Ngày 3/9/1969, chung với nỗi đau đớn ngập tràn trong cả nước khi nghe tin Bác Hồ qua đời có đồng bào miền Nam và tỉnh Cần Thơ. Ngay khu hành chính dã chiến của xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ, một bàn thờ Bác được lập lên, có lư hương, ảnh Bác, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng cùng dòng chữ "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Ngày 3/9/1969, chung với nỗi đau đớn ngập tràn trong cả nước khi nghe tin Bác Hồ qua đời có đồng bào miền Nam và tỉnh Cần Thơ. Ngay khu hành chính dã chiến của xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ, một bàn thờ Bác được lập lên, có lư hương, ảnh Bác, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng cùng dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. 46 năm nay, nơi đây trở thành địa chỉ tâm linh của đồng bào các tỉnh miền Tây Nam bộ lui tới viếng Bác, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động truyền thống thiêng liêng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hậu Giang và các địa phương lân cận.
|
Thắp hương viếng Bác tại Điện thờ |
Từ thành phố Vị Thanh, các bạn đồng nghiệp Báo Hậu Giang dẫn chúng tôi về đất Lương Tâm. Con đường nhỏ vượt qua nhiều kênh rạch đằm trong rợp xanh của dừa nước, của tre và những cánh đồng lúa mơn mởn... Đến đoạn địa bàn giao nhau của 2 dòng kênh Long Mỹ II và Năm Căn Di là Di tích Đền thờ Bác Hồ, cách thị trấn Long Mỹ 21km và cách thành phố Cần Thơ 78km.
Tiếp chúng tôi là ông Lê Văn Thống, Trưởng ban cúng tế và chị Nguyễn Thị Trúc Xuân hướng dẫn viên Đền thờ. Trước khi đi tham quan, các anh chị hướng dẫn chúng tôi vào thắp hương Bác Hồ tại Điện thờ. Ở đây, cách bài trí rất giản dị nhưng thật ấm cúng như nhiều nơi thờ tự Bác Hồ trên đất nước Việt. Phía trên bức tượng Bác bán thân là câu nói nổi tiếng của Người được đúc nổi: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trên Điện thờ, các đồ thờ truyền thống: cặp rùa đội hạc và cặp đèn cầy bằng đồng, mâm trái cây và 2 bình hoa sen, 1 bình hoa huệ và lư hương... Đây là không gian thiêng!
Theo chân chị Nguyễn Thị Trúc Xuân, chúng tôi đến nhà trưng bày và truyền thống. Chị Trúc Xuân thuyết minh: Ngày 3/9/1969, khi Bác Hồ mất, để ghi nhớ công ơn trời biển của Người và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã Lương Tâm, Đảng bộ xã do đồng chí Lữ Minh Chánh (Hai Chánh) làm Bí thư đã quyết định lập bàn thờ Bác ngay tại Văn phòng Đảng ủy của xã. Đồng chí Lê Văn Thống, Ủy viên thư ký được giao nhiệm vụ phóng ảnh Bác, lập bàn thờ và may băng tang để tổ chức lễ truy điệu. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể với sự có mặt đông đủ các ban, ngành, đoàn thể của xã, ấp và các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đóng quân gần xã, cùng đông đảo bà con đến dự lễ. Sau ngày quốc tang Bác, lãnh đạo và các lão thành trong xã có một quyết định vô cùng quan trọng, đó là xây dựng Đền thờ Bác tại ấp 3, ngã tư lộ xe. Đây là vị trí thuận lợi nhất để người dân trong xã và các khu vực dễ dàng đến viếng Bác, bằng cả đường thủy, đường bộ. Tuy nhiên, do địch mở nhiều cuộc càn quét qui mô và khốc liệt nên sau đó việc xây dựng đành gác lại, bàn thờ Bác vẫn giữ nguyên tại Văn phòng Đảng ủy xã Lương Tâm. Hè năm 1972, Mỹ - ngụy tăng cường nhiều cuộc càn quét và ráo riết dội bom pháo vào vùng Long Mỹ. Cơ quan Đảng ủy xã bị đánh sập phải dời đi nơi khác, nhưng bàn thờ của Bác vẫn được lập lại tại nơi mới như lời hứa sắt son với Bác quyết tâm đoàn kết, dũng cảm kháng chiến đánh thắng kẻ thù xâm lược...
Năm 1975, Lương Tâm cũng như tất cả mọi miền quê miền Nam đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời Bác Hồ mong mỏi. Trong niềm vui đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm cùng tâm nguyện tha thiết được xây dựng lại Đền thờ Bác Hồ ngay ở vị trí dự định trong thời kỳ kháng chiến. Được sự đồng ý của tỉnh và huyện, các ngành, các cấp và nhân dân trong và ngoài địa phương tích cực đóng góp tiền của và công sức để xây dựng công trình đặc biệt này. Ngày 2/9/1990, tâm nguyện của đồng bào miền Tây đã được viên mãn, Đền thờ Bác hoàn thành tại ấp 3, xã Lương Tâm. Ngày khánh thành long trọng với sự có mặt của rất đông nhân dân và các ban, ngành trong và ngoài tỉnh từ Bạc Liêu, Kiên Giang tham dự. Lễ rước ảnh Bác từ cơ quan Đảng ủy xã Lương Tâm về đền thờ (cách 3km) trọng thể.
Đền thờ Bác trở thành địa chỉ đỏ đối với đông đảo đồng bào cũng như là địa điểm tổ chức các ngày lễ lớn của địa phương. Với vai trò quan trọng đó, Đền thờ Bác lần thứ 2 xây dựng mới với kiến trúc mang tính dân tộc và tôn kính, cách Đền cũ 50m về phía Bắc. Ngày 19/5/1996, công trình hoàn thành.
Năm 1997, nhân kỷ niệm lần thứ 107 ngày sinh của Bác (19/5), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ cho phép xây dựng mở rộng khu Đền cùng với 6 hạng mục công trình, tổng diện tích gần 2ha, nhằm kết hợp với sinh hoạt văn hóa, thể thao, hình thành một trung tâm giáo dục truyền thống và sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Ngày 7/1/2000, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chị Nguyễn Thị Trúc Xuân và anh Lê Văn Thống tự hào và tận tình hướng dẫn chúng tôi tham quan. Thực sự xúc động khi chứng kiến nhiều hiện vật và hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Đó là những phiên bản về hiện vật gắn bó với Người lúc sinh thời: viên gạch sưởi ấm tại nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Pari, Pháp; tấm áo lụa; chiếc mũ cối; đôi dép cao su; đôi guốc mộc; chiếc gậy mây; chiếc kính lão. Và hàng trăm tấm hình về gia đình của Bác; nếp nhà ở quê làng Kim Liên, Hoàng Trù; ngôi nhà sàn ở Hà Nội - nơi trái tim Người đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt. Đó là những bước đường hoạt động của vị lãnh tụ kính yêu; Đền thờ Bác Hồ năm 1990; công trình Đền đang xây mới vào thời điểm năm 1995... Ngay trung tâm phòng trưng bày là bức chân dung Bác Hồ đứng vẫy tay có chiều cao bằng người thật, được tạc từ nguyên liệu gỗ hương rất có hồn, phía trên là dòng chữ khắc câu nói của Bác: “Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”...
Các cán bộ của Di tích Đền thờ Bác Hồ ở Lương Tâm cho biết: Từ năm 1990 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 35 ngàn đến hơn 40 ngàn lượt người đến viếng tưởng niệm công đức của Người. Những ngày lễ hội như 19/5, Tết Nguyên đán, 2/9,... nhiều hoạt động văn hóa - thể thao vui chơi giải trí được tổ chức tại đây thu hút hàng ngàn nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận. Nơi đây còn được cấp ủy và chính quyền các cấp ở tỉnh Hậu Giang và huyện Long Mỹ tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị như đánh giá thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, kiểm điểm hoạt động thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh... Đền thờ Bác Hồ xã Lương Tâm mãi mãi là dấu son tự hào của đồng bào miền Tây nước Việt.
MINH ĐẠO