Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

09:10, 07/10/2015

Công tác dân vận (CTDV) trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) nhằm tuyên truyền, vận động, phát huy mọi nguồn lực của giai cấp nông dân nhằm xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần, an sinh xã hội cho nhân dân; làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Công tác dân vận (CTDV) trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) nhằm tuyên truyền, vận động, phát huy mọi nguồn lực của giai cấp nông dân nhằm xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần, an sinh xã hội cho nhân dân; làm thay đổi diện mạo nông thôn.
 
Xuất phát từ vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII khẳng định “Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết vai trò của nông nghiệp, nông thôn “Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất” 1
 
Nhận rõ tính cấp bách của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010-2020. Đến nay cả nước đã có 1.800 xã đạt tiêu chí XDNTM. Phát triển kinh tế nông thôn để giải quyết nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống cho nông dân là điểm mấu chốt trong XDNTM. 
 
Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới hiện nay cần tập trung vào các nội dung:
 
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ trong XDNTM. Những năm đầu xây dựng củng cố hợp tác xã, Bác Hồ nhấn mạnh “Công tác tư tưởng, công tác chính trị trong hợp tác xã phải được coi là công tác hàng đầu” 2. Do đó đặt ra cho HTCT, cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt phải chủ động làm tốt công tác tư tưởng cho người dân về ý nghĩa, nội dung, chương trình kế hoạch XDNTM. Thảo luận, đối thọai dân chủ với những nội dung, cách làm cụ thể, thiết thực sẽ “khai thông” tư tưởng của nông dân. 
 
- Tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng đề án, xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện XDNTM. Đây là khâu không thể thiếu trong XDNTM hiện nay, bởi trách nhiệm của các chủ thể phải cho dân biết, dân bàn; mặt khác sẽ phát huy được trí tuệ, sự góp ý chân thành, đúng đắn, kịp thời của nhân dân. “Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh” 3. Làm sao XDNTM phải là một công trình của tập thể, tự nguyện, tự giác của nông dân; qua đó có những điều chỉnh, bổ sung về thiết kế, phương thức, biện pháp tiến hành phù hợp với nguyện vọng của dân. Thu chi về tài chính trong XDNTM cũng là nội dung cần thiết, nhạy cảm mà người dân cần được biết. Các nguồn lực đóng góp của dân cũng như nhà nước đầu tư đều phải được công khai cho dân biết. Sự đóng góp của người dân đưa vào sử dụng đúng mục đích, không lãng phí sẽ làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền; mặt khác dân được biết để tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính trong XDNTM. 
 
- Xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở trong thực hiện Chương trình nông thôn mới. Thực hiện tốt quy chế này là nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nông dân. Vấn đề căn cốt nhất là thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong XDNTM. Đây là vấn đề mang tính quy luật, là yêu cầu cần thiết của các chủ thể lãnh đạo, quản lý. Người dân được biết, được bàn các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế dài hạn; các chương trình phục vụ kinh tế nông thôn; XDNTM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Làm sao nhân dân được biết được bàn ngay từ khi dự án còn là ý tưởng, kế hoạch trên giấy. Người dân được tham gia vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi, nhà văn hóa thôn. Đồng thời, nhân dân phải tham gia kiểm tra ngay từ khi tổ chức triển khai thi công cho đến khi nghiệm thu các công trình dự án. 
 
- Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tự nguyện. Đây là một trong những nội dung khó nhất, tốn nhiều thời gian của XDNTM. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm là đúng đắn, nhưng huy động sức dân đến mức nào là hợp lý. Nếu huy động quá nhiều thì người dân khó có thể đáp ứng, bởi sự chi phí của một hộ gia đình nông dân nông thôn cũng rất lớn, trong khi thu nhập từ nông nghiệp lại thấp; ngược lại nếu huy động quá ít thì khó có thể thực hiện được kế hoạch, tiến độ  như chương trình, kế hoạch đã xác định. Đây là nội dung cần được tổ chức cho bà con từng thôn, buôn thảo luận, hiến kế để đi tới sự đồng thuận. Do đó, đặt ra cho tổ chức đảng, chính quyền cần căn cứ vào thực lực của các hộ dân, từng thôn mà xác định hình thức, mức trần đóng góp của dân sao cho hợp lý, lấy tự nguyện tự giác làm chính. 
 
- Tham gia xây dựng hương ước của thôn, gắn với xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, xây dựng thôn, buôn làng văn hóa, sạch sẽ văn minh. Văn hóa tác động tích cực trở lại đối với kinh tế và chính trị. Hương ước cũng đồng hành với luật pháp, hỗ trợ cho luật pháp để điều chỉnh các quan hệ dân sự của thôn, buôn, làng, buộc mỗi người dân, hộ dân phải tôn trọng các quy định được thôn làng thông qua; tôn trọng thuần phong mỹ tục, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, những phản văn hóa trì níu đời sống mới của bà con nông dân. Biện chứng trong XDNTM ở nông thôn được Bác Hồ chỉ dẫn “Cái gì tốt phải phổ biến, đề cao, cái gì xấu phải bảo nhau tránh. Bà con lại phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau” 4
 
- Coi trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm các phong trào về XDNTM. Tác nghiệp này làm tốt sẽ giúp cấp ủy, chính quyền, HTCT có thêm những tri thức, kinh nghiệm, cách làm hay cả về nội dung, phương thức tiến hành cũng như nắm được những hạn chế, vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện. Đương nhiên quá trình XDNTM ở nước ta cũng đang ở giai đoạn đầu (gần 5 năm), số lượng các xã đăng ký chưa nhiều. Nhưng thông qua tổng kết sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích để giúp cho huyện ủy, tỉnh ủy chỉ đạo sâu sát, cụ thể đúng với định hướng, quan điểm, sự chỉ đạo của Trung ương. Trong XDNTM, các huyện, các xã cần tổ chức cho cán bộ chủ chốt, bà con nông dân tham quan, học tập các mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi, có hiệu quả để vận dụng vào thực tế của địa phương mình.
 
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.8, tr.77.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.9, tr.574.
3.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.12, tr.195.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.9, tr.134.
 
Nguyễn Thế Tư