Từ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, suy nghĩ về chính sách an dân

09:09, 28/09/2015

Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi môi trường, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nếu bảo vệ, tôn tạo, đầu tư tốt sẽ là nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi môi trường, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nếu bảo vệ, tôn tạo, đầu tư tốt sẽ là nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
Du lịch làng nghề tại xã Đạ Nhim (Lạc Dương) - Ảnh: Văn Báu
Du lịch làng nghề tại xã Đạ Nhim (Lạc Dương) - Ảnh: Văn Báu

Tại Kỳ họp lần thứ 27, ngày 9/6/2015, Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đã công nhận Lang Biang là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, đưa tổng số Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam lên con số 9. Đây còn là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ. 
 
Việc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ.
 
Nơi đây còn lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên đa dạng hòa quyện với những nét văn hóa đặc sắc của “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Thế nhưng hiện nay, tại vùng lõi thuộc tiểu khu 26, 27 Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang diễn ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Người lấn chiếm không ai khác là người dân bản địa - thôn Đạ Long cũ - là con cháu hoặc chính bản thân họ, ở tại mảnh đất này ngày xưa đã nghe theo Đảng di dân về thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông hiện nay vì sự nghiệp Cách mạng.
 
Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã tốn khá nhiều công sức, chi phí không chỉ của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà mà của cả các cấp chính quyền địa phương trong một thời gian khá dài.
 
Vấn đề đặt ra đâu là nguyên nhân, giải pháp? Phải chăng do chưa tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân - hãy lắng nghe người dân nói gì?
 
Qua nắm bắt tình hình tại chỗ thì bà con du canh, du cư về đây vì nhu cầu mưu sinh. Phương tiện sản xuất chủ yếu của họ theo truyền thống cũng như hiện nay là đất và rừng để tồn tại. Bà con có nguyện vọng được định cư tại đây vì đây vừa là vùng đất thuận lợi canh tác và hơn nữa là làng cũ của bà con, gắn bó với cha ông, tổ tiên họ. 
 
Nhân dân với chính quyền chưa có sự đồng thuận vì những nguyên nhân khác nhau, ngoài niềm tin đối với chính quyền, thì còn một số nguyên nhân trực tiếp khác như:
 
Có sự chậm trễ trong công tác quản lý rừng, đã để người dân lấn chiếm đất rừng một thời gian dài, họ đã làm nhiều nhà tạm (khoảng gần 30 cái), trong đó có một số nhà khá lớn.
 
Công tác vận động, tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, việc bố trí, sắp xếp đất định cư cho người dân chưa được sự đồng tình, ủng hộ của đa số các hộ dân. Thực tế cho thấy ở đây dân trí thấp, bà con sống một cách hoang dã, tự nhiên, nên lợi ích to lớn của rừng là một điều quá xa vời trong khi cái bụng đói, đòi ăn hàng ngày là một nhu cầu có thực. 
 
Nhưng một điều đáng trân trọng đó là những người nông dân du canh đến đây rất cần cù lao động. Mặc dù ở vùng sâu xa, khó khăn cách trở nhưng bà con vẫn gieo trồng hoa màu khá tốt. Vấn đề là lựa chọn giao đất cho bà con phù hợp với quy hoạch, tạo điều kiện cho bà con có công cụ lao động và có hiểu biết, có khoa học để canh tác - đó là vai trò của chính quyền.
 
Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu sát, thiết thực, cụ thể hơn đối với bà con, để cho bà con thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài và đặc biệt là xây dựng được niềm tin đối với chính quyền.
 
Sơ kết rút kinh nghiệm, lắng nghe dân, chuẩn bị chu đáo đất định canh để tiếp tục triển khai giao đất, giao rừng cho các hộ nghèo, thiếu đất sản xuất; có xem xét các hộ không thiếu đất sản xuất nhưng thực sự sản xuất giỏi, có kế hoạch sản xuất hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm cho xã hội, làm tấm gương điển hình, đầu tàu cho thôn bản.
 
Sau khi giải tỏa sẽ bố trí trồng rừng, nếu hộ nào có nhu cầu nhận đất trồng rừng, bảo vệ rừng tại đây sẽ được chính quyền tạo điều kiện. Bảo đảm là khi bà con trở về, giao rừng cho vườn quốc gia thì chính quyền không để bất cứ nhóm người nào có thể đến canh tác tại đây.
 
Công khai quy trình, giải thích rõ từng bước thực hiện một cách dân chủ, kỷ cương đến từng đối tượng, nếu hộ nào không chấp hành chủ trương của nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.
 
Khi làm tốt công tác chuẩn bị thì sẽ triển khai giải tỏa, giao đất cho đơn vị chức năng quản lý, khi ổn định mới triển khai kế hoạch trồng rừng và giữ rừng.
 
Hoặc, phương án thứ 2 là lập một làng du lịch sinh thái với những nét văn hóa đặc sắc, sinh sống hoang sơ như thời tiền sử với “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, kết hợp với du lịch làng nghề truyền thống với quy chế hoạt động chặt chẽ, chỉ với mục đích duy nhất là làm du lịch, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến rừng. 
 
Tóm lại, đất đai và quản lý đất đai là việc làm phức tạp nói chung. Đồng thời công tác dân tộc trong tình hình hiện nay đã có những chuyển biến khác so với trước đây. Dân tộc và vấn đề dân tộc luôn luôn đồng hành cùng với sự phát triển của xã hội, của quốc gia. Thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho cấp ủy và chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị.
 
Nguyễn Ngọc Bình