Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân nên đã tạo được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010 - 2015.
|
Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được đẩy mạnh. Trong ảnh: Kỹ sư Nhật làm việc tại huyện Lạc Dương - Ảnh: Gia Thịnh |
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 14,1%, gấp 2,4 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước
Về tổng thể, kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 14,1%, bằng 2,4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thực hiện 5 khâu đột phá và phát huy lợi thế của địa phương đã tạo điều kiện cho các ngành: nông nghiệp, dịch vụ - du lịch, công nghiệp thủy điện, khai khoáng... phát triển.
Dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 8,4%/năm. Giá trị sản xuất một héc-ta thu hoạch đạt 140 triệu đồng (tính đến năm 2015). Đặc biệt, chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển vượt bậc về năng suất, thu nhập và chất lượng sản phẩm. Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị kinh tế cao như: rau (bình quân đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm), cà phê (95 - 100 triệu đồng/ha/năm), hoa (trên 500 triệu đồng/ha/năm).
Hiện toàn tỉnh có 960ha rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organik chiếm tỷ lệ 7,7% diện tích và có 80% sản lượng rau chế biến được cấp giấy chứng nhận ISO 22000, HACCP; hơn 811ha cây chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organik, chiếm tỷ lệ 3,4% diện tích chè toàn tỉnh; có 42.331ha cà phê sản xuất bền vững theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ..., chiếm 27,9% tổng diện tích cây cà phê.
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên có huyện nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân và có sức lan tỏa trong toàn tỉnh nên đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Giai đoạn 2011 - 2015, có 117/117 xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chung và đề án nông thôn mới cấp xã. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 43 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; từ ngày 1/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, phòng chống thiên tai, quốc phòng - an ninh,... Nhiều công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Cảng hàng không Liên Khương; Đường cao tốc Liên Khương - Prenn, Đà Lạt; Đường ĐT 723; Quốc lộ 27C, 721, 725; Thủy điện Đồng Nai 2, 3 và 4; Tổ hợp Bauxit - Nhôm; Trung tâm thanh thiếu niên; Khu hành chính tập trung,... Nhiều công trình trọng điểm cũng đang được tiếp tục thực hiện giai đoạn II như: Đường ĐT 721, 725; các khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội; Khu du lịch hồ Tuyền Lâm; thủy lợi Đạ Lây; thủy điện Đồng Nai 5; Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt; Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng,...
Tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 9,2%/năm
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các khu, điểm tham quan du lịch ngày càng phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 917 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 14.893 phòng, sức chứa tối đa khoảng 40.000 khách/ngày - đêm. Trong đó có 305 khách sạn từ 1 - 5 sao với 8.017 phòng bao gồm 25 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 2.360 phòng. Toàn tỉnh có 33 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác; có 42 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt. Nhiều khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư, nâng cấp mở rộng, phát triển sản phẩm tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: Khu du lịch Rừng Madagui, thác Đamb’ri, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, thác Đatanla, Công ty Rừng Hoa Đà Lạt, Khu du lịch Làng Cù Lần, một số dự án trong Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình Yêu;... Lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,2%/năm.
Nhiều đồ án quy hoạch quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Công tác quy hoạch đạt được nhiều kết quả, nhận thức và tầm nhìn quy hoạch ngày càng nâng lên; tích cực phối hợp với các Viện nghiên cứu, các nhà tư vấn trong nước và quốc tế xây dựng quy hoạch phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nhiều đồ án quy hoạch quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;...
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông đối nội và đối ngoại được mở rộng. Các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương được đầu tư nâng cấp. Hạ tầng đô thị phát triển khá đồng bộ, thành phố Đà Lạt lên đô thị loại 1, thành phố Bảo Lộc lên đô thị loại 3, thị trấn Liên Nghĩa lên đô thị loại 4.
Giai đoạn 2010 - 2014 có 1.770km đường giao thông nông thôn được đầu tư, trong đó xây dựng mới 705km; nâng cấp, sửa chữa 1.065km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 72 cầu lớn nhỏ với tổng kinh phí đầu tư 2.163 tỷ đồng.
Gần 700 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho các chương trình, dự án tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong 5 năm qua, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số. Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho các chương trình, dự án tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 693,49 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào Chương trình 135 là 355,664 tỷ đồng, Chương trình 134 là 42,294 tỷ đồng (xây mới và nâng cấp sửa chữa 54 công trình nước sinh hoạt tập trung), Chính sách định canh định cư (giải quyết được 562 hộ/2.885 khẩu), hỗ trợ các mặt hàng chính sách miền núi là 197,516 tỷ đồng... tạo sự chuyển biến rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; thu nhập bình quân đầu người tăng (năm 2014 đạt 28 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, còn dưới 6% năm 2015.
Phổ cập trung học cơ sở tại 147/147 xã, phường, thị trấn và 12/12 huyện, thành phố
Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng, hệ thống trường lớp phát triển rộng khắp (bình quân mỗi năm tăng trên 10 trường) và bố trí hợp lý theo địa bàn dân cư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học trong 5 năm qua chuyển biến tích cực. Toàn ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá. Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở tại 147/147 xã, phường, thị trấn và 12/12 huyện, thành phố. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn có nhiều tiến bộ.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 12,6% năm 2010 xuống còn dưới 2% năm 2015. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6%; tỷ lệ hộ nghèo tại 29 xã còn dưới 5,4%; tại huyện Đam Rông còn dưới 6,6%; không còn xã có trên 15% hộ nghèo (hiện nay còn 14 xã). Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh còn khoảng 1,7%.
Nhóm phóng viên (tổng hợp)