(LĐ online) - Ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của Hội LHPN Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
(LĐ online) - Ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của Hội LHPN Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam”.
Ngày 20/10/1946, hơn một năm sau khi cách mạng tháng Tám thành công, tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Phụ nữ cứu quốc Thành Hoàng (Hà Nội), thay mặt phụ nữ cả nước đã tổ chức lễ ra mắt chính thức tổ chức Hội LHPN Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Phụ nữ Dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế… Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta; mở ra một con đường cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã thông qua một nghị quyết riêng về công tác vận động phụ nữ: “Ngoài những cách bóc lột như nhiều giờ làm, ít tiền lương, họ lại bị phong tục bó buộc, bị coi là hạng người tôi mọi, rất đê tiện trong xã hội, không có một chút tự do nào hết”. Vì lòng yêu nước và căm thù đế quốc, phong kiến, phụ nữ Việt Nam nhất định sẽ trở thành lực lượng cách mạng đông đảo và hùng mạnh. Đảng ta đã nhận định và chỉ rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”; .“Nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì cách mạng mới chỉ là một nửa”, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Phụ nữ là một phần không thể thiếu góp phần vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, Đảng ta luôn coi công tác vận động phụ nữ là một nhiệm vụ to lớn và trọng yếu nên đã chủ trương thành lập “Phụ nữ hiệp hội”, tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay.
Việc hợp nhất và thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm thay đổi một cách căn bản và toàn diện địa vị, xác nhận vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng, có quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực…
Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã hy sinh xương máu, cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng như: Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý và rất nhiều nữ anh hùng khác là những biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam. Lịch sử sẽ không bao giờ quên và mãi mãi ghi nhận những hình ảnh chói ngời của những “đội quân tóc dài”, những nữ chiến sĩ bất khuất, kiên trung trong tù; những bà mẹ, người vợ, người chị, người em ngày đêm đào hầm bảo vệ, chở che cán bộ, cất giấu thương binh; những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch; những nữ thanh niên xung phong “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” và hàng triệu, triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, đảm đang việc nước, việc nhà, anh dũng, kiên trung, gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu để động viên chồng, con ra mặt trận. Những đóng góp, hy sinh của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và phong tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, phụ nữ chiếm hơn 60% lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, văn hóa, giáo dục và hơn 30% lực lượng lao động các ngành nghề khác; vì vậy Đảng ta luôn xác định đây là một lực lượng đông đảo, hùng hậu và vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày càng xuất hiện nhiều chị em phụ nữ trưởng thành vượt bậc về trình độ văn hóa và kỹ thuật; nhiều chị đạt được những giải thưởng cao quý trên tất cả các lĩnh vực ở trong nước và quốc tế. Đội ngũ nữ công nhân lành nghề, nữ cán bộ khoa học, nữ cán bộ quản lý ngày một đông đảo và có uy tín cũng như năng lực thực sự, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của đất nước. Vai trò bình đẳng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được pháp luật bảo đảm. Luật hôn nhân và gia đình đã khẳng định địa vị của người phụ nữ trong chế độ ta. Số chị em đạt danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến ngày một tăng lên, thể hiện tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và làm chủ đất nước của phụ nữ Việt Nam.
Cùng với cả nước, phụ nữ Lâm Đồng trong những năm qua cũng đã có những bước tiến vượt bậc; ngày càng phát triển, lớn mạnh cả về tổ chức, bộ máy và lực lượng. Tính đến tháng 6 năm 2015, tổng số hội viên trong toàn tỉnh là 163.737 hội viên; đây là một lực lượng không nhỏ góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương. Công tác xây dựng tổ chức hội, xây dựng các gương điển hình tiên tiến, phát động các phong trào, xây dựng các mô hình mới, thiết thực luôn được quan tâm triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh như: Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”; phong trào “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”; phong trào “Thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Tổ phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” tại huyện Bảo Lâm; mô hình “Chi hội phụ nữ không có người thân theo đạo trái phép”; mô hình “Vườn, nhà sạch - đẹp” tại huyện Di Linh; mô hình “Tổ phụ nữ tiểu thương” tại huyện Lạc Dương… đã ngày càng thu hút được nhiều đối tượng phụ nữ tham gia. Từ đó, vai trò của tổ chức hội ngày càng được nâng lên và được các ngành tin tưởng, chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2015), Hội LHPN tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ; nhằm triển khai thực hiện tốt đợt thi đua chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước; rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ nhận thức; vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tổ chức các hoạt động văn nghệ, văn hoá - thể thao như thi liên hoan văn hoá nghệ thuật các dân tộc tỉnh Lâm Đồng năm 2015; tổ chức giải bóng chuyền nữ truyền thống 20/10… tạo sân chơi bổ ích và thích hợp để đội ngũ cán bộ Hội và chị em phụ nữ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất...
Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Lâm Đồng hôm nay luôn vững bước tiến lên, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để luôn xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước ta đã vinh danh cho chị em phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Nguyễn Thị Mỵ