhân viên Bưu điện sẽ tư vấn cho người dân để họ ghi các thông tin đăng ký. Bà Phạm Thị Ngọc chia sẻ: “Có những trường hợp sau mấy ngày bàn bạc trong gia đình và ý nguyện của cá nhân, họ mới đăng ký. Nghĩa là, chúng tôi để họ nghiên cứu kỹ và có một tâm thế vững vàng, sau đó nhân viên mới đến thâu nhận lại phiếu về chuyển cho ngành LĐTB&XH. Cũng vì thế, có nhiều người hôm sau lại gọi điện trực tiếp đến địa chỉ ghi trên phiếu hỏi thêm thông tin và đăng ký lại”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Lâm Đồng cho biết về tính ưu việt của mô hình phối hợp này là đạt được hiệu quả về tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình để họ nắm bắt kịp thời, cụ thể từng thị trường (về thu nhập, ngành nghề,…). Để ngành Bưu điện đưa phiếu đúng từng đối tượng, hàng năm, Sở LĐTB&XH điều tra người có độ tuổi từ 18 đến 35 của từng hộ ở các phường, xã, thị trấn. Vì vậy, theo hình thức “cuốn chiếu”, thông tin về XKLĐ được chuyển đến tận các gia đình có đối tượng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết những năm tới số lượng đăng ký XKLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ giảm vì trong độ tuổi đăng ký đã và đang giảm mạnh. Mặc dù vậy, cùng với các kênh thông tin khác, mô hình phối hợp giữa ngành LĐTB&XH và Bưu điện cần tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa. Trong đó, cũng cần nâng cao hơn về năng lực, trách nhiệm, sự nhiệt huyết, đặc biệt vai trò tư vấn của đội ngũ bưu tá xã, văn hóa xã. Mặt khác, việc tuyên truyền sâu rộng mô hình này trong các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó vai trò tham gia tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng đối với chủ trương XKLĐ. Bởi, chủ trương này không chỉ giải quyết về an sinh xã hội, mà còn giúp nhiều người lao động của tỉnh có vốn tài chính, vốn kiến thức về kỹ năng lao động để họ làm giàu, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới.
ĐẠO PHAN