"Cuộc đời chúng tôi gắn bó với ngành điện"

09:10, 26/10/2015

Trong lễ kỷ niệm 70 năm hoạt động nhà máy thủy điện Ankroet, tất cả mọi người đều chú ý tới một cặp vợ chồng đặc biệt. Hai cụ đều bước qua tuổi thượng thọ, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, trí tuệ. Với công nhân ngành điện Lâm Đồng, hai cụ là tấm gương cả trong cuộc sống riêng và công việc chung.

Trong lễ kỷ niệm 70 năm hoạt động nhà máy thủy điện Ankroet, tất cả mọi người đều chú ý tới một cặp vợ chồng đặc biệt. Hai cụ đều bước qua tuổi thượng thọ, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, trí tuệ. Với công nhân ngành điện Lâm Đồng, hai cụ là tấm gương cả trong cuộc sống riêng và công việc chung.
 
Hai cụ về thăm nhà máy Ankroet
Hai cụ về thăm nhà máy Ankroet

Cụ ông Huỳnh Văn Thừa chính là Giám đốc đầu tiên của ngành Điện Lâm Đồng sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Ở tuổi 93, cụ vẫn minh mẫn, thường xuyên gắn bó với những sự kiện quan trọng của ngành. Trí nhớ không hề sút giảm, cụ Huỳnh Văn Thừa kể lại những ngày đầu tiên ngành điện tiếp quản hệ thống điện chế độ cũ để lại: “Năm 1976, khi chúng tôi tiếp quản, ngành điện lúc ấy phải nói là cực kỳ khó khăn. Điện mới chỉ có ở trung tâm Đà Lạt, Bảo Lộc, còn ở vùng phụ cận là hoàn toàn chưa có. Hai nhà máy điện chính là nhà máy nhiệt điện Đà Lạt và nhà máy thủy điện Ankroet trong tình trạng hỏng hóc liên tục, anh chị em công nhân trần mình sửa chữa ngày đêm”. Cụ Huỳnh Văn Thừa lúc ấy là Giám đốc Sở quản lý và phân phối Điện Lâm Đồng tuần nào cũng mang gạo, muối, phụ tùng thiết bị sửa chữa vào cho anh em trong thủy điện Ankroet. Hệ thống đường dây, máy móc lạc hậu, làm sao để phát triển mạnh mẽ ngành điện, mang ánh sáng cho bà con. Cụ Huỳnh Văn Thừa đã cùng đồng nghiệp hăng say làm việc, vượt qua những khó khăn phát triển hệ thống, mang ánh sáng tới những khu vực thị trấn, thị tứ của các huyện. Năm 1987, khi cụ Huỳnh Văn Thừa nghỉ hưu, Lâm Đồng đã cơ bản có điện lưới quốc gia tới các huyện, thị.
 
Cụ bà Trần Thị Hòa năm nay cũng bước sang tuổi 88. Nhìn người phụ nữ mảnh mai, gọn gàng, không ai có thể nghĩ cụ đã từng là một công nhân đường dây. Cụ bà kể lại những tháng ngày vất vả: “Tôi vốn là công nhân ngành điện từ những năm 1960 ở Hải Phòng. Thời gian chiến tranh ác liệt, công nhân nam nhập ngũ, chị em làm thay hết công việc. Bản thân tôi thường xuyên leo cột điện, vài ba chục mét là chuyện hàng ngày. Vào đến Lâm Đồng, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề điện, công việc này không chỉ là nghề, còn là duyên nợ của chúng tôi”. Tới Lâm Đồng, cụ Trần Thị Hòa chủ yếu làm công nhân kỹ thuật chuyên về sửa chữa, cân chỉnh đồng hồ đo điện. Lúc ấy còn khó khăn, đồng hồ cơ loại cũ hư hỏng nhiều, cụ bà thường xuyên luân phiên đi các địa phương cân chỉnh đồng hồ ngay tại chỗ. Qua bàn tay cụ, những chiếc đồng hồ đo điện cũ tiếp tục được hồi sinh, tích tắc hoạt động, góp phần mang lại nguồn sáng cho khách hàng. 
 
Suốt cuộc đời, hai cụ đã gắn bó với ngành điện. Ngay cả khi về hưu, hai cụ cũng vẫn tha thiết với sự phát triển, thành công của ngành. Cụ ông Huỳnh Văn Thừa chia sẻ: “Nhìn anh em làm việc tốt, công ty phát triển chúng tôi rất mừng. Như nhà máy Ankroet đây, tôi đã dự lễ kỷ niệm 50 năm hoạt động, nay là 70 năm, nhìn ngành điện mỗi ngày mỗi tiến bộ, lòng chúng tôi cũng phấn khởi”. Tấm gương hai cụ là điển hình trong ngành điện, anh em công nhân ai cũng biết và yêu mến, khâm phục. Ông Mai Văn Thông, công nhân nhà máy thủy điện Ankroet tâm sự, hình ảnh hai cụ trong cả đời sống riêng lẫn công việc chung là tấm gương cho tất cả anh em công nhân toàn ngành. Hai cụ đã cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công việc, sống một cuộc sống đầm ấm và hạnh phúc, cống hiến hết mình cho ngành điện. Nhiều con, cháu của hai cụ, noi gương cha mẹ ông bà, đã tiếp tục gắn bó với ngành điện, trở thành những người lao động xuất sắc trong ngành. Hai cụ Huỳnh Văn Thừa, Trần Thị Hòa quả thật là “từ điển sống” về ngành điện Lâm Đồng, đã đồng hành cùng ngành vượt qua từng giai đoạn khó khăn để có được nguồn ánh sáng như hôm nay.
 
DIỆP QUỲNH