Hiệu quả giữ rừng từ trang bị kiến thức cho đội ngũ cơ sở

09:10, 08/10/2015

Tài nguyên rừng bị xâm hại, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phải thẳng thắn nhìn nhận có một nguyên nhân từ khách quan là năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của một số người thi hành công vụ ở cơ sở. Vì vậy, trang bị tri thức về chuyên môn, về nghiệp vụ và kỹ năng xử lý các vi phạm hành chính đối với lực lượng kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã và chủ rừng là công việc mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. 

Tài nguyên rừng bị xâm hại, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phải thẳng thắn nhìn nhận có một nguyên nhân từ khách quan là năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của một số người thi hành công vụ ở cơ sở. Vì vậy, trang bị tri thức về chuyên môn, về nghiệp vụ và kỹ năng xử lý các vi phạm hành chính đối với lực lượng kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã và chủ rừng là công việc mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. 
 
Đoàn liên ngành kiểm lâm, công an và chủ rừng phối hợp kiểm tra, truy quét
Đoàn liên ngành kiểm lâm, công an và chủ rừng phối hợp kiểm tra, truy quét

Cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2015, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho gần 170 người là cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc các Ban quản lý (BQL) rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, 2 Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà và Nam Cát Tiên; các kiểm lâm: địa bàn, cơ động, làm công tác thanh tra-pháp chế tại các Hạt kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR trong toàn tỉnh. Nội dung tập huấn bao gồm những quy định pháp quy mới và những nội dung rất sát với thực tiễn trong công tác QLBVR. Đó là Luật Xử lý vi phạm hành chính; các Nghị định: 157/2013/NĐ-CP; 40/2015/NĐ-CP; 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ… Các kỹ năng về: lập bản đồ mô tả và báo cáo vụ vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục ban đầu, tuyên truyền và xử lý tình huống… Đối với cán bộ kiểm lâm làm công tác thanh tra-pháp chế tại các Hạt kiểm lâm và 2 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR còn được cung cấp thêm nội dung của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản liên quan, Giải quyết tố giác tin báo tội phạm. 
 
Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên, để đạt mục tiêu về chất lượng, ngành yêu cầu tất cả các cán bộ được cử tham dự tập huấn phải tự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các nội dung quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 157/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan của đợt tập huấn. Đại diện 6 báo cáo viên là cán bộ chuyên trách của Chi cục Kiểm lâm, ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế cho biết cụ thể: Phương pháp truyền thụ của các lớp tập huấn là cụ thể hóa các văn bản pháp quy bằng những thông tin thiết thực về chuyên môn và nghiệp vụ để khi họ về cơ sở có năng lực trong kiểm tra, phát hiện và đánh giá tình hình vi phạm pháp luật. Trả lời về tồn tại và hạn chế của đối tượng tập huấn, ông Trung cho rằng: Kiểm lâm địa bàn thường hạn chế về năng lực tham mưu về quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho ủy ban nhân dân cấp xã. Còn các đơn vị chủ rừng, năng lực phối hợp kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu từ diễn biến trong thực tế. Với cán bộ chuyên trách của đơn vị chủ rừng như BQL rừng, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia, hạn chế rõ nhất là việc kiểm tra, lập hồ sơ ban đầu theo chức năng còn sơ sài, thiếu thông tin, dẫn đến khi chuyển sang cơ quan chức năng xử lý khó. Người viết bài này cũng đã chứng kiến thời gian qua có đơn vị chủ rừng lập đến 5 biên bản vi phạm phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng tất cả 5 biên bản này đều không hội đủ những nội dung yêu cầu theo luật định như đối tượng vi phạm, mức độ thiệt hại…, do đó tình trạng vi phạm kéo dài đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm. Còn với cán bộ làm công tác thanh tra - pháp chế tại các Hạt và Đội kiểm lâm cơ động, cũng theo ông Trung, một số tiếp cận các văn bản pháp quy chưa kịp thời do đó lúng túng trong xử lý. Những hạn chế tồn tại từ thực tiễn nêu trên càng cho thấy ý nghĩa của việc tập huấn như ý kiến của ông Nguyễn Văn Trung đặt ra: “Sau tập huấn sẽ giảm tình trạng khiếu nại; xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật; có tác động răn đe và ngăn chặn kịp thời tình hình vi phạm pháp luật”. 
 
Lực lượng kiểm lâm thu hồi lâm sản vi phạm của đối tượng cất giấu
Lực lượng kiểm lâm thu hồi lâm sản vi phạm của đối tượng cất giấu

Chúng tôi tiếp xúc với những người được tập huấn để trao đổi thêm. Kiểm lâm địa bàn huyện Di Linh, từng là cán bộ tổ cơ động của Hạt - anh K’Tuổi nhận xét: Đây là lớp tập huấn rất bổ ích, nhất là những kiểm lâm mới vào nghề. Qua người giảng mình cập nhật các văn bản mới và qua trao đổi với mọi người trong lớp về những điều chưa hiểu trong thực tế đã giúp mình khi đi làm nhiệm vụ. K’Tuổi tâm đắc nhất là các nội dung của Nghị định 160/2013 “Về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”; Nghị định 157/2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” và nội dung xác định đọc bản đồ lâm nghiệp… K’Tuổi nói: “Mình được mang tài liệu về nhà, chỗ nào chưa hiểu hết thì đánh dấu tiếp tục nghiên cứu để làm công tác tốt hơn nữa. Rất thú vị, khi mình hiểu kỹ thì tuyên truyền trong cộng đồng, nhất là bà con người dân tộc càng dễ”. Một kiểm lâm địa bàn khác-anh Hoàng Xuân Lâm, công tác tại Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, người có thâm niên trong ngành kiểm lâm hơn 30 năm chia sẻ: Tuy làm lâu năm nhưng cá nhân tôi thường xuyên đi rừng nên có những văn bản không có điều kiện để cập nhật, vì vậy lớp tập huấn này rất thời sự. Đối với những anh em chưa có nhiều năm trong ngành, thông qua các văn bản mới này mới thấy một số hiện tượng (vấn đề) đang nhận định sai. Anh Lâm đề nghị ngành nên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn như thế này để giúp cho cán bộ còn được tiếp cận những công cụ phần mềm về tin học có ý nghĩa trong công tác. “Lớp tập huấn đã trang bị cho người tham gia vừa chủ động trong tác nghiệp, vừa làm tốt hơn công tác tham mưu cho chính quyền địa phương ở xã”, anh Hoàng Xuân Lâm nhận xét.
 
MINH ĐẠO