Xe "đặc chủng" - nỗi ám ảnh

09:09, 18/09/2015

Cứ vài hôm lại nghe hạt kiểm lâm của huyện này bắt được chiếc xe độ chế chở gỗ lậu. Câu chuyện tương tự lại đến với một hạt kiểm lâm khác vào một vài ngày hôm sau. Nhưng, đó là chuyện của nhiều năm về trước. Nhiều năm về trước, chuyện thu phương tiện vi phạm là xe hai bánh độ chế còn được đưa vào báo cáo của hạt kiểm lâm hoặc đơn vị bảo vệ rừng (lâm trường, ban quản lý...), nhưng nay thì không...

Cứ vài hôm lại nghe hạt kiểm lâm của huyện này bắt được chiếc xe độ chế chở gỗ lậu. Câu chuyện tương tự lại đến với một hạt kiểm lâm khác vào một vài ngày hôm sau. Nhưng, đó là chuyện của nhiều năm về trước. Nhiều năm về trước, chuyện thu phương tiện vi phạm là xe hai bánh độ chế còn được đưa vào báo cáo của hạt kiểm lâm hoặc đơn vị bảo vệ rừng (lâm trường, ban quản lý...), nhưng nay thì không. Bởi, tuần nào, tháng nào cũng cứ lặp lại kiểu báo cáo như thế, ngành kiểm lâm bỗng tự thấy... không thật cần thiết. Đoan chắc rằng ai đó hoàn toàn không biết gì chuyện xe máy nhưng khi nghe thứ phương tiện này gầm rú cũng đều có thể phân biệt được nó với các loại xe hai bánh thông thường. Bây giờ, cán bộ kiểm lâm không buồn đưa thứ phương tiện này vào trong báo cáo nhưng trong thực tế thì đây chính là nỗi ám ảnh của cảnh sát rừng - ám ảnh sâu đậm đến mức những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng gọi thứ phương tiện này là xe “đặc chủng” của lâm tặc. 
 
Trong những lần đi công tác ở vùng sâu vùng xa thuộc các huyện “nóng” chuyện phá rừng, nhất là khai thác gỗ lậu, chúng tôi lại lân la đến một vài tiệm sửa xe máy để tìm hiểu loại xe “đặc dụng” này. Hóa ra, đó là thứ “hàng đặt” của đội quân lâm tặc: “Họ mang xe cũ đến, thứ xe hầu như không còn sử dụng được nữa, xe không biển số, không giấy tờ... và yêu cầu tiệm chúng tôi “độ” lại. Thứ “xe độ” này được xoáy nòng, đôn dên, ống nhún trước ống nhún sau đều được cải tạo “nâng” lên thành 8 ống, 12 ống thay cho 4 ống như xe bình thường; khung xe thì hàn sắt thép bó quanh, ống bô thì cắt ra đưa lên cao, làm lại phanh... Khi được hoàn thành, cái xe như một cục sắt nhưng mạnh kinh khủng, có thể chở được 5 - 7 tấn băng băng chạy qua suối, băng băng leo lên dốc dựng đứng... Và chỉ có dân lâm tặc mới dùng thứ xe này thôi...” - một chủ tiệm sửa xe ở vùng sâu Cát Tiên đề nghị không nêu tên đã nói với chúng tôi như vậy. Theo cơ quan pháp luật, loại xe “đặc chủng” hoàn toàn không giấy tờ và “dị dạng” kiểu này thì không được phép lưu hành nhưng trong thực tế thì khác: Hằng ngày, ở những khu vực giáp với rừng, loại phương tiện “đặc chủng” vẫn được lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ lậu. “Thường thì lâm tặc đi từng đoàn, tốp đông thì 15 - 20 người, tốp ít cũng 7 - 10 người. Gặp lực lượng chức năng truy đuổi, lâm tặc chỉ cần đưa tay ra sau dùng dao cắt dây cho gỗ rớt xuống đường, thế là xong. Khi tiếp cận được đối tượng, thường thì anh em kiểm lâm... không làm gì được vì không có tang vật vi phạm” - một hạt trưởng kiểm lâm huyện vùng sâu cho biết. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Nhưng vẫn còn chiếc xe “đặc chủng”? Nó là phương tiện vận chuyển; hơn nữa, chỉ riêng chiếc xe độ chế ấy thôi cũng đã là vi phạm?”. Trả lời: “Với lực lượng kiểm lâm, phương tiện vi phạm phải có tang vật. Còn bản thân chiếc xe ấy không thôi thì lại là chuyện của cảnh sát giao thông!”. 
 
Chúng tôi nghĩ thêm: Đâu cần đến lúc thứ phương tiện ấy vi phạm kèm với tang vật (gỗ lậu) mà ngay từ lúc nó được “sáng tạo” từ bàn tay của mấy ông thợ sửa chữa xe máy, lực lượng công an cũng đã có quyền “hỏi thăm” rồi! Vậy, tại sao chúng ta, cụ thể là công an, lại không bắt đầu ngay từ “nơi nó được sinh ra”?          
 
KHẮC DŨNG