Sau giải phóng (1975), với bộn bề khó khăn về mọi mặt, việc sử dụng điện (dù chỉ để thắp sáng thôi) đối với người dân nông thôn Việt Nam nói chung còn là một ước mơ xa vời; với tỉnh miền núi Lâm Đồng nói riêng, người dân nông thôn hầu như không mấy người dám nghĩ về giấc mơ ấy. Thế nhưng, đến lúc này, chỉ sau một thời gian chưa quá dài, Lâm Đồng đã đạt tỷ lệ 97% dân nông thôn có điện.
Sau giải phóng (1975), với bộn bề khó khăn về mọi mặt, việc sử dụng điện (dù chỉ để thắp sáng thôi) đối với người dân nông thôn Việt Nam nói chung còn là một ước mơ xa vời; với tỉnh miền núi Lâm Đồng nói riêng, người dân nông thôn hầu như không mấy người dám nghĩ về giấc mơ ấy. Thế nhưng, đến lúc này, chỉ sau một thời gian chưa quá dài, Lâm Đồng đã đạt tỷ lệ 97% dân nông thôn có điện. Ông Thái Đắc Toàn - GĐ Công ty Điện lực Lâm Đồng, cho biết: “Trong phong trào đưa điện về nông thôn tỉnh miền núi Lâm Đồng, vai trò của tổ chức Công đoàn Công ty là không nhỏ; những cố gắng, nỗ lực của tập thể đoàn viên, CBCNV và người lao động của tổ chức Công đoàn Công ty thật đáng ghi nhận”.
|
Điện về thắp sáng vùng quê nông thôn mới Đơn Dương. Ảnh: V.B |
Số liệu của Công ty Điện lực Lâm Đồng còn lưu lại: Năm 1975, toàn tỉnh Lâm Đồng có 99 xã thì trong đó chỉ có 9 xã là có điện (chiếm tỷ lệ 9,09% xã có điện). Đến năm 2006, Lâm Đồng đạt tỷ lệ 100% số xã có điện (115/115 xã); và, tỷ lệ này được duy trì cho đến nay. Ông Thái Đắc Toàn phát biểu: “Đây là thành tích nổi bật của tập thể CBCNV và người lao động Điện lực Lâm Đồng. Để đạt được những thành tích đó, trong nhiều năm qua, cùng với ngành điện cả nước, tập thể CBCNV Điện lực Lâm Đồng mà nòng cốt là tổ chức Công đoàn đã động viên nhau đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, tranh thủ mọi nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ phát triển lưới điện, trong đó đặc biệt chú trọng lưới điện nông thôn. Đáng kể là từ mọi nguồn vốn (tài trợ, Nhà nước, nhân dân, vốn vay nước ngoài...), cùng với chuyên môn, tổ chức Công đoàn của Công ty Điện lực Lâm Đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để Điện lực Lâm Đồng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, đặc biệt là chương trình điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nông thôn Lâm Đồng”.
Trong các chương trình, dự án có tính chất điện khí hóa nông thôn, đáng kể nhất là dự án “Điện khí hóa Tây Nguyên” từ nguồn vốn trung ương theo Quyết định 594/QĐ-EVN-HĐQT ngày 19/7/2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo chương trình này thì Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên được “phủ sóng” dự án. Với quyết tâm cao của đội ngũ những người lao động của Công ty Điện lực Lâm Đồng, chỉ trong vòng chưa đến 3 năm (7/2007 - 1/2010), dự án điện Tây Nguyên của Lâm Đồng với tổng vốn 210 tỷ đồng đã cơ bản được hoàn thành (Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên hoàn thành dự án), đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hơn 19.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 475 thôn, buôn thuộc 116 xã của 12 huyện, thị, thành của tỉnh. Dự án hoàn thành, tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có điện sử dụng của tỉnh Lâm Đồng đã được nâng lên 95%. Tiếp đến, ngay trong năm 2010 - năm Lâm Đồng được ghi nhận là tỉnh đầu tiên hoàn thành dự án điện Tây Nguyên, từ nguồn vốn tiết kiệm được của chính dự án điện Tây Nguyên, Điện lực Lâm Đồng tiếp tục bổ sung đầu tư thêm gần 13km đường dây trung áp, gần 62km đường dây hạ áp và 19 trạm biến áp với dung lượng 190/555kVA để cấp điện bổ sung cho 2.090 hộ dân nông thôn. Đến tháng 6.2012, từ nguồn vốn vay 64,4 tỷ đồng, Điện lực Lâm Đồng tiếp tục triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn với phần việc cụ thể là cải tạo, nâng cấp các công trình khu vực nông thôn, nâng số hộ nông thôn sử dụng điện của tỉnh lên 97%. Và, trong năm 2015 này, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Công thương lập danh mục điện nông thôn miền núi, hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Với dự án điện nông thôn miền núi - hải đảo này, Lâm Đồng được phân bổ nguồn vốn 552 tỷ đồng và dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai từ năm 2016 tới và sẽ kết thúc vào 2020. Dự kiến, sau khi dự án này được hoàn thành, tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ được nâng lên 99%.
Thêm nữa, trong những năm qua, ngoài việc tích cực xây dựng và phát triển lưới điện ở vùng nông thôn, Điện lực Lâm Đồng còn là đơn vị thực hiện khá tốt công tác tiếp nhận lưới điện trung áp ở nông thôn, chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, bán điện trực tiếp đến từng hộ tiêu thụ, đảm bảo công bằng trong việc sử dụng điện cho người dân ở nông thôn. Đặc biệt, theo ông Trần Nhật Duy - Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Lâm Đồng, hằng năm, ngoài việc phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt phong trào thi đua đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công đoàn Điện lực Lâm Đồng còn chủ động thực hiện ít nhất một công trình sản phẩm có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân nông thôn. Và, đã có rất nhiều công trình như thế của Công đoàn Công ty Điện lực Lâm Đồng được tổ chức công đoàn cấp trên ghi nhận và gắn biển công nhận.
Có lẽ không thật cần thiết khi phải liệt kê ra đây những thành tích mà tổ chức Công đoàn của Điện lực Lâm Đồng đã đạt được trong nhiều năm qua, chỉ xin nhắc lại thông tin: Với sự cố gắng không ngừng của đội ngũ CBCNV và người lao động của ngành điện lực Lâm Đồng, tỉnh miền núi Lâm Đồng từ chỗ chỉ có 9/99 xã có điện vào năm 1975 đã được nâng lên 100% xã có điện vào năm 2006; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng điện cũng đã được nâng từ con số không đáng kể vào năm 1975 lên 95% năm 2010 (sau khi hoàn thành dự án điện Tây Nguyên), 97% hiện nay và sẽ là trên 99% năm 2020 theo dự kiến.
KHẮC DŨNG