Năm học 2015 - 2016, học sinh, sinh viên (HSSV) phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% và phải đóng cho 15 tháng thay vì 12 tháng như trước đây, làm số tiền BHYT mà HSSV phải đóng tăng gần gấp đôi so với năm học trước...
Năm học 2015 - 2016, học sinh, sinh viên (HSSV) phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% và phải đóng cho 15 tháng thay vì 12 tháng như trước đây, làm số tiền BHYT mà HSSV phải đóng tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Điều này đã khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn vì các khoản thu đầu năm học cùng với việc chuẩn bị quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… cho con em; giáo viên chủ nhiệm cũng phải “khô cổ” để giải thích và trở thành “đại lý thu bảo hiểm” bất đắc dĩ.
|
Học sinh lớp 1 là nhóm phải đóng BHYT 15 tháng |
Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên HSSV thực hiện theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Mức đóng BHYT HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT do Nhà nước quy định (hiện nay là 1.150.000 đồng), trong đó, ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại 70% HSSV phải tự đóng. Một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ HBYT HSSV sẽ theo năm tài chính, tức là từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2016, do đó, thời gian đóng BHYT năm học này là 15 tháng để tạo tiền đề cho công tác thu BHYT HSSV những năm học sau đúng quy định và thuận lợi. Năm học trước, thẻ BHYT HSSV có giá trị sử dụng từ đầu năm học (tháng 9 hoặc tháng 10/2014) và hết hạn sau 12 tháng (tức tháng 9 hoặc tháng 10/2015). Vì sự thay đổi thời hạn sử dụng theo năm tài chính nên đối với HS vào lớp 1 và SV năm thứ nhất và HSSV các năm khác phải đóng BHYT cho 15 tháng. Như vậy, thời hạn sử dụng thẻ từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016. Đối với HS lớp 12 và SV năm cuối, thời gian đóng BHYT là 12 tháng và thời hạn sử dụng thẻ từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2016. Mức đóng BHYT năm học 2015 - 2016 là 1.150.000 đồng x 4,5% x 15 tháng = 776.250 đồng/HSSV/năm, trong đó, NSNN hỗ trợ 30% là 232.875 đồng, HSSV tự đóng 70% là 543.375 đồng, cao hơn gần gấp đôi so với các năm học trước.
Áp lực vì mức đóng BHYT học sinh tăng cao
Theo Luật BHYT, HS là đối tượng bắt buộc, nhưng lại tham gia trên tinh thần tự nguyện, không có chế tài. Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có khoảng 84,67% HSSV tham gia BHYT. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có hơn 310 ngàn học sinh ở các cấp học, nếu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 100% thì nguồn thu về cho BHXH tỉnh khoảng 150 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7016/KH - UBND triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 trên địa bàn tỉnh.
|
Nhà có hai con, đứa lớn học lớp 9 và đứa nhỏ học lớp 2, chị Trần Thị Nga (phường 9, Đà Lạt) ngạc nhiên khi đầu năm học đi họp phụ huynh, nhà trường thông báo chỉ đóng 290.000 đồng tiền BHYT và 90.000 đồng bảo hiểm toàn diện cho một HS, nhưng khi vào học được khoảng 1 tuần, cô giáo chủ nhiệm của các cháu lại thông báo thu thêm 254.000 đồng BHYT/HS vì mới có chủ trương tăng. Không tiện thắc mắc, chị “bấm bụng” đóng cho hai con với số tiền hơn 1 triệu đồng. “Với thu nhập không ổn định do hai vợ chồng tôi đều làm nghề tự do thì mức đóng BHYT năm nay như vậy là quá cao, vẫn biết đóng BHYT là bảo đảm quyền lợi cho con mình nhưng số tiền hơn 1 triệu đối với những gia đình khó khăn là không hề nhỏ, chưa kể các khoản thu đầu năm học, rồi mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... khiến tôi phải gom góp để đóng đủ cho các cháu”, chị Nga than thở.
Việc áp đặt cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cũng khiến nhiều phụ huynh e ngại và không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh. Tham gia BHYT, HS chỉ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương trở xuống theo địa chỉ thường trú, tạm trú có thời hạn. “Nói thật, khi con cái bị những bệnh thông thường tôi cho đi khám tư chứ không muốn đến các trạm y tế phường hay các trung tâm y tế theo nơi đăng ký trên thẻ BHYT vì không yên tâm về chất lượng, còn nếu bệnh nặng phải chuyển tuyến trên thì tôi thấy khám chữa bệnh theo thẻ BHYT vừa mất thời gian chờ đợi, thủ tục rườm rà, lại bị phân biệt đối xử nên tham gia BHYT cho con coi như là thủ tục bắt buộc chứ tôi cũng chẳng “mặn mà” gì”, anh Trương Anh Tuấn (phường 2, Đà Lạt) cho biết.
Còn đối với giáo viên chủ nhiệm, việc thu BHYT đầu năm học cũng gây áp lực không kém. “Mình phải giải thích đi giải thích lại việc tăng mức thu BHYT HS vì đầu năm nhà trường thông báo chỉ thu 290.000 đồng, sau đó lại thu thêm 254.000 đồng. Với số tiền tăng gần gấp đôi như vậy khiến nhiều phụ huynh thắc mắc, và việc thu BHYT năm nay cũng chậm hơn so với mọi năm. Vì đây là một trong những tiêu chí thi đua nên giáo viên lại phải nhắc nhở, thông báo để 100% HS trong lớp tham gia”, một giáo viên Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt) chia sẻ. Và như vậy, giáo viên chủ nhiệm lại trở thành những “đại lý thu BHYT” bất đắc dĩ!
“Gỡ” “gánh nặng” BHYT học sinh
Để triển khai việc thu BHYT có hiệu quả, đầu năm học, Sở GDĐT và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã có hướng dẫn liên ngành về việc thực hiện BHYT HSSV năm học 2015 - 2016. Trong đó, quy định rõ đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ BHYT, quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT, việc quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, trách nhiệm của các bên thực hiện… Tuy nhiên, việc thu BHYT một lần khi mức thu tăng cộng với các khoản thu đầu năm học khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Để “gỡ” “gánh nặng” này, ngày 1/9/2016, BHXH tỉnh đã có công văn gửi BHXH các huyện, thành phố hướng dẫn thu BHYT HSSV năm học 2015 - 2016. Theo đó, thay vì thu một lần vào đầu năm học thì các trường có thể tổ chức thu thành 2 đợt, đợt 1 thu 6 tháng từ ngày 1/10/2015 đến 31/3/2016, với mức đóng 310.500 đồng, trong đó, HSSV đóng 217.350 đồng, NSNN hỗ trợ 93.150 đồng; đợt 2 thu 9 tháng từ ngày 1/4/2016 đến 31/12/2016, mức đóng 465.750 đồng, trong đó, HSSV đóng 326.025 đồng, NSNN hỗ trợ 139.725 đồng.
Ngày 16/9/2015, Sở GDĐT cũng có công văn gửi các Phòng GDĐT và các trường, các đơn vị trực thuộc Sở về việc thực hiện BHYT cho HSSV năm học 2015 - 2016. Công văn nêu rõ: tổ chức thu tiền BHYT của HSSV chia làm 2 đợt, tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học; Thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT. Các cơ sở giáo dục, đào tạo không tổ chức thu bảo hiểm tự nguyện (BHTN), không cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường phối hợp với các tổ chức, cá nhân để thu BHTN của HSSV tại các cơ sở làm việc của nhà trường. Đối với các trường đã thực hiện, nếu có phát sinh dư luận, phụ huynh HS không đồng tình thì phải trả lại cho HS.
Phải khẳng định rằng: tham gia BHYT là cần thiết đối với HSSV, mang ý nghĩa nhân văn của chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức đóng chưa phù hợp, việc triển khai thiếu linh hoạt, áp đặt đã tạo thêm những mối lo, “gánh nặng” cho phụ huynh đầu năm học. Để phụ huynh và HS tin tưởng, thoải mái khi đóng BHYT thì dịch vụ cung ứng, thanh toán, nhất là chất lượng khám chữa bệnh của BHYT phải được cải thiện, nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham gia.
TUẤN HƯƠNG