Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về "Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội huyện Bảo Lâm giai đoạn 2011 - 2015", cùng với việc đầu tư triển khai các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm, huyện Bảo Lâm đã nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra; kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao.
Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội huyện Bảo Lâm giai đoạn 2011 - 2015”, cùng với việc đầu tư triển khai các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm, huyện Bảo Lâm đã nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra; kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng cao.
|
Một góc Nhà máy Bauxite - Nhôm. Ảnh: B.T |
Để cụ thể hóa Nghị quyết 06 - NQ/TU, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Chương trình hành động; điều chỉnh các chỉ tiêu phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV (nhiệm kỳ 2011 - 2015). Trên cơ sở đó, huyện Bảo Lâm đã triển khai kế hoạch, đề ra những giải pháp thực hiện. Ông Nguyễn Văn Triệu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm cho biết: Để Nghị quyết 06 - NQ/TU được triển khai có hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao trách nhiệm cho các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 06 - NQ/TU đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp để lãnh đạo, thực hiện; giao UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 57/KH - UBND ngày 22/11/2011, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 06 - NQ/TU; đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với việc xây dựng kế hoạch chung, huyện Bảo Lâm còn xây dựng một số đề án, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết 06 - NQ/TU, như: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải; xây dựng nông thôn mới; quản lý, bảo vệ rừng gắn với chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực…
Theo đó, đến nay, huyện Bảo Lâm đã đầu tư trên 30 tỷ đồng để xây dựng 5 công trình trọng điểm như: Dự án xây dựng Cụm Nhà văn hóa, thể thao đa năng, quảng trường huyện; xây dựng Cụm Công nghiệp thị trấn Lộc Thắng; vòng xoay ngã 5 thị trấn Lộc Thắng; sửa chữa, nâng mực nước hồ Lộc Thắng và đường vận chuyển alumin qua địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đã tạo mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp và từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị thị trấn Lộc Thắng, nhất là các công trình giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, công viên, Đài Tưởng niệm liệt sỹ, Nhà Văn hóa, đặt tên đường, trồng cây xanh, điện chiếu sáng… gắn với mở rộng không gian đô thị (diện tích 1.375ha) để phát triển thương mại, dịch vụ.
Trong phát triển kinh tế (giai đoạn 2011 - 2015), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV và Nghị quyết 06 - NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm đã xác định 6 chương trình trọng tâm: Chương trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất và hiệu quả; Chương trình thu hút đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tiểu thủ công nghiệp; Chương trình quản lý bảo vệ rừng gắn với chăm lo đời sống đồng bào DTTS và Chương trình đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực.
Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi giống cây trồng theo hướng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng... Đến nay, Bảo Lâm đã trồng tái canh và chuyển đổi cà phê giống mới được hơn 17.000 hecta, chiếm trên 60% diện tích; chuyển đổi được 5.870 hecta chè giống mới, chiếm 44% diện tích. Nhờ đó, năng suất chè, cà phê được nâng cao. Năng suất cà phê bình quân của huyện tăng từ 1,8 tấn nhân/ha (năm 2010) lên 3 tấn nhân/ha (năm 2015); chè tăng từ 7 tấn búp tươi/ha lên 12 tấn búp tươi/ha. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình trang trại hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện tốt các dự án công nghiệp triển khai trên địa bàn. Đến nay, các dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng; các công trình thủy điện Đồng Nai 3, 4, 5 và Đam B’ri… đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Riêng sản lượng alumin sản xuất đến nay đạt 1,198 triệu tấn, doanh thu đạt 6.333 tỷ đồng; sản lượng điện sản xuất 5 năm đạt 3.644 triệu kW, tăng 3.503 triệu kW so với năm 2010.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, nhất là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường học… Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn 2.172 tỷ đồng. Đến nay, xã Lộc An đã được công nhận là xã nông thôn mới, Lộc Quảng và Lộc Thành cơ bản đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 10 - 16 tiêu chí. Mạng lưới y tế, giáo dục tiếp tục được củng cố. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 13,4%; 100% trạm y tế đều có bác sỹ; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn dưới 3% (riêng hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm còn dưới 8%); thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 40 triệu đồng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được triển khai thực hiện nghiêm túc, lan tỏa sâu rộng và có hiệu quả. Toàn Đảng bộ hiện có 40 TCCSĐ với 260 chi bộ trực thuộc. Trong 5 năm, Đảng bộ kết nạp được 618 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 2.707 đảng viên. Hàng năm, Đảng bộ có từ 65 - 68% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh; trên 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Triệu cho biết thêm: “Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 - NQ/TU, kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến rõ nét; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15,5%/năm. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp tăng bình quân 5%; công nghiệp - xây dựng tăng 35,5% và thương mại - dịch vụ tăng 14,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Ngành nông - lâm nghiệp chiếm 46%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,1% và thương mại - dịch vụ chiếm 12,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng. Từ kết quả này đã giúp Bảo Lâm dần khẳng định được vị thế là một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh”.
NDONG BRỪM