Trong hương điều Đồng Nai Thượng

09:09, 17/09/2015

Đồng Nai Thượng vốn là vùng đất anh hùng trong kháng chiến, nhưng đời sống vô cùng khó khăn, nhất là khi còn là địa danh Thôn 5 của huyện Cát Tiên. Hôm nay, Đồng Nai Thượng đã khoác lên mình tấm áo mới, tinh khôi mà vẫn đậm bản sắc của cộng đồng đồng bào Châu Mạ.

Đồng Nai Thượng vốn là vùng đất anh hùng trong kháng chiến, nhưng đời sống vô cùng khó khăn, nhất là khi còn là địa danh Thôn 5 của huyện Cát Tiên. Hôm nay, Đồng Nai Thượng đã khoác lên mình tấm áo mới, tinh khôi mà vẫn đậm bản sắc của cộng đồng đồng bào Châu Mạ. Sức sống mới, hành trình mới được hun đúc từ ngoại lực nhờ quan tâm sâu sắc và nội lực với tinh thần quyết vươn lên.   
 
Thu hoạch điều
Thu hoạch điều

50% là người có công
 
Năm 2003, vùng đất cuối này của tỉnh Lâm Đồng không còn danh xưng là Thôn 5 mà trở thành đơn vị hành chính xã với tên gọi Đồng Nai Thượng. Tách từ xã Tiên Hoàng, Đồng Nai Thượng giáp tỉnh Đắc Nông và 2 huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, có dân số 1.698 khẩu với 408 hộ; 98% cư dân là dân tộc thiểu số. Cát Tiên là “rốn lũ” của Lâm Đồng, nhưng Đồng Nai Thượng thì ngự chon von. Thủa lũ lụt tràn về, dân Cát Tiên dáo dác, trắng đêm trong biển nước, Thôn 5 thành ốc đảo xa lắc. Mùa khô, Cát Tiên hừng hực lửa trời, đất nứt nẻ không khốc… 
 
Tôi trở lại Cát Tiên cũng dịp nắng, nóng táp rát mặt. Tranh thủ vào làm việc với Phòng LĐTB&XH huyện, trước khi đi Đồng Nai Thượng. Trưởng phòng Nguyễn Thị Mỹ rót nước mời và nhanh nhảu hỏi: 
 
- Anh xuống để mai dự kỷ niệm Chiến khu D à? Tụi tôi đang chuẩn bị đón đoàn đây, nghe bảo đến 200 đại biểu, có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xuống. 
 
Tôi phân bua: 
 
- Không, tôi đi lẻ. Tý nữa vào Đồng Nai Thượng. 
 
Chị Mỹ nuối tiếc: 
 
- Chà… Biết anh vào Đồng Nai Thượng thì đến sớm đi được rồi. Sáng nay có xe vào, mấy cán bộ của phòng vào phát tiền cho các đối tượng chính sách. 
 
- Sao phòng lại vào tận xã phát mà không chuyển về địa phương chi trả như các nơi khác trong tỉnh vậy chị? - tôi hỏi.
 
Chị Mỹ giải thích: 
 
- Đây là xã có số lượng người có công đông nhất huyện, đến 50%, 111 đối tượng anh ạ. Đường xa và nguy hiểm, phòng nhờ cả bên công an đi cùng vào trực tiếp phát cho bà con. Cứ ngày 8 hàng tháng là cán bộ phòng vào chi trả, cũng nắm bắt kịp thời về tâm tư nguyện vọng của bà con nữa…
 
Không còn đường gùi
 
Lên cầu thang ngôi nhà 2 tầng khang trang, rẽ trái là phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai. Sau cái bắt tay, anh ngạc nhiên hỏi tôi: “Đi đâu mà vào giữa trưa nắng vậy?”.  
 
Qua giải thích, anh Mai hiểu và nhanh nhảu đi tìm tài liệu. Những con số dường như làm dịu cái nắng đang loang tràn dưới sân. Đến năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với Nghị quyết. Toàn xã có tổng diện tích gieo trồng 1.600ha, tăng 1,45 lần so với năm 2010; giá trị thu nhập gieo trồng 50 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/người, đạt 120% so với Nghị quyết đề ra. Giá trị sản xuất 5 năm (2010-2015) đạt 141,5 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân hàng năm 22%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19,2%. Nhiều con số về tỉ lệ mà Bí thư Mai chia sẻ cứ nhân niềm vui trong tôi: trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn hơn 13%; hộ sử dụng điện gần 100%; hộ nghèo còn 7,95%; dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 90%...
 
Rồi ngừng lại, Bí thư Mai tự hào nói với tôi một câu đầy hình tượng: “Bây giờ xã chúng tôi không còn đường gùi!”. Đấy là câu chuyện đường giao thông nông thôn. Xã đã đột phá trong nông nghiệp bằng chuyển diện tích cây điều kém hiệu quả sang cây cà phê, cao su và tiêu… Vì vậy, xã đã có 30ha cà phê, 250ha cao su, 70ha cây ăn trái và 15ha cây tiêu; 25ha lúa nước sản xuất được 3 vụ/năm. No và ngon cái bụng là chắc rồi! 
 
Đời sống vật chất ổn định, sự đồng thuận trong cộng đồng càng được phát huy. 2015 là năm đầu tiên xã huy động tiền của dân xây dựng nông thôn mới, gồm các công trình phúc lợi như nghĩa trang, đường liên thôn, nhà văn hóa… “Không còn đường gùi” là ở chỗ: đường liên thôn, liên khu sản xuất đã được ủi ngang ủi dọc, cả 5 thôn đều có đường ô tô vô ra thảnh thơi, bà con không phải gùi nữa. Một tầm nhìn xa về lâu dài. Anh Mai cho biết: Kinh phí ủi đường tiết kiệm từ ngân sách, một phần tiền thưởng quản lý bảo vệ rừng của dân góp vào. Riêng năm 2014, chương trình đầu tư xây dựng cơ bản như nhà sinh hoạt cộng đồng, đường, kênh tưới, đập dâng và hỗ trợ người dân sản xuất gần 6,5 tỷ đồng… 
 
Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng ở đây cho cả cộng đồng chứ không theo từng hộ liệu quy trách nhiệm thế nào. Anh Mai giải thích thắc mắc của tôi: “Nếu rừng bị xâm hại thì cắt luôn cả cộng đồng, quy trách nhiệm cho cả cộng đồng. Họ tự quản với nhau, phân công và nhắc nhở nhau mà làm chứ”. Kiểm lâm địa bàn Đồng Nai Thượng Ngô Giang Trường cho biết: Tổng diện tích rừng Vườn quốc gia Nam Cát Tiên được giao cho 100% người dân tộc tại chỗ (362 hộ) nhận khoán quản lý bảo vệ 6.100ha. 5 năm qua, họ nhận gần 6 tỉ đồng từ chương trình này. 
 
Nhà mới, điều thơm 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng Lê Quang Chường dẫn tôi đi đến các nhà dân. Chường vốn là người xã Tiên Hoàng, 10 năm trước làm thanh niên tình nguyện của thôn 5, có duyên ở lại luôn. Lưng chừng dốc “đường 135” bằng bê tông rộng 4 m ở thôn Bù Gia Rá, tôi đề nghị Chường tạt vào ngôi nhà đang xây. Hóa ra nhà của Điểu K’Giá - Chủ tịch HĐND xã Đồng Nai Thượng. Anh K’Giá niềm nở chào và giới thiệu ngôi nhà có tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Đấy là những vị ngọt mùa màng: 4ha điều, 1ha cà phê của gia đình. Anh kể: “Điều năm nay 25 ngàn đồng/kg (năm ngoái 18-20 ngàn đồng/kg - MĐ). Năm nay tôi mới thu được 4 tấn, bình quân 1ha được 1,1 đến 1,2 tấn. Cà phê nhà tôi mới thu bói, được chín tạ rồi”. Có của ăn của để, con cái đều không thất học, học lớp 12 và lớp 8. K’Giá không giấu niềm vui nói: “Huyện có kế hoạch chuyển Trường PTCS Đồng Nai Thượng thành trường bán trú nên sắp tới sẽ rất thuận lợi cho lũ trẻ”. Với cơ sở vật chất trường học tiếp tục được Nhà nước đầu tư; 100% giáo viên đạt chuẩn thì sự nghiệp “trồng người” của Đồng Nai Thượng càng tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, đang quyết tâm phổ cập giáo dục mầm non trong năm 2015. 
 
Tôi và Chường lại theo con đường lớn vào sâu khu sản xuất điều. Điều vàng ươm, thứ lủng lẳng treo cành, thứ chín muồi rụng xuống đất. Ngát hương điều, quyến rũ hàng trăm con bướm chấp chới trong hoa nắng. Ve rừng hòa ca ran vang. Không gian vừa trải rộng vừa thật sâu… Có tới 7, 8 người hí húi nhặt điều chín bỏ vào gùi. Cô gái vai trần, khúc khích bên tán điều. Chiếc gùi sau lưng lắc lư, đong đầy hồn nhiên…Đây là vườn điều 3ha của gia đình Điểu K’Bơi. Anh khoe: “Trong này xa hơn xã Tiên Hoàng nhưng điều cao giá hơn đấy. Điều mình đẹp hơn mà!”. Năm qua, trừ chi phí gia đình K’Bơi thu lời hơn 100 triệu đồng…
 
Già làng kể chuyện 
 
Chúng tôi đến nhà già làng Điểu K’Lộc A. Người đàn bà lúi cúi bên bếp lửa cạnh đống củi chồng nhiều lớp ngay ngắn nơi góc sân - bà Điểu Thị Chớc, vợ ông K’Lộc A nấu bữa cơm chiều. Bà trả lời anh Chường: “Ổng đi vô rẫy rồi, đến tối mới về mà”. Chường gọi điện cho già làng K’Lộc A. Còn tôi ngắm nghía mãi tấm biển trên vách ván ngôi nhà, được kẻ chữ hai màu sơn rất đẹp: “Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm xã Đồng Nai Thượng, số điện thoại: 01257694358”. Đây là hàng truyền thống nối đời mẫu hệ do bà Chớc làm tổ trưởng của 20 phụ nữ trong xã. Bà dẫn vào nhà và mở tủ khoe từng xấp vải thổ cẩm sặc sỡ hoa văn và bảo: Giá mỗi tấm quàng từ 500 đến 1,4 triệu đồng, tùy loại. Đặt thì làm nhiều, không thì rảnh mới làm. Nhà bà là nơi giao dịch mua bán của khách trong huyện, ngoài tỉnh. 
 
Già làng Điểu K’Lộc A (bên phải) và tác giả tại gia đình
Già làng Điểu K’Lộc A (bên phải) và tác giả tại gia đình

Tôi đang say sưa ngắm những hoa văn thổ cẩm thì già làng Điểu K’Lộc A bước vào. Thấy tôi chăm chú xem mấy tấm hình treo trên tường, già K’Lộc A mời nước rồi chỉ bức chân dung giải thích: “Đây là ông già tôi, Điểu K’Bia. Ổng cũng tham gia bộ đội cách mạng. Ông bà già mình có 6 người theo ổng, 1 liệt sĩ, 1 thương binh và 4 bệnh binh”. Trên vách còn treo nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen... Già làng Điểu K’Lộc A sinh năm 1953, trước năm 1975, tham gia bộ đội hơn 5 năm ở trong rừng (K29), tỉnh Sông Bé. Xuất ngũ ông là bệnh binh, năm 1987 từ Bù Đăng chuyển qua Bù Ra Giá, Đồng Nai Thượng định cư. 
 
Tôi hỏi ông: 
 
- Hôm nay bà con được nhận lương rồi phải không già?
 
Già gật đầu: 
 
- Hôm nay nhận lương đầy đủ. Tháng nào cũng mùng 8 được cán bộ phòng phát tại xã. 
 
- So với trước, bây giờ già thấy cuộc sống thế nào? - tôi lại hỏi.
 
Như được khơi mạch chảy, già làng Điểu K’Lộc A hồ hởi: 
 
- Ồ, giờ bà con đỡ hơn nhiều. Làm ăn ổn định, thu nhập có cà phê, cả điều nữa, ngày trước mình không áp dụng được. Làm lúa, giã lúa bằng tay, đi làm cỏ lúa trên rẫy mệt lắm. Ngày xưa gùi 3, 4 chục cây số đi bán, tuốt lúa bên Bù Đăng bán. Lâm Đồng đâu có đường có sá nên bán hết bên Bù Đăng. Gà, heo dắt đi mấy ngày đêm, đi đêm ngủ ngày để tránh nắng mà heo vẫn chết nhiều giữa đường. Khổ lắm! Có gà, có heo, có lúa nhưng ai mua, phải đi Bù Đăng lấy tiền…
 
Già làng chưa hết xúc động khi tiễn chúng tôi ra cửa. Đầu thềm, bụi chuối rừng lủng lẳng mấy xâu hoa rực đỏ mê hoặc… Tôi mời già đứng cùng chụp hình kỷ niệm. Già cười rạng rỡ, phóng khoáng như đất trời Đồng Nai Thượng...
 
Lời kết 
 
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiến cho tôi biết, ngoài những chỉ tiêu năm cũ được giữ vững, năm 2015 Đồng Nai Thượng vươn lên những chỉ tiêu mới như GDP 19,5%; hộ nghèo còn dưới 5%; tăng dân số tự nhiên 1,5%; trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 12%; đạt 12/19 tiêu chí về nông thôn mới… Bí thư Đào Duy Mai nói: “Mục tiêu của chúng tôi là cùng nhau duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí đã đạt được; đồng thời phấn đấu hoàn thành tốt các tiêu chí còn lại theo đúng lộ trình”.
 
Chiều. Những tia nắng rực rỡ xuyên qua tầng lớp thực vật ngút xanh. Thanh niên hùng hục chơi bóng chuyền bên nếp nhà mơ màng lam khói. Trẻ con dung dăng làm thành buổi tan trường ríu ran... Trong tôi, cảm xúc dâng đầy suốt đường rời Đồng Nai Thượng… 
 
Cát Tiên - Đà Lạt, tháng 8/2015 
 
Bút ký: MINH ĐẠO