Gần 10 năm gắn bó với môn Vật lý, cô Nguyễn Xuân Hồng (Trường THCS Ka Đô, Đơn Dương) truyền đạt những khái niệm về năng lượng, lực… qua những thí nghiệm thú vị đến với nhiều lớp học trò. Giải nhất Hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ toàn tỉnh năm học 2014-2015 được xem là động lực để những thí nghiệm sinh động của nữ giáo viên yêu nghề này tiếp nối.
Gần 10 năm gắn bó với môn Vật lý, cô Nguyễn Xuân Hồng (Trường THCS Ka Đô, Đơn Dương) truyền đạt những khái niệm về năng lượng, lực… qua những thí nghiệm thú vị đến với nhiều lớp học trò. Giải nhất Hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ toàn tỉnh năm học 2014-2015 được xem là động lực để những thí nghiệm sinh động của nữ giáo viên yêu nghề này tiếp nối.
|
Cô Xuân Hồng và học trò "bên ngoài" những thí nghiệm. Ảnh: Phan Nhân |
Trong lễ khai giảng năm học mới 2015- 2016, cô giáo Xuân Hồng đứng giữa “vòng vây” của học trò, trong đó có những học trò mới và cả những học trò cũ về thăm cô giáo. Với hành trang gần 10 năm đứng lớp, đủ để những lớp học trò ban đầu trưởng thành và lại càng nhớ đến cô giáo có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng luôn tạo ra “sức nóng” cho các tiết học với những thí nghiệm dễ nhớ, dẫn dắt và liên hệ thực tế rất hay.
Để có một tòa biệt thự đẹp, việc đầu tiên cần chuẩn bị là gì? Chính là một bản thiết kế. Cũng tương tự như vậy, muốn thực hiện mạch điện cần phải có một sơ đồ, đó là cách dẫn của cô Xuân Hồng vào bài Sơ đồ mạch điện - chiều dòng điện. Những quả bóng bàn đã bị móp méo sau nhiều lần vận động viên sử dụng, khi gặp nhiệt, bóng nở lại tròn đều, đó chính là thí nghiệm điển hình sự nở vì nhiệt của chất khí. Trước khi bước vào bài học mới, cô giáo tiến hành dò bài cũ của học sinh thông qua bài tập, công thực hiện trong một giây chính là công suất của học sinh đó và bài học về Công suất bắt đầu… Từ khái niệm, học trò suy ra các đại lượng, đơn vị, công thức; rồi từ đó, kết luận máy nào làm việc khỏe hơn, ai làm việc khỏe hơn. Cô liên hệ đến ý nghĩa của việc tiết kiệm điện cũng như giữ gìn sức khỏe của con người - vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi hợp lý. Những hình thức dẫn dắt ấy của cô Xuân Hồng khiến kiến thức cứ tự nhiên và gần gũi đi vào nhận thức của học trò.
Tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2007, cô Nguyễn Xuân Hồng về quê nhà Đơn Dương và dạy học tại Trường THCS Ka Đô. Yêu thích tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên, cô Xuân Hồng bắt đầu quá trình giảng dạy khá nhẹ nhàng và muốn đem những gì thật nhẹ nhàng, không áp đặt, không khiên cưỡng vào các tiết giảng. Quan điểm ấy tuy đơn giản nhưng để đạt hiệu quả lại cần cả quá trình chuẩn bị chu đáo và kiến thức sâu, cộng với những kỹ năng mềm dẻo, linh hoạt của giáo viên. Và phía sau bục giảng, cô Hồng đã nỗ lực chuẩn bị cho quan điểm dạy học ấy qua từng ngày tích lũy kiến thức, chan hòa và tìm hiểu thế giới tự nhiên chung quanh, đi dự giảng những thầy cô đi trước để học hỏi kỹ năng truyền thụ và cả những giáo viên mới vào nghề ở phong cách hiện đại. Niềm vui tiếp nối khi học trò vừa kính trọng vừa thương mến cô. Nguyễn Thị Minh Thư, học sinh cũ của cô Xuân Hồng sau khi tốt nghiệp đã trở về sà vào vòng tay cô giáo cũ, cảm giác thân thương như chim non về tổ. Còn với học trò vẫn đang ở trong vòng tay yêu thương ấy, Võ Minh Phương, học sinh lớp 9A2, tiết học của cô Hồng rất được chờ đợi, bởi tiết giảng nào cô cũng có thí nghiệm và liên hệ thực tế, từ đó, học trò biết tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, không mở máy tính nhiều, ít nghe nhạc với âm lượng lớn để công suất của máy được bền…
Từ năm học 2013 - 2014 và 2014 - 2015, cô Xuân Hồng đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tại Hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ toàn tỉnh, giáo viên Xuân Hồng được đánh giá cao với khả năng sử dụng thí nghiệm ảo vào phần Điện học về nam châm (Vật lý 9). Với nội dung này, thí nghiệm thực tế lại khó quan sát nên thí nghiệm ảo là phép giải tối ưu với những hình ảnh được trình chiếu sinh động. Là “cô giáo của nhiều thí nghiệm”, cô Xuân Hồng có đủ kinh nghiệm để thể hiện thí nghiệm, tiết chế liều lượng và diễn giải một cách sinh động nhất. Giải nhất Hội thi như một món quà ý nghĩa mang tính thực nghiệm đối với nữ giáo viên này.
Dạy giỏi, cô Xuân Hồng còn nhận từ học trò tình cảm yêu thương bởi chính tấm lòng của một nhà giáo. Với những hoàn cảnh khó khăn, cô sẵn sàng chia sẻ từ tinh thần đến vật chất. Trong năm học vừa qua, mẹ của Hoàng Đình Quân (học sinh lớp 9A2) đột ngột qua đời, cô Hồng tận tay giúp học trò làm đơn xin nhà trường giảm học phí; trực tiếp giúp em các khoản tiền để mua bảng tên, mua sách vở đầu năm học và không quên đến với em trong ngày tết, trung thu… Thầy Nguyễn Văn Tuân - Hiệu phó Trường THCS Ka Đô đánh giá nữ giáo viên này có năng lực sư phạm tốt, lớp cô chủ nhiệm luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường; đặc biệt là cô đầu tư công phu và sáng tạo trong các tiết giảng.
Một may mắn, theo cô Xuân Hồng, đó chính là cô nhận được sự chia sẻ, cùng niềm đam mê với thế giới tự nhiên từ người bạn đời của cô, anh công tác trong ngành thủy điện. Có lẽ, hạnh phúc đó đã nhân lên những thành công để nữ giáo viên này tiếp tục gắn bó với bục giảng, với những thí nghiệm sinh động đến vô cùng, dù rằng cô sắp phải xa mái trường Ka Đô để về Bảo Lộc vì điều kiện gia đình…
HẢI YẾN