Vừa tham gia giữ rừng, vừa làm kinh tế gia đình giỏi, đó là công việc của ông Phan Thanh Long, tổ trưởng một tổ kiểm tra Rừng phòng hộ Đại Ninh - nơi bảo vệ trực tiếp cho công trình thủy điện Đại Ninh, lá phổi xanh của huyện Đức Trọng. Những dấu chân của ông Long và anh em trong tổ bảo vệ rừng đã góp phần giúp giữ màu xanh cho rừng nơi đây.
Vừa tham gia giữ rừng, vừa làm kinh tế gia đình giỏi, đó là công việc của ông Phan Thanh Long, tổ trưởng một tổ kiểm tra Rừng phòng hộ Đại Ninh - nơi bảo vệ trực tiếp cho công trình thủy điện Đại Ninh, lá phổi xanh của huyện Đức Trọng. Những dấu chân của ông Long và anh em trong tổ bảo vệ rừng đã góp phần giúp giữ màu xanh cho rừng nơi đây.
|
Ông Phan Thanh Long |
Vốn là cộng tác viên khuyến nông tại thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội, ông Phan Thanh Long được Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Đại Ninh tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng của một tổ kiểm tra bảo vệ rừng. Tổ của ông có 6 người, được giao khoán bảo vệ tại tiểu khu 353b và 348 với tổng diện tích 178ha rừng. Ngay từ những ngày đầu, khi nhận nhiệm vụ giữ rừng, ông Long và mọi thành viên của tổ đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ. Giữ rừng tại mảnh đất Đại Ninh không dễ dàng do đây là khu vực trồng cà phê, có đông dân cư sinh sống, dễ nảy sinh các hoạt động xâm phạm rừng như khai thác lâm sản trái phép… Nhận nhiệm vụ, ông Long và các thành viên của tổ lên kế hoạch tuần tra diện tích rừng nhận khoán theo đúng chỉ tiêu ngày nào cũng có người kiểm tra giám sát. Bởi vậy, ông cùng các thành viên khác trực mỗi người một ngày, tổ trưởng phải trực hai ngày/tuần, đảm bảo theo dõi sát sao tình trạng khu vực được giao khoán. Nếu phát hiện các hành vi xâm phạm rừng, người trực có trách nhiệm thông báo cho các thành viên khác cùng tới phối hợp đồng thời báo ngay cho BQL Rừng phòng hộ Đại Ninh để có biện pháp xử lý nhanh chóng. Ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng, công tác phòng chống cháy rừng vào mùa khô cũng được đặc biệt chú ý. Nơi nào cần phát dọn thực bì, đốt ranh bảo vệ…, ông và các thành viên đều đánh giá cụ thể và xin ý kiến xử lý của BQL. Nhờ vậy, nhiều năm nay tiểu khu 353b và 348 do tổ nhận quản lý đều bình yên.
Ông Phan Thanh Long chia sẻ, kiểm tra, bảo vệ chặt là một chuyện, việc tuyên truyền cũng rất quan trọng. Cùng với BQL rừng phòng hộ và chính quyền xã Phú Hội, ông thường xuyên tuyên truyền cho bà con địa phương hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các lợi ích từ giữ rừng, nhất là với bà con người dân tộc thiểu số địa phương. Ông nói: “Để bảo vệ và giữ rừng tốt, chủ rừng cần xây dựng phương án hợp lý, phân công nhiệm vụ cụ thể, cán bộ thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình. Không thể giữ rừng trên giấy mà phải ngày ngày đến tận nơi, không để xảy ra các hoạt động xâm phạm rừng. Tuyên truyền giúp bà con giảm bớt các hành vi phá hoại rừng, nâng cao tinh thần chung bảo vệ rừng như vốn quý của môi trường”.
Không chỉ là tổ trưởng bảo vệ rừng nhiệt tình, ông Long còn là một nông dân sản xuất giỏi. Gia đình có hai ha chuyên trồng rau màu như su su, cà chua, rau xanh, ông luân canh thường xuyên, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ nên mang lại thu nhập ổn định. Giữ rừng tốt, làm kinh tế giỏi, ông Phan Thanh Long là tấm gương điển hình nông dân giai đoạn mới, góp phần vì một nông thôn xanh.
DIỆP QUỲNH