"Khẩn trương triển khai có hiệu quả Chương trình quản lý kháng sinh và giám sát kháng kháng sinh cả trong nông nghiệp và y tế" - đó là khuyến cáo được đưa ra tại Hội nghị khoa học về bệnh truyền nhiễm và HIV toàn quốc năm 2015 tổ chức tại Đà Lạt mới đây...
“Khẩn trương triển khai có hiệu quả Chương trình quản lý kháng sinh và giám sát kháng kháng sinh cả trong nông nghiệp và y tế” - đó là khuyến cáo được đưa ra tại Hội nghị khoa học về bệnh truyền nhiễm và HIV toàn quốc năm 2015 tổ chức tại Đà Lạt mới đây.
Nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam về “Sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam” dựa trên tổng hợp các báo cáo về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp từ năm 1990 đến nay cho thấy: Kháng sinh dùng trong nông nghiệp hầu hết là các kháng sinh dùng trong y tế, thuốc cấm vẫn được sử dụng với gần 4.800 sản phẩm có kháng sinh và không có quy định về việc kê đơn kháng sinh trong nông nghiệp. Sử dụng kháng sinh chủ yếu theo kinh nghiệm của người chăn nuôi. Đa kháng kháng sinh chiếm trên 20% các chủng salmonella ở gà, lợn và trên 80% các chủng campylobacter ở gà. Kháng sinh chiếm tới 25% tổng số tiền thuốc bán tại các hiệu thuốc, trong đó 90% kháng sinh được bán không có đơn thuốc. Trong bệnh viện có 60% -100% bệnh nhân được dùng kháng sinh. Tại 75% các khoa Hồi sức tích cực 100% bệnh nhân sử dụng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% bệnh nhân trong bệnh viện. Trong y tế, 50% salmonellatyphi đã kháng kháng sinh, 70% trực khuẩn gram âm đường ruột kháng gentamycin và ciprofloxacin, 70% phế cầu kháng penicillin, trên 90% phế cầu kháng với erythromycin…
Nghiên cứu kết luận kháng sinh được sử dụng phổ biến và không theo quy định trong cả y tế và chăn nuôi. Kết hợp với tỉ lệ kháng kháng sinh cao trên cả vật nuôi và người là nguy cơ đáng báo động cần khẩn trương có biện pháp kiểm soát một cách có hiệu quả về sự phát triển và lan tràn vi khuẩn kháng kháng sinh.
DIỆU HIỀN