Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, chiến tranh chìm về tâm thức nhưng đâu đó giữa đại ngàn thăm thẳm Trường Sơn, có những con đường, những địa danh tạc vào lịch sử bằng muôn vàn mất mát, hy sinh...
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, chiến tranh chìm về tâm thức nhưng đâu đó giữa đại ngàn thăm thẳm Trường Sơn, có những con đường, những địa danh tạc vào lịch sử bằng muôn vàn mất mát, hy sinh. Dưới tán rừng, bên triền núi, ai dừng chân trầm mình cảm xúc lắng nghe, vẫn còn rung lên những âm thanh, lời ca của hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vang vọng, chưa bao giờ ngưng nghỉ giữa mạch đập thời gian…
|
Biểu diễn văn nghệ tại Tượng đài chiến thắng Truông Bồn (Nghệ An) |
Cuối tháng tám, những giọt nắng nhẹ xuyên qua kẽ lá, rải những hạt vàng ươm đầy mặt đất. Nếu không có tượng đài, khu mộ, nhà bia… hẳn chẳng ai có thể phân biệt Đồng Lộc khác gì những ngã ba đường trên hành trình thiên lý từng qua. Bước chân những người viếng mộ đều rất khẽ, lời khấn cầu thì thầm cùng khói hương bảng lảng. Đang lặng ngắm những bức ảnh đen trắng trên mười nấm mộ, tình cờ gặp lão nông rắn rỏi đang thắp nén hương thơm cho từng phần mộ. Lời ông thì thầm “Những ngày lễ trọng, lại hội họp, gặp mặt liên miên, chắc anh không lên được với mấy O, mấy O thông cảm nghe”. Hỏi chuyện, ông với tay về phía chân đồi: “Nếu không ngại, mời mấy chú ghé nhà uống nước”.
Ngôi nhà nhỏ ven đồi, cách Ngã ba Đồng Lộc chừng non cây số, nép mình dưới gốc nhãn già, mát rượi. Ông đon đả mời nước rồi khoác tay: “Chắc các chú ở xa về viếng, chưa biết, tui là Nguyễn Thế Linh”. Ngỡ ngàng, anh bạn đồng nghiệp ấp úng: “Có phải bác là…”. Ông cười hiền: “Thì tui chứ ai! Bảy lăm tròn rồi chú, vừa mua được ít gỗ, thuê thợ đóng cho cỗ hậu sự, phòng khi mình đi đột ngột”. Lão nông ngồi trước mặt chúng tôi, từng là người chỉ huy trực tiếp của 10 cô gái liệt sỹ hy sinh ở Đồng Lộc năm xưa, nhưng mãi chúng tôi mới dám gợi chuyện với ông về chiến tranh, về Ngã ba Đồng Lộc. Lặng người, lại quay mặt đi quệt vội giọt nước mắt, ông chậm rãi, kể lại: “Tôi là người địa phương, cũng là đại đội trưởng của các O, nên cả đại đội ở trong xóm này, chia nhau mỗi nhà vài người. Hồi những năm 66-68, máy bay Mỹ đánh phá liên tục, hòng ngăn xe ta vào Nam. Sau khi O La Thị Tám chuyển đi, tôi và một số anh trong đại đội thay nhau làm nhiệm vụ canh gác, đếm bom, đánh dấu bom…
Theo dòng hồi tưởng của cựu Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh, ngày 24/7/1968, máy bay Mỹ đánh ở sườn đồi phía tây, chứ không phải phía Ngã ba Đồng Lộc. Ông Linh ngồi trên đỉnh đồi vừa quan sát, vừa chỉ huy anh chị em làm nhiệm vụ. Một tốp ba chiếc máy bay lao xuống cắt bom, nhưng không hiểu sao có một quả bay lệch qua sườn đồi phía đông, nổ gần nơi hầm trú ẩn của tiểu đội 4 thanh niên xung phong. Thấy bom nổ và cả một mảng đồi sập xuống, vùi lấp hầm của các o, Linh vứt ống nhòm, lao xuống dùng tay bới tìm miệng hầm. Đầu tiên là thấy mặt o Tần, rồi o Rạng, hai người ngồi ngoài cùng. “Tôi lay gọi nhưng họ đều đã hy sinh, mặt sạm đen vì hơi bom. Tôi rút lá cờ hiệu trong túi áo ra, vẫy anh chị em các vị trí gần đó tới, lần lượt đưa chín O ra khỏi hầm. Chúng tôi đưa các O về thôn Mai Lộc này, ngay trong nhà tôi, bà con cùng đơn vị tắm rửa, khâm liệm. Riêng Cúc, ba ngày sau mới tìm được thi thể trong một căn hầm nhỏ, cách hầm chính chừng hơn chục mét…”, ông Linh vẫn nghẹn ngào kể tiếp. Các O được chôn cất trong nghĩa địa thôn Mai Lộc, như những đứa con ruột thịt của quê. Bà Lê Thị Dung, vợ của Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh, cũng là một trong những nữ thanh niên xung phong của Đại đội 552 ngày ấy, góp chuyện: “Những ngày sau đó, chúng tôi bám mặt đường suốt ngày đêm, một người làm việc bằng hai, bằng ba, phá bom, san đường, là cọc tiêu dẫn đường xe qua, với lời thề quyết chiến thắng giặc Mỹ, trả thù cho các O…”. Thủng thỉnh rót đọi chè xanh mời khách, bà Dung tiếp lời: “Nhiều người đến bảo ông ấy làm báo cáo, đề nghị, thế nào cũng được huân chương, có khi còn được phong anh hùng. Thế mà ông ấy cứ lần khần”. Ông Linh nhẹ nhàng: “Tôi chỉ tiếc là tập thể Đại đội 552 không được phong tặng anh hùng, vì sau khi 10 O hy sinh, chúng tôi tiếp tục chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà các O còn dang dở. Mỗi lần lên, nhìn các O nằm đó, là thấy mình quá may mắn. Xin chế độ, huân chương, danh hiệu là mình có lỗi với các O…”.
Chia tay lão nông - Đại đội trưởng 552 thanh niên xung phong Nguyễn Thế Linh, chúng tôi tìm về nhà bà Trần Thị Chút, mẹ của liệt sỹ Hà Thị Xanh. Nhà mẹ ở làng Nậy (xã Đức Hòa, Đức Thọ) giữa ngút ngàn ngô, lúa đang trổ đòng, đơm hoa bên dòng Ngàn Sâu. Tròn 95 tuổi, mẹ lúc nhớ lúc quên. Hỏi chuyện chị Xanh, mẹ chỉ tay lên bàn thờ, móm mém: “Hắn đó, đi lâu rồi, chưa về”. Chúng tôi thèm nghe một câu hát ru Nghệ Tĩnh, mẹ bảo: “Cơ cực lắm, lo miếng ăn không đủ, hát múa chi con”. Hồi lâu, mẹ trọ trẹ lời ru. Câu hát không vần điệu, không rõ lời, cứ như lưỡi dao xoáy vào lòng, vào đất, vào dòng Ngàn Sâu bồi lở.
|
Đoàn cựu chiến binh Nam bộ viếng mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc |
Anh Võ Tây Sơn, em trai của liệt sỹ Võ Thị Hà - người em út của tiểu đội nữ thanh niên Đồng Lộc anh hùng, kể: Chị Hà hy sinh khi mới 17 tuổi, hồi ấy tôi còn nhỏ xíu, chỉ thấy mẹ khóc ngất khi có đơn vị báo tin dữ. Sau này lớn, ngày giỗ chị lại thấy mẹ làm mâm cơm, đơm đủ 10 bát mới thắp hương. Già yếu, mẹ luôn dặn: mỗi lần giỗ, nhớ làm giỗ chung, đơm đủ mười bát để các chị được quây quần bên nhau. Không riêng nhà tôi, mỗi năm vào ngày 23/7, cả 10 nhà đều đơm đủ mười bát cơm cúng. Đúng ngày 24/7 thì về Ngã ba Đồng Lộc, cùng đơn vị làm giỗ cho các O.
Ẩn dưới những tán rừng Trường Sơn hôm nay, là biết bao tên đất, tên làng, bình dị mà thiêng liêng, từ dốc Kỳ Lợn - Truông Bồn, phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc, ngầm Khe Ve, Khe Cấy, đèo Đá Đẽo, hang Tám Cô, dốc U Bò… Mỗi tên đất, lên làng là một trận địa, một pháo đài, bằng máu, bằng mồ hôi, nước mắt của ngàn vạn người con tuổi trẻ đất Việt. Bảy mươi tuổi, bà Trần Thị Thông vẫn nhớ như in khoảnh khắc đau thương, khi cả tiểu đội thanh niên xung phong của bà bị bom rơi trúng hầm ở Truông Bồn (xã Mỹ Lộc, Đô Lương, Nghệ An). Ngày 31/10/1968, đơn vị nhận lệnh bảo đảm thông đường để một đoàn xe quan trọng vào Nam. Ít khi máy bay địch hoạt động lúc sáng sớm, nhưng hôm đó, 4 chiếc máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện lúc 6 giờ sáng, bổ nhào ném bom khi đơn vị còn đang ở mặt đường. Là tiểu đội trưởng, chị Thông hô to cho mọi người vào trú ẩn, xô anh Hòa, anh Vinh xuống hầm vì họ muốn nhường chị. Hầm chật, chị Thông nấp ở chiếc hầm tròn nửa chìm nửa nổi ngay cạnh. Bom nổ, mặt đất xới tung, vùi lấp cả tiểu đội 14 người. Đợt bom vừa dứt, đồng đội ào ra tìm, phát hiện một nòng súng lấp ló trong đất, họ vội cào, bới bằng tay và tìm được chị Thông, dẫu ngất xỉu vẫn ôm chặt khẩu súng trường. 13 chiến sỹ thanh niên xung phong, 11 nữ, hai nam của tiểu đội 4 đã anh dũng hy sinh. Trong đó, chỉ sáu người thi thể còn vẹn nguyên, bảy người bị bom xé tan, đồng đội và nhân dân nhặt từng mảnh thi thể của họ về chôn chung trong một nấm mồ lớn. Nấm mồ ấy, nay vẫn trầm mặc giữa mưa nắng Truông Bồn.
Mỗi lần nhắc đến đồng đội, bà Thông lại rưng rưng, tiếc nuối: Giá như các em Doãn, Đang, Phúc, Hiên, Dung đi học sớm lấy một ngày; rồi em Tâm và anh Hòa về quê tổ chức đám cưới sớm lấy một hôm…Nếu họ không tình nguyện bám trụ, xung phong ra lấp hố bom, san đường hôm đó với tinh thần “còn một phút giây là còn bám đường, đánh Mỹ”, giá mà tôi kiên quyết bắt các em ở nhà… chắc họ thoát, và đất Nghệ có thêm nhiều cán bộ giỏi.
Bà Trần Thị Thành, chính trị viên Đại đội 759 Thanh niên xung phong Quảng Bình trong những năm ác liệt nhất của chiến tranh, kể: Hồi đó đơn vị tôi đóng ở ngầm Khe Cấy, đồi Cha Quang trên đường 12A, làm nhiệm vụ bảo đảm thông đường cho xe qua Lào, vào Nam. Gần như ngày nào cũng bị máy bay giặc quần đảo, thả đủ thứ bom đạn. Nhưng tôi nhớ nhất là trận bom ngày 3/7/1966. Đại đội 759 của tôi cùng một số đơn vị bộ đội đang làm ngầm Khe Cấy, thì máy bay Mỹ thả một loạt bom trên sườn đồi, núi non đổ ập, vùi lấp cả sáu tiểu đội. Ba ngày liên tục, ngớt bom chúng tôi ra đào bới tìm đồng đội, vừa san đường, lấp hố bom. Đợt đó, hơn ba chục đồng chí bị thương, 11 đồng chí bộ đội công binh và 8 thanh niên xung phong hy sinh. Trong đó, có một đồng chí thanh niên xung phong bị vùi quá sâu, mà yêu cầu phải giải phóng ngay đoàn xe đang dồn ứ, nếu máy bay Mỹ phát hiện thì vô cùng nguy hiểm. Tôi cùng anh chị em trong đơn vị thắp hương cầu khấn, xin phép được dừng tìm thi thể, san đường cho xe qua. Năm năm sau, ngừng đạn bom chúng tôi mới dùng máy ủi đào tìm được đồng chí ấy…
Khắp những nẻo đường Trường Sơn hôm nay, ngược xuôi xe cộ vào ra tấp nập. Giữa bộn bề mưu sinh, hay trên đường thiên lý, hãy dừng chân, lắng mình, đốt nén hương thơm, cắm ở đâu cũng được. Lắng nghe, sẽ nghe tiếng hát, tiếng nói cười rất trẻ vọng từ chân đồi, góc rừng hay khe suối. Nhiều người, không rõ tuổi tên, quê quán, nhưng với đất nước và nhân dân, TÊN các chị, các anh đã in khắc vào vách đá, khắc vào lịch sử, thời gian.
Ghi chép UÔNG THÁI BIỂU - THANH TÙNG