Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Điều phối kế hoạch phát triển doanh nghiệp về những đóng góp của giới doanh nhân...
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có những đóng góp đáng trân trọng và xứng đáng được toàn xã hội ghi nhận và tôn vinh. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Điều phối kế hoạch phát triển doanh nghiệp về những đóng góp của giới doanh nhân và doanh nghiệp Lâm Đồng trong tiến trình hội nhập mở cửa cũng như phát triển KT-XH của tỉnh.
PV: Xin ông đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp Lâm Đồng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm qua.
Ông Vũ Văn Tư: Những thành tựu nổi bật về KT-XH của tỉnh trong 10 năm qua có sự đóng góp chủ yếu của khu vực doanh nghiệp, điều này nói lên sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh, khẳng định các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong 10 năm qua, doanh nghiệp Lâm Đồng đã có sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô và chất lượng. Kết quả phát triển nhanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng phản ảnh những chuyển đổi tích cực từ tư duy, chính sách đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các doanh nghiệp. Sự chuyển đổi này đã thúc đẩy sự hình thành một đội ngũ doanh nhân có trình độ, năng lực, và bản lĩnh kinh doanh đưa được nhiều doanh nghiệp vượt khó và ngày càng lớn mạnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và từng bước đã vươn ra thị trường thế giới. Năm 2004, tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Lâm Đồng chỉ mới ở con số gần 2.400 doanh nghiệp, đến nay số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đã đạt hơn 7.000 doanh nghiệp. Thu ngân sách năm 2004 chưa đến 1.000 tỷ đồng, nay số thu ngân sách tỉnh đã gần 6.000 tỷ đồng, trong đó nguồn thu chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp. Vào thời điểm năm 2004 hầu như có rất ít doanh nghiệp đạt các danh hiệu và giải thưởng; sau 10 năm, Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng uy tín. Sự thành công của một số doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài cũng đã góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đến với bạn bè quốc tế, thông qua đó kết nối được nhiều hoạt động thương mại và đầu tư. Những nỗ lực của doanh nhân trong tỉnh đã góp phần hình thành những doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trên thương trường, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia công tác xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hàng trăm nhà tình thương, tình nghĩa; luôn đồng hành cùng Nhà nước trong các phong trào đền ơn, đáp nghĩa…
|
Ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng (bên phải) thăm một gian hàng tại Hội chợ triển lãm thương mại |
PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, doanh nhân và doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong viêc tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế?
Ông Vũ Văn Tư: Nói đến hội nhập kinh tế là nói đến vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là đối tượng chính của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh môi trường kinh doanh thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng điều hành của Chính phủ; vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước thì chất lượng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò chính quyết định sự thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của một quốc gia.
Tuy việc hội nhập không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp, song sự hiểu biết đầy đủ, mức độ các cam kết như TPP; Việt Nam - EU FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN... và cao hơn nữa là chuyển sự hiểu biết đó thành chiến lược, kế hoạch kinh doanh thích hợp của doanh nghiệp thì còn ở mức độ khá hạn chế. Các doanh nghiệp có tận dụng được những cơ hội để mở rộng thị trường từ những hiệp định thương mại hay không phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của chính mình. Theo nhiều kết quả khảo sát gần đây cho thấy mức độ quan tâm và hiểu biết sâu về các hiệp định thương mại của các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ở mức độ thấp.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nền kinh tế toàn cầu biến động và thay đổi liên tục, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo, và phải hành động hiệu quả trên nhiều phương diện. Khoảng cách giữa đòi hỏi của hội nhập hiện nay và năng lực đáp ứng thực tế của Việt Nam nói chung còn một khoảng cách khá lớn. Chính phủ hiện đang nỗ lực cải cách, xây dựng chính sách theo hướng tương thích với các tuyến hội nhập và tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tăng cường vai trò, vị thế của khu vực tư nhân, đáp ứng các cam kết hội nhập; cùng với Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư công nghệ, kỹ thuật phù hợp; học hỏi và thích ứng với phương thức kinh doanh trong bối cảnh mới. Để chủ động hội nhập, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hội nhập để nhận biết những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong từng thỏa thuận hội nhập. Mặt khác, các doanh nghiệp cần nắm vững những yêu cầu cao hơn về mẫu mã, bao bì, đóng gói, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội… Những yêu cầu này được đặt ra rất cao và khắc nghiệt khi Việt Nam hội nhập đầy đủ, nếu không đáp ứng được, các doanh nghiệp không thể tận dụng cơ hội trên các thị trường xuất khẩu, gặp khó khăn ngay trên thị trường nội địa và phải đối mặt với thách thức ngày càng gay gắt hơn.
PV: Ông có chia sẻ gì với giới doanh nhân nhân dịp 13/10?
Ông Vũ Văn Tư: Hiện nay xu thế toàn cầu hóa đã và đang trở thành hiện thực thông qua nhiều hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức. Doanh nghiệp là đối tượng bị tác động lớn nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập đồng nghĩa với thời cơ đan xen thách thức. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đòi hỏi các doanh nhân không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình để đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa. Nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công trong sân chơi hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của nhà nước cũng hết sức quan trọng. Để giúp doanh nghiệp tận dụng được thời cơ, Nhà nước phải kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và hệ thống hành chính công phải vận hành thật sự hiệu quả. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Trung tâm XTĐT-TM-DL đã và đang phối hợp và nỗ lực cùng các cơ quan, địa phương liên quan, tiếp tục đổi mới, cải cách hệ thống hành chính công để thủ tục hành chính ngày càng minh bạch, thông thoáng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường, liên kết thương mại; đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực... thông qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những năm qua, mặc dù nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã phát triển và đạt được những kết quả kinh doanh đáng ghi nhận; tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, phần lớn đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh còn chưa mạnh, chưa thật sự đủ tầm, đủ kinh nghiệm để có thể thành công trong môi trường hội nhập. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, không có con đường nào khác là sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp; bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và thành công trong quá trình hội nhập.
PV: Xin cám ơn ông!
PV (thực hiện)