Nhân Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2015, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Đinh Đức Thọ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này.
Nhân Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2015, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Đinh Đức Thọ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này.
PV: Thưa BS! Được biết tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lâm Đồng đang ở mức cao, bác sĩ có thể cho biết cụ thể và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
|
BS Đinh Đức Thọ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ Lâm Đồng |
BS Đinh Đức Thọ: Cũng như tình hình chung của cả nước, Lâm Đồng là một trong những địa phương xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã nhiều năm. Ở mức bình thường tỉ số giới tính khi sinh là 103 -107 bé trai/100 bé gái, Lâm Đồng tỉ số giới tính khi sinh trong 5 năm qua cao, năm 2011: 113,5; năm 2012: 114,1; năm 2013: 113; năm 2014: 114,1; năm 2015: 112,8.
Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận dân cư được coi là nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình và chăm sóc bố mẹ khi tuổi già. Chính sách quy mô gia đình nhỏ đã tác động mạnh đến nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai, đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó. Chế độ an sinh xã hội còn hạn chế, đặc biệt người già có tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai để có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già. Sự phát triển của các kỹ thuật, công nghệ y sinh học, siêu âm là thành tựu tốt đẹp cho ngành sản khoa giúp phát hiện những bất thường của thai nhi ngay từ khi còn rất nhỏ, nhưng mặt trái của nó là để chẩn đoán giới tính của thai nhi. Kết hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản gồm cả nạo phá thai, siêu âm rất sẵn và thuận tiện. Trong khi quản lý nhà nước chưa kiểm soát được việc thực hiện pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Tại Điều 40, khoản 7, mục b của Luật Bình đẳng giới đã quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế”. Nguyên nhân nữa là nhận thức của người dân còn hạn chế, do đặc điểm lao động địa phương chủ yếu nông nghiệp - dịch vụ đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai.
PV: BS cho biết kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lâm Đồng trong những năm qua?
BS Đinh Đức Thọ: Từ năm 2011, tỉnh triển khai đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 100 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện - thành phố có tỉ số giới tính khi sinh (bé trai/bé gái) cao. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin qua hội thảo, nói chuyện chuyên đề tác động vào các đối tượng: cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, chuyên trách - CTV dân số, nhân viên y tế, hộ gia đình, phụ nữ, trẻ em gái về thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh. Cung cấp thông tin cho nhóm lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể 300 lần với 6.900 lượt người; tổ chức 84 lớp tập huấn cho 3.245 người tham dự. Cung cấp thông tin cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, các dòng họ 244 buổi cho 5.260 lượt người. Nói chuyện chuyên đề về giới và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh 2.280 lần cho 82.110 lượt người. Phát trên sóng truyền hình 48 lần, truyền thanh tuyến huyện - xã 6.100 lần/46.100 phút. Tuyên truyền 4.442 buổi cho 92.660 lượt người; tư vấn 1.530 buổi cho 11.130 người; cấp phát 53.690 tờ rơi, 1.135 cẩm nang, 870 băng đĩa. Xây dựng 36 cụm pano tuyên truyền, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa của phụ nữ sinh con một bề là gái, không sinh con thứ ba với 371 buổi cho 9.250 lượt người. Xây dựng và duy trì CLB phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 71 CLB, 2.587 thành viên đã tổ chức 510 buổi sinh hoạt.
|
Lớp học có nhiều bé trai hiếu động |
PV: Cần có những giải pháp gì để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh một cách hiệu quả hơn và phù hợp với địa phương Lâm Đồng?
BS Đinh Đức Thọ: Những giải pháp cơ bản bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ: đầu tư nguồn lực, xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con gái; phát triển an sinh xã hội nói chung, quan tâm an sinh xã hội cho người cao tuổi; tăng cường bình đẳng giới; nâng cao quyền phụ nữ, khả năng kiểm soát của nữ giới đối với việc sinh sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những cơ sở vi phạm về việc thông tin giới tính và lựa chọn giới tính. Tuyên truyền, vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức và hành động gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh. Mất cân bằng giới tính khi sinh là hậu quả của dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi, điều quan trọng là phải thay đổi được nhận thức hành vi của người dân, nên thực hiện Chiến dịch “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục trong trường phổ thông. Thực hiện và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về DS-KHHGĐ phù hợp với cuộc sống. Hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Pháp lệnh Dân số năm 2003, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, một số Nghị định của Chính phủ đã có những quy định cụ thể nghiêm cấm hành vi lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi. Cho dù vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại và cũng còn khá lâu để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, hy vọng Lâm Đồng và cả nước từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.
PV: Cám ơn BS!
DIỆU HIỀN (thực hiện)