Liên tục trong tháng 9 và 10, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng và Chương trình UN-REDD Việt Nam phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều sự kiện để thông tin về REDD+ đến cán bộ lãnh đạo địa phương, chủ rừng và từng người dân. Đó là xu hướng quản trị rừng tiến bộ tất yếu trong nhận thức và hành động.
Liên tục trong tháng 9 và 10, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng và Chương trình UN-REDD Việt Nam phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều sự kiện để thông tin về REDD+ đến cán bộ lãnh đạo địa phương, chủ rừng và từng người dân. Đó là xu hướng quản trị rừng tiến bộ tất yếu trong nhận thức và hành động.
Những nội dung tham vấn đối với cộng đồng diễn ra tại các xã không chỉ ngắn gọn mà hơn thế phải thiết thực và có ý nghĩa rõ rệt. Đó là các nội dung: Phân tích hiện trạng rừng; Đánh giá các vấn đề, tồn tại trong công tác quản lý bảo vệ rừng; Các nguyên nhân chính gây mất rừng và suy thoái rừng; Các hoạt động ưu tiên giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý bảo vệ rừng và Phân tích các hoạt động ưu tiên. Các buổi tham vấn diễn ra tại các xã thuộc lâm phần do Ban QLRPH Sêrêpôk, huyện Đam Rông quản lý, gồm 6 xã: Rô Men, Liêng Srônh, Đạ R’Sal, Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long. Tiếp tục tại các địa phương thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý, gồm 7 xã: Đoàn kết, Đạ Oai, Phước Lộc, Đạ PLoa, Đạ Tồn, thị trấn Madagui và xã Hà Lâm. Tại 13 địa phương này, buổi tham vấn diễn ra với sự tham gia của các đại diện đến từ các thành phần “trong rừng” và “gần rừng” như tổ lập kế hoạch, người dân, tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và các ban ngành, đoàn thể.
Sau các sự kiện diễn ra ở huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đam Rông, Chương trình UN-REDD tiếp tục tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về các nội dung REDD+, biến đổi khí hậu, quản lý bảo vệ rừng tại UBND xã Lát, huyện Lạc Dương và UBND xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm. Đây là 2 đợt sinh hoạt dành riêng cho đối tượng phụ nữ - những hạt nhân quan trọng mang tính quyết định trong các hộ gia đình, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sự chuyển hướng về đối tượng giới có vai trò rất thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chị em được tuyên truyền, tập huấn và nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính mình là cán bộ, hội viên, phụ nữ đối với công tác bảo vệ rừng; nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các hành vi chặt phá rừng, khai thác và lưu thông lâm sản trái phép. Theo đó, chủ trương giữ rừng, phát triển rừng được phát huy vai trò, trách nhiệm từ cộng đồng, người dân nói chung và của cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng. Họ sẽ chủ động và tích cực tham gia thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chương trình hành động quốc gia về REDD+ tại địa phương, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm tài nguyên rừng. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức được triển khai lồng ghép thường xuyên ở các cấp Hội phụ nữ, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và phát triển rừng bền vững.
Ngày 15/10, trở lại huyện Đạ Huoai, Chương trình UN-REDD Lâm Đồng tổ chức hội thảo tuyên truyền chính sách pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các xã lựa chọn làm Si-RAP (tên gọi tắt cấp cơ sở triển khai thực hiện REDD+) thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai. Theo đó, hàng trăm lượt cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của huyện và các xã thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai được nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR tại tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, các đại biểu tiếp nhận những thông tin cơ bản về REDD+ trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, các hoạt động chính của Chương trình UN-REDD giai đoạn II. Sinh động và hiệu quả hơn còn ở chỗ, họ chủ động thảo luận nhóm về các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, về các giải pháp cụ thể để hạn chế nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng liên quan đến các hoạt động của Chương trình UN-REDD giai đoạn II.
Từ ngày 27- 30/10, trong khuôn khổ kế hoạch được phê duyệt, có sự giám sát của ông Bùi Lê Inh - điều phối viên thực địa đến từ Chương trình UN-REDD Việt Nam, Chương trình UN-REDD Lâm Đồng tiếp tục tổ chức hội nghị tham vấn giữa các bên liên quan để hoàn thiện bản kế hoạch REDD+ tại Ban QLRPH Sêrêpôk, huyện Đam Rông và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai. Hoạt động này không chỉ là lượng mà đã tiến thêm một bước mới về chất, nghĩa là các bên liên quan thống nhất để đi đến hoàn thiện bản kế hoạch REDD+ cấp chủ rừng. Từ lúc này, quản trị rừng của chủ rừng luôn luôn được đặt trong kịch bản của hành động góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng; đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế và phát triển rừng bền vững.
MINH ĐẠO