Lá cờ đỏ sao vàng là một minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, ý thức về việc treo cờ Tổ quốc vào các ngày trọng đại của đất nước của người dân Lâm Đồng nói chung, người dân xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) nói riêng ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Lá cờ đỏ sao vàng là một minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, ý thức về việc treo cờ Tổ quốc vào các ngày trọng đại của đất nước của người dân Lâm Đồng nói chung, người dân xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) nói riêng ngày càng được nâng cao rõ rệt.
|
Ông Lưu Đức Tuệ đang treo cờ chuẩn bị cho ngày lễ Quốc khánh mùng 2/9 |
Đến với xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương) vào những ngày đầu tháng 9 lịch sử, từ những con đường chính trong xã đến những con đường bê tông nông thôn tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng thẳng hàng, tung bay phấp phới, tạo nên không khí vui tươi trong ngày trọng đại của dân tộc. Chúng tôi được nghe kể về cụ Nguyễn Đức Nhật, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi, từ 15 năm trước ông tình nguyện dành lương hưu và tiền của gia đình để mua 400 lá cờ tặng các hộ dân trong xã. Đến nay, mặc dù cụ không còn nhưng ý thức treo cờ đã trở thành truyền thống của người dân trong xã và Quảng Lập là xã đầu tiên đồng loạt treo cờ tại huyện Đơn Dương. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến vấn đề này nên cứ gần đến những ngày lễ, hệ thống loa phát thanh trong xã thông báo đến bà con và nhắc nhở bà con việc treo cờ đúng thời gian quy định.
Nối tiếp truyền thống đó, là một người con của xã Quảng Lập, cứ đến mỗi dịp lễ lớn, ông Lưu Đức Tuệ (thôn Quảng Thuận) cùng bà con, hàng xóm lại treo cờ Tổ quốc. Đối với một cựu chiến binh, lá quốc kỳ biểu tượng cho sự tự do, ý chí chiến đấu vững chãi của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều đồng đội của ông đã hi sinh xương máu để lá cờ Tổ quốc được tung bay và mỗi lần treo cờ, hình ảnh về những người đồng đội, những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng ấy lại ùa về trong ông. Vì thế, ông luôn cất giữ lá cờ Tổ quốc ở một nơi trang nghiêm nhất trong nhà. Ông Lưu Đức Tuệ chia sẻ: “Do hiểu được ý nghĩa của việc treo cờ nên trong những ngày lễ lớn, sau khi nghe xã thông báo, các hộ gia đình sẽ cùng treo cờ và để đảm bảo việc treo cờ đồng bộ trong thôn, các cán bộ thôn sẽ kiểm tra, nhắc nhở các gia đình”.
Là một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng đi đầu trong công tác tổ chức treo cờ Tổ quốc trong nhân dân, các ban ngành, đoàn thể huyện Đơn Dương luôn tuyên truyền đến từng gia đình ý nghĩa của việc treo cờ. Không chỉ quy định cụ thể thời gian, cách thức treo cờ, lãnh đạo huyện còn đặt ra những tiêu chuẩn chung về kích thước cột cờ, cách thức bảo quản cờ để việc treo cờ Tổ quốc trở nên nghiêm trang, đồng bộ và không mang tính hình thức.Ông Trương Thành Được - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đơn Dương cho biết: “Bắt đầu từ năm 2012 (là năm thứ hai xây dựng nông thôn mới), Ban công tác Mặt trận huyện đã tổ chức vận động các hộ gia đình thi đua xây dựng hàng rào, cổng nhà kiểu mẫu, trong đó có quy định phải có vị trí cắm cờ. Đồng thời, Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư cũng hướng dẫn cho người dân ngày treo cờ, số lượng ngày treo cờ và sau khi qua lễ phải thu và bảo quản cờ tránh bị bạc màu, rách nát để thể hiện sự tôn nghiêm”.
Việc treo cờ Tổ quốc đối với người dân xã Quảng Lập vào các dịp lễ lớn để thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Và mỗi khi đến ngày lễ tết, nhìn những lá cờ bay dọc những tuyến phố hay các con đường làng, mọi người lại thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình.
PHAN NHÂN