Ma Bio - "bảo tàng sống" của dân tộc Chu Ru

09:09, 15/09/2015

Nhà chị Touneh Ma Bio ở thôn Diom A - xã Lạc Xuân - huyện Đơn Dương rộn vang tiếng chiêng ngân, thịt nướng thơm nức, rượu cần chảy dài cùng vũ điệu Tamya - Ariya. 

Nhà chị Touneh Ma Bio ở thôn Diom A - xã Lạc Xuân - huyện Đơn Dương rộn vang tiếng chiêng ngân, thịt nướng thơm nức, rượu cần chảy dài cùng vũ điệu Tamya - Ariya. 
 
Làm kinh tế giỏi
 
Ngôi nhà Ma Bio xây hơn 1 tỷ đồng cách đây 10 năm, vừa làm cơ sở sản xuất rượu cần vừa là nơi tụ tập của bà con trong làng để múa hát, chơi cồng chiêng. Chị Ma Bio nói: “Trước đây có 2 người cháu mình dạy cho làm rượu cần, giờ tôi làm 1 mình vì các cháu đã lập gia đình”. Chị có 5 mẫu đất sản xuất; cho thuê 4 mẫu, còn 3 sào trồng rau, 7 sào làm lúa. Sau nhà chị trồng khoai tây phủ bạt theo công nghệ mới, nhiều chị em tham quan đều trầm trồ vườn rau đẹp. Từ các nguồn sản xuất đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, lãi 35 triệu đồng/năm từ rượu cần, chị Ma Bio được chọn là 1 trong 86 gương điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Đi thăm mô hình sản xuất của chị Ma Bio, điều tôi nhận thấy ở Ma Bio là người đàn bà không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn làm “văn hóa” cũng rất giỏi.
 
Chị Ma Bio giới thiệu cách làm rượu cần Chu Ru
Chị Ma Bio giới thiệu cách làm rượu cần Chu Ru
 
Theo UNESCO, trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân dân gian được coi là báu vật nhân văn sống. Tiêu chuẩn một là có tài năng xuất sắc, thể hiện ở kiến thức mà nghệ nhân nắm giữ như các bài bản hay trình độ kỹ thuật mà họ thể hiện; hai là có vai trò xứng đáng với cộng đồng, có sự cống hiến, tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nghệ nhân đều đã cao tuổi và nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một. Với Ma Bio, chị đã làm được hai điều trên cho dân tộc Chu Ru bằng cả niềm say mê tự hào của người phụ nữ giữ truyền thống và cũng rất hiện đại.
 
Khơi dòng rượu cần Chu Ru
 
Đập vào mắt tôi là bảng hiệu có hình chóe rượu cần ngay trước cổng nhà: “Cơ sở rượu cần Ma Bio - Rượu cần nguyên chất của dân tộc Chu Ru”, chị Ma Bio tự hào: “Rượu cần là đặc sản số 1 ở Diom, nhà nào cũng biết làm, lâu lâu nấu vài ba chóe, còn nhà mình vắng rượu cần là không được”. Mặc cho cơn lốc hiện đại hóa quét qua nhiều buôn làng, với nhà cao tầng, vườn rau xanh mướt, chị Ma Bio vẫn bảo tồn giữ gìn văn hóa dân tộc Chu Ru qua rượu cần và hơn thế nữa. Ma Bio bảo tôi: “Cô hãy nhìn xung quanh làng đi, người ta trồng màu hết rồi! Đã 10 năm nay, bà con Diom A chuyển sang trồng rau màu, chỉ còn vài chục nhà trồng lúa. Tôi trồng 7 sào lúa để có nguyên liệu làm rượu cần. Rượu cần mình làm phải từ gạo ruộng, không làm từ bắp”. 
 
Chị Ma Bio sinh năm 1958, cười tỏa nắng với phong thái rất tự tin, nhanh nhẹn, giọng nói âm vang mời khách vào nhà giới thiệu cách làm rượu cần: “Hồi 14 tuổi, tôi đã học làm rượu cần với mẹ. Mẹ bày cách trộn men, cách nhận biết cơm còn hơi ấm. Làm rượu cần mỗi người có bí quyết riêng, với mình, ngày trời nắng chang chang mới dám nấu; thứ hai là trước khi nấu rượu cần thì cơm phải chín đều; thứ ba là cách trộn men: lấy cơm ra xong bắt đầu xới đều, dùng tay sờ cơm từ 30 - 40 phút, cơm hơi ấm là trộn men. Rồi ủ 1 đêm mới đổ ra trộn đều, cho vỏ trấu vào dưới đáy chóe rồi cho hỗn hợp cơm vô, sau cùng cho trấu lên trên miệng chóe, cột vò thật chặt bằng nilon, để từ 1 tháng trở lên là uống được. Trước đây, mình hay đốt trấu lấy tro hòa với nước thành một hỗn hợp keo dính nén lại miệng chóe, nhưng bây giờ không có nhiều trấu để đốt lấy tro nên mình thay bằng nilon”.
 
Ngay phòng khách, rượu cần được xếp gọn để chuẩn bị xuất hàng, chị Ma Bio cho biết mỗi lần nấu 70 - 100 chóe, với 3 loại chóe khác nhau: Loại chóe 6 lít giá 250.000 đồng; loại 10 lít giá 350.000, loại 15 lít giá 500.000 đồng. Hễ còn khoảng 15 chóe là chị bắt tay vào nấu đợt mới. Sản phẩm bán lai rai, có khi 1 tuần bán 2 - 3 chóe lấy tại chỗ và cung cấp cho trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Vũng Tàu, Đồng Nai, Sài Gòn, các tỉnh miền Tây, Phan Rang, Nha Trang. “Người nước ngoài cũng có vô đây uống. Có một công ty muốn đặt mua rượu cần nhưng mình chưa có phương tiện đáp ứng nên từ chối” - Chị Ma Bio cho biết.
 
Vùng Diom A chỉ mỗi chị Ma Bio sản xuất rượu cần kinh doanh thường xuyên suốt 30 năm nay. Ma Bio kể: “Vừa rồi đám cưới cháu Touneh Ma Tina (23 tuổi), mình đãi rượu cần khoảng 10 chóe, mỗi chóe có 30 - 40 người uống. Bây giờ, nhà người ta có đám tiệc ít đãi rượu cần, chủ yếu uống bia, rượu thôi”. 
 
Bà Ma Bio (thứ hai phải qua) và các học trò biểu diễn vũ điệu Tamya - Ariya. Ảnh: PHAN NHÂN
Bà Ma Bio (thứ hai phải qua) và các học trò biểu diễn vũ điệu Tamya - Ariya. Ảnh: PHAN NHÂN
 
Nối dài tiếng chiêng và hồi sinh vũ điệu Tamya – Ariya
 
Ma Bio nổi tiếng là nghệ nhân phục hồi bảo tồn được vũ điệu cổ Tamya - Ariya của dân tộc Chu Ru. Đây là điệu dân vũ có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng của người Chu Ru. Người Chu Ru có nhiều điệu dân vũ như Tamya Ariya, Dam dra, T’rum pô, Păh gơnăng. Tuy nhiên, chỉ có điệu Tamya Ariya là được cộng đồng lưu giữ, phát triển đến chuẩn mực, vũ điệu này có động tác múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ, mang tính cộng đồng cao.
 
Người đàn bà 57 tuổi chưa lập gia đình - Ma Bio như dành trọn tình yêu cho rượu cần, múa Tamya - Ariya và đánh chiêng. Chị là con gái út trong gia đình có 6 anh chị em. Bố mẹ mất để lại cho chị căn nhà chị vẫn giữ làm kỷ niệm; điều mà bố mẹ chị để lại lớn lao hơn là dạy vũ điệu Tamya - Ariya, lúc 8 tuổi chị đã biết múa, 10 tuổi chị biết đánh chiêng. Bây giờ chị còn lưu giữ 3 dàn chiêng có núm (mỗi dàn 3 cái chiêng): 1 dàn của bố mẹ để lại, 2 dàn chị lặn lội sưu tầm mua. Ngoài ra, dịp cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, chị được trao tặng 6 cái chiêng. 
 
Chị Ma Bio nhớ lại: “Ngày xưa lễ hội quanh năm, cưới, hỏi, đám giỗ, mừng lúa mới... là múa, hát, đánh chiêng, rượu cần nhà nào cũng có. Khoảng thập niên 1980 - 1990, cồng chiêng mai một và điệu múa Tamya - Ariya như đi vào quên lãng. Năm 2007, mình mở lớp dạy múa, đánh cồng chiêng cho 10 em trong làng, dần dần tăng thêm 28 em, tính đến nay đã dạy cho hơn 70 em và nuôi một đội cồng chiêng khoảng 15 người để đi biểu diễn các nơi. Mình tài trợ 2 bữa ăn/ngày và mua sắm quần áo đi diễn”. Nhờ sự tiếp sức kịp thời của Ngành văn hóa địa phương đầu tư mua sắm trang phục, hàng đêm tại nhà Ma Bio mở lớp dạy đánh cồng chiêng, múa điệu Tamya - Ariya. “Một khóa học 20 đêm, mỗi đêm học 2 giờ nhưng thường kéo dài mãi đến tận khuya, đôi chân đã nhảy múa, bàn tay hòa nhịp thì không muốn dừng lại. Cứ mỗi đêm học và dạy như thế, cô trò được nhà nước chi cho 30.000 đồng/đêm/người, trai gái trong làng ban ngày làm đồng trông ngóng chờ đến tối để vào lớp học của mình” - Ma Bio kể. 
 
Bây giờ, chị Ma Bio vẫn nuôi đội cồng chiêng và nhiều năm cùng đội đi biểu diễn khắp nơi trong nước. Chị Ma Bio cho biết đã bảo tồn được 10 bài hát dân gian Chu Ru đã phổ nhạc, bản thân chị cùng các nhà làm văn hóa địa phương đã sưu tầm được 3 bài (thể hiện trên chữ viết, hát và múa). Ngày 5/11/2014, chị đã cho ra đĩa “Hòa tấu cồng chiêng Chu Ru”. Chị tự hào đã truyền dạy vũ điệu Tamya - Ariya cho cháu gái Touneh Ma Ry (4 tuổi) múa rất đẹp được tuyển chọn đi biểu diễn trong Lễ hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh tổ chức tại Đam Rông vào tháng 4/2015 và trước đó, khi cháu 3 tuổi đã được giới thiệu biểu diễn vũ điệu Tamya - Ariya trên sóng VTV2. 
 
Chia tay Ma Bio, tôi ấn tượng người đàn bà Chu Ru không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn làm “văn hóa” cũng rất giỏi.
 
Phóng sự: DIỆU HIỀN