Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là chủ trương và chính sách luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt. Cùng với 11 huyện, thành phố, huyện Di Linh là một trong những điển hình về công tác DTTS trong thời gian qua và đang tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới.
Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là chủ trương và chính sách luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt. Cùng với 11 huyện, thành phố, huyện Di Linh là một trong những điển hình về công tác DTTS trong thời gian qua và đang tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới. Nhiệm vụ chính trị này được Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh khẳng định là một trong 7 chương trình trọng tâm tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
Năm 2015, dốc sức để không còn thôn nghèo
Đồng bào DTTS thời điểm tháng 9/2015 của Di Linh có 13.277 hộ, chiếm 37% trên tổng dân số toàn huyện (khoảng 173,543 người). Trong 9 tháng đầu năm 2015, số hộ nghèo DTTS giảm 58% so cùng kỳ năm trước (658 hộ/1.135 hộ); số hộ cận nghèo 799 hộ/880 hộ, giảm 88,5% so cùng kỳ. Vụ hè thu đã gieo cấy được 1.955ha/1.950ha lúa nước, đạt 100,2% kế hoạch; cà phê gieo trồng được 2.652ha và 3 tháng còn lại sẽ hoàn thành thay thế khoảng 3.000ha theo kế hoạch năm, trong đó 1.600ha ghép, cải tạo và 1.400ha trồng mới. Di Linh đồng thời thực hiện chính sách ưu tiên bà con DTTS nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng để cải thiện đời sống (toàn huyện đã giao khoán 54.271ha cho 9 tập thể và 1.921 hộ gia đình, cá nhân). Năm học 2015-2016, Di Linh có 32.666 học sinh mầm non, tiểu học và THCS, trong đó DTTS 12.204 em, chiếm 37,3%, mức huy động trong độ tuổi và duy trì sĩ số đạt tỉ lệ cao. Khi đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng càng được giữ vững và ổn định.
Nói đến chủ trương của Nhà nước đối với đồng bào DTTS, dấu ấn rất rõ là triển khai thực hiện các chương trình. Ở Di Linh, Chương trình 135, năm 2015 tỉnh giao 6.715 triệu đồng, huyện đã phân bổ cho các xã quản lý và thực hiện. Trong đó vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn 5.115 triệu đồng đã được đầu tư các hạng mục như sửa chữa, nâng cấp đường vào khu sản xuất; cải tạo, sửa chữa đường giao thông nông thôn; nâng cấp xây dựng cầu và làm đường… Đến nay, nhiều địa bàn đã thực hiện khối lượng trên 90%, một số công trình đã sử dụng, giải ngân từ 90-99,8% kế hoạch như: Sơn Điền, Gia Bắc mỗi xã 1,2 tỷ đồng; các xã Đinh Lạc 195 triệu đồng, Liên Đầm 545 triệu đồng, Bảo Thuận 585 triệu đồng, Tân Nghĩa 390 triệu đồng, Đinh Trang Thượng 195 triệu đồng, Tân Lâm 195 triệu đồng… Về vốn hỗ trợ phát triển sản xuất các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh giao 1.250 triệu đồng, gồm các xã: Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng, Bảo Thuận và Đinh Trang Hòa. Chương trình 755 giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và xã, thôn đặc biệt khó khăn 900 triệu đồng xây dựng hệ thống nước sinh hoạt thôn K’Brạ xã Tân Nghĩa, công trình đã đưa vào sử dụng, giải ngân 93,5%. Năm 2015, Di Linh cũng chi ngân sách địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn 3, xã Gia Hiệp 700 triệu đồng, phân bổ trong 2 năm, năm 2015 cấp 300 triệu đồng và công trình đưa vào sử dụng, giải ngân 100%. Chương trình định canh định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, năm 2015, tỉnh tiếp tục phân bổ cho Di Linh 913,67 triệu đồng, giao xã Gung Ré làm chủ đầu tư và đang triển khai.
Ngoài ra, cũng như các địa phương trong tỉnh, huyện Di Linh đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đã chi trả hơn 1,552 tỉ đồng/852 em; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS chi 39,1 triệu đồng/97 người. Các Chương trình như hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg, vay vốn theo Quyết định 54/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg, giảm nghèo theo Nghị quyết 30a toàn huyện có 2.668 lượt hộ thụ hưởng, tổng kinh phí hơn 3.262 triệu đồng…
|
Thanh bình chiều thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận |
5 năm tới, hộ nghèo giảm 3-4%/năm
Nhìn lại 5 năm qua, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Di Linh giảm từ 21,49% (năm 2010) và phấn đấu còn dưới 12% (năm 2015); năm 2012 có 2 thôn nghèo thoát nghèo, năm 2013 có 9 thôn thoát nghèo, năm 2014 có 6 thôn thoát nghèo và năm 2015 dự kiến có 7 thôn thoát nghèo (đạt 100%), quả là thành tích đáng trân trọng. Theo Bí thư Nguyễn Canh, Đảng bộ huyện Di Linh đặt ra mục tiêu trong 5 năm 2016-2020 phấn đấu hàng năm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 3-4%. Theo đó, chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS là 1 trong 7 chương trình trọng tâm đã được huyện ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch để thực hiện, hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả. Để đến năm 2018 đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và đến năm 2020 có 83% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong nhiều giải pháp kinh tế - xã hội, Di Linh đồng thời xác định phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đa dạng để hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, trong đó chú trọng khôi phục ngành nghề truyền thống trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt hoạch định chiến lược xây dựng toàn diện vùng đồng bào DTTS suốt nhiệm kỳ 5 năm bằng thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình của tỉnh. (Trong 5 năm, Chương trình 135 ở Di Linh đã phân bổ 32.625 triệu đồng cho 67 công trình, 1.684 hộ thụ hưởng, 12 lớp đào tạo với 728 học viên; Chương trình 134 đầu tư 4.200 triệu đồng cho 4 công trình).
Giai đoạn 2016-2020, Bí thư Nguyễn Canh cho biết, huyện xác định: Kết hợp tuyên truyền, vận động với nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, tạo chuyển biến về nhận thức, cách nghĩ, cách làm, từ đó chủ động vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng ngày càng tiến bộ. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giá về giống cây trồng, vật nuôi, để nhân dân có điều kiện tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định cuộc sống, tập trung hỗ trợ nhân dân thâm canh tăng năng suất diện tích cà phê hiện có. Thực hiện tốt việc sắp xếp, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và quan tâm đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS...
Tuy nhiên, có định hướng nhưng không phải dễ dàng thực hiện vì trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS tăng trưởng thiếu bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất hàng hóa chưa thật sự được công nhận tại thị trường, vẫn còn tự cung tự cấp. Nguồn vốn đầu tư phân bổ hàng năm còn nhỏ và phân tán; tiến độ thực hiệc các chương trình dự án và các chính sách ở địa phương chậm so với kế hoạch,... Di Linh đề xuất đầu tư, hỗ trợ vốn cho 2 xã nghèo, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Ông Lê Văn Lượng - Phó Phòng Dân tộc huyện Di Linh cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ đầu tư từ 250 đến 300 triệu đồng/thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 vì hiện còn thấp; cần phân bổ kịp thời nguồn vốn về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS.
ĐẠO PHAN