Quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng là nhiệm vụ quan trọng, tại huyện Lâm Hà, công tác này luôn được sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy - UBND huyện và ngành lâm nghiệp huyện, nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận...
Quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng là nhiệm vụ quan trọng, tại huyện Lâm Hà, công tác này luôn được sự quan tâm đặc biệt của Huyện ủy - UBND huyện và ngành lâm nghiệp huyện, nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan,… nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra thường xuyên, phức tạp. Dẫn đến, “cuộc chiến” giữ rừng nơi đây vẫn cam go, vất vả.
|
Gỗ khai thác trái phép bị bắt giữ tại Hạt Kiểm lâm Lâm Hà |
Từ thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phức tạp
Đi thực tế tại một số địa phương trên địa bàn huyện như: Phúc Thọ, Phi Tô, Tân Thanh, Phú Sơn, Mê Linh… ở đâu cũng bắt gặp tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2015, tại các địa phương nói trên đã xảy ra 55 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích lên đến 22,809ha, với các loại rừng bị thiệt hại gồm: rừng phòng hộ (1,012ha), rừng trồng (1,095ha), rừng sản xuất (6,866ha), đất lâm nghiệp bị lấn chiếm 11,455ha. Mức độ và hình thức phá rừng, lấn chiếm đất rừng của các đối tượng từ đơn giản, tinh vi, quy mô nhỏ đến phức tạp, ngang nhiên, quy mô lớn, chẳng hạn như việc ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các tiểu khu (TK) 236, 251, 252, 253, 286A, 287 xã Phúc Thọ, các TK 286B, 288, 289, 290, 291, 292, 285 xã Tân Thanh, các tiểu khu 243A, 262A, 245 xã Phi Tô, các TK 262B, 263B xã Mê Linh... Nhiều vụ vi phạm, các đối tượng huy động một lực lượng lớn ngang nhiên phá rừng, khai thác lâm sản trái phép và ban ngày “thanh thiên bạch nhật”, nhưng cũng nhiều vụ vi phạm các đối tượng sử dụng phương thức tinh vi hơn bằng cách ken cây, chặt hạ rừng vào ban đêm, lấn chiếm đất rừng bằng hình thức lấn dần “da báo”; “vệt dầu loang”… nên rất khó phát hiện. Điều đáng nói là khi bị phát hiện thì bỏ trốn, giấu mặt, vô chủ, nhưng cũng không ít trường hợp “ra mặt” thách thức, chống đối người thi hành công vụ.
Ngoài việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Lâm Hà cũng diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, các vi phạm này cũng đã lên đến 112 vụ, nâng tổng số vụ vi phạm Luật QLBV rừng lên đến 162 vụ, tăng 40 vụ so cùng kỳ năm 2014. Điều đáng báo động là trong các đối tượng vi phạm Luật BV-PT rừng, không chỉ có những người dân ít am hiểu pháp luật, hoặc gặp khó khăn về cuộc sống, thậm chí có các đối tượng “cộm cán” chuyên trục lợi từ tài nguyên rừng, mà còn có cả cán bộ làm công tác lâm nghiệp, cán bộ xã, hoặc các đơn vị nhận đất, nhận rừng... Thực tế này dẫn đến hệ lụy là độ che phủ rừng bị suy giảm, đất rừng bị “biến mất” và công tác QLBV rừng của chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp gặp vô vàn khó khăn, vất vả.
Đến “cuộc chiến” giữ rừng cam go, vất vả
Trước tình hình đó, Huyện ủy - UBND huyện Lâm Hà ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy - UBND tỉnh về “Tăng cường công tác QLBV rừng, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp”, đồng thời chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy-UBND huyện, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015, Hạt Kiểm Lâm Lâm Hà đã phối hợp với ngành Tuyên giáo, Đài TT-TH huyện tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền trên loa phóng thanh, đài TT-TH, trên xe loa lưu động đến các vùng sâu, vùng xa về nội dung Luật BV-PT rừng. Cùng với đó, Hạt đã tổ chức 31 cuộc họp dân có nội dung về công tác QLBV rừng, với 2.031 hộ tham gia và phát 214 tờ rơi tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường, lập 206 cam kết BVPT rừng. Riêng tại các địa phương có tình hình vi phạm Luật BV-PT rừng nghiêm trọng, phức tạp như Phúc Thọ, Tân Thanh, Phú Sơn, Mê Linh, Đông Thanh, Phi Tô, Nam Hà, TT Nam Ban... UBND huyện và Hạt Kiểm lâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của các ban lâm nghiệp, phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất rừng, tổ chức trồng lại rừng sau giải tỏa. Đặc biệt, ngành kiểm lâm đã tập trung lực lượng triệt phá các đầu nậu, ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép tại các điểm nóng ở các xã Phúc Thọ (TK 236, 251, 252), Phú Sơn (TK 239), Phi Tô (TK 244, 245)... Hạt đã tiến hành lập biên bản 47 vụ khai thác rừng, 30 vụ mua bán, cất giữ trái phép, tạm giữ 61m3 gỗ các loại, 3 con trâu, 1 xe máy cày, trên 20 xe máy, 3 xe tự chế, 4 xe ô tô, 25 máy cưa... Đồng thời, Hạt Kiểm lâm cũng đã tiến hành xử lý 114/162 vụ vi phạm Luật BV-PT rừng, trong đó xử phạt hành chính 106 vụ, với số tiền trên 314,743 triệu đồng, chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 8 vụ.
Tuy công tác QLBV rừng được tăng cường và việc xử lý các đối tượng vi phạm được tiến hành kiên quyết như vậy, nhưng theo ông Đỗ Đăng Thực - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Lâm Hà thì tình hình vi phạm Luật BV-PT rừng trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, tinh vi, thậm chí nhiều trường hợp khi bị phát hiện, lập biên bản đã thách thức, chống đối người thi hành công vụ. Do vậy, “cuộc chiến” giữ rừng tại Lâm Hà hiện vẫn hết sức cam go, vất vả. Tuy nhiên, vì sự bình yên của những cánh rừng, vì môi trường sống của con người, những cán bộ, nhân viên ngành lâm nghiệp nơi đây đang cố hết sức mình trong thực thi nhiệm vụ được giao.
HOÀNG VƯƠNG MỸ