Từ năm 2011 đến nay, sau 5 năm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), Lâm Đồng đã từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo sự chuyển biến tích cực, hướng đến một nền hành chính hiện đại nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Từ năm 2011 đến nay, sau 5 năm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), Lâm Đồng đã từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo sự chuyển biến tích cực, hướng đến một nền hành chính hiện đại nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
|
Giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa huyện Lâm Hà |
Biết giấy tờ mình đến đâu qua tin nhắn
Gần 10 giờ sáng thứ tư trong tuần khi chúng tôi đến, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) của UBND thành phố Đà Lạt vẫn còn khá đông người. Không có vẻ gì vội vàng, ông Huỳnh Văn Hòe (ở phường 5, Đà Lạt) đang nói chuyện điện thoại trên hàng ghế chờ trước cửa, mắt nhìn vào hàng số thứ tự trên bảng điện tử trong văn phòng chờ đến lượt mình: “Tôi đến làm thủ tục chuyển nhượng đất đai, ở phường phải mất chừng hơn tuần để hoàn thiện các loại giấy tờ theo yêu cầu mới đưa lên đây. Ở đây, mọi thứ khá rõ ràng, cán bộ cũng nhiệt tình hướng dẫn nếu cần bổ sung thủ tục nào, nên chắc là làm nhanh theo qui định thôi”. Một người khác, anh Nguyễn Hoàng (ở xã Xuân Trường) cũng đang chờ làm thủ tục về nhà cửa: “Ở xã cũng hướng dẫn tôi đầy đủ các thủ tục rồi mới đưa lên đây, sáng nay hẹn lên nhận lại, chắc là xong rồi” - anh cho biết.
“Chúng tôi đang áp dụng phần mềm một cửa điện tử hiện đại mới của VNPT Lâm Đồng tại bộ phận một cửa thành phố với ứng dụng mạnh hơn” - bà Hồ Thị Bích Vân, Phó Trưởng phòng Nội vụ Đà Lạt cho biết. Một cửa điện tử hiện đại được Đà Lạt đưa vào ứng dụng tại bộ phận một cửa của UBND thành phố và tại UBND phường 1 từ đầu năm 2013. Theo một chương trình hợp tác giữa VNPT Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt, bắt đầu trong tháng 8/2015, Đà Lạt đã đưa phần mềm một cửa điện tử mới vào hoạt động thay cho phần mềm e-Gate trước đây. Sau gần 1 tháng chạy thử nghiệm, phần mềm này đã chính thức được đưa vào sử dụng tại bộ phận một cửa UBND thành phố Đà Lạt và tất cả 16 phường, xã từ 1/9/2015. Theo bà Vân, với phần mềm mới này, tất cả cán bộ công chức, các phòng ban đều phải “tác nghiệp” để đảm bảo đúng hạn vì người dân có thể kiểm tra để biết “tắc” chỗ nào; lãnh đạo từng đơn vị cũng sẽ dễ dàng kiểm soát các hồ sơ ngay từ đầu vào để biết rõ hệ thống vận hành ra sao. “Sắp đến, Đà Lạt sẽ báo kết quả giải quyết hồ sơ bằng tin nhắn trên mạng Vinaphone. Cùng đó, VNPT Lâm Đồng cũng đã hỗ trợ phần mềm văn phòng điện tử nhiều tính năng hơn để Đà Lạt thay thế phần mềm e-Office cũ tại tất cả ban, ngành và phường, xã tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quản lý, chỉ đạo điều hành để mọi thủ tục giấy tờ “chạy” nhanh hơn trong môi trường mạng” - bà Vân cho biết thêm.
Hiện đại hóa nền hành chính
Đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2011 đến nay, CCHC luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện ở tất cả các nội dung theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh. Hầu hết các nhiệm vụ CCHC đã được triển khai đồng bộ với kết quả khá tốt, từng bước nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, các mục tiêu CCHC trong giai đoạn này đã cơ bản hoàn thành.
Cho đến nay, tất cả thủ tục hành chính (TTHC) đều được rà soát lại, công bố công khai minh bạch, bảo đảm đúng qui định; việc giải quyết TTHC được tỉnh đẩy mạnh ở tất cả các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở; chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được nâng lên, hướng đến sự hài lòng của người dân. Tỉnh cũng chú trọng trong đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách tài chính công, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị… Đặc biệt, việc hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đã được Lâm Đồng đẩy mạnh trong những năm gần đây, đã tạo nên một sự chuyển biến đầy tích cực, thay đổi cơ bản lề lối làm việc của cán bộ công chức, nâng cao rõ rệt hiệu quả giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí hằng năm. Cụ thể, đến thời điểm này, việc trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống Văn phòng điện tử đã được sử dụng ở rất nhiều các cơ quan, đơn vị nhà nước từ tỉnh đến huyện, nhiều huyện, thành như Đà Lạt, Đức Trọng chẳng hạn đã triển khai đến cấp xã, phường, thị trấn. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều sử dụng mạng nội bộ để xử lý, điều hành thông tin văn bản, cùng đó là hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đang hoạt động rất tốt. Trên cổng thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2, đồng thời cung cấp 10 dịch vụ hành chính công mức độ 3 bao gồm 33 thủ tục trực tuyến qua mạng trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế, cấp phép xuất bản bản tin và tài liệu không kinh doanh, chứng chỉ xây dựng, giấy phép xây dựng, giấy phép lái xe, thủ tục Hải quan… Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước đã có trang mạng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, cung cấp thông tin chính thống và TTHC của cơ quan mình qua môi trường mạng, góp phần tích cực trong việc công khai minh bạch toàn bộ hệ thống các TTHC từ tỉnh đến xã.
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong toàn bộ 19/19 sở, ban, ngành; 12/12 huyện, thành; 147/147 xã, phường, thị trấn, Lâm Đồng đến nay cũng thực hiện có hiệu quả hệ thống một cửa điện tử tại bộ phận một cửa của thành phố Đà Lạt và 2 huyện Đức Trọng cùng Đạ Tẻh, thêm 2 xã, phường, thị trấn là phường 1 - Đà Lạt và thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng, trong đó Đà Lạt đã tạo một bước tiến mới trong việc mở rộng từng bước đến các xã, phường của mình. Sắp đến sẽ có thêm nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục được triển khai một cửa điện tử hiện đại tại bộ phận một cửa cấp huyện.
Viết Trọng