Năm 2016 tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia

08:10, 05/10/2015

Năm 2016, Bộ GDĐT vẫn duy trì thực hiện cải cách thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng bằng một kỳ thi chung - kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sử dụng tuyển sinh. 

Năm 2016, Bộ GDĐT vẫn duy trì thực hiện cải cách thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng bằng một kỳ thi chung - kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sử dụng tuyển sinh. 
 
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Lâm Đồng được toàn xã hội chăm lo và hỗ trợ
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Lâm Đồng được toàn xã hội chăm lo và hỗ trợ
Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi “2 trong 1” vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy còn nhiều “bỡ ngỡ” nhưng Ngành Giáo dục Lâm Đồng đã thực hiện tốt và hoàn thành các công việc của kỳ thi với kết quả đỗ tốt nghiệp cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, được xã hội đồng thuận và phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy - học. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng tương đối thuận lợi, hầu hết các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu trong các đợt xét tuyển. 
 
Theo thống kê của Sở GDĐT, những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, duy trì trên 98%. Tỷ lệ này ổn định trước khi có cuộc vận động “Hai không” và không có dao động sau khi thực hiện cuộc vận động. Đặc biệt, năm học 2014 - 2015 vừa qua, năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT quốc gia với kết quả từ một kỳ thi chung được dùng cho hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, toàn tỉnh có 13.171/14.118 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 93,29%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước 1,71%. Tuy tỷ lệ này thấp hơn những năm trước, nhưng đây là con số được xã hội chấp nhận và hài lòng, vì kết quả này phản ánh đúng thực chất trình độ của học sinh. Không những vậy, kỳ thi đã giúp cho học sinh và phụ huynh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mình khi có thể đăng ký một trong hai cụm thi: cụm thi tỉnh với nguyện vọng chỉ xét tốt nghiệp hay cụm thi liên tỉnh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Điều này đã góp phần vào công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT, đảm bảo chỉ tiêu vào các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng nguồn lao động có tay nghề cho nhu cầu của xã hội hiện nay.
 
Đối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, dù đây là lần đầu tiên tổ chức xét tuyển theo phương thức mới, nhưng với sự cố gắng và tạo mọi điều kiện cho thí sinh thì việc tuyển sinh không quá khó khăn, phức tạp vì số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển không “ồ ạt” như những trường ở các tỉnh, thành phố lớn. Những bất cập trong việc xét tuyển như thời gian xét tuyển quá dài (20 ngày), quy định về thay đổi nguyện vọng đăng ký, cập nhật điểm chuẩn xét tuyển chưa kịp thời... đều được các trường nỗ lực khắc phục. Đối với Trường Đại học Đà Lạt, nhà trường đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 và đã tuyển đủ sau đợt xét tuyển bổ sung lần thứ nhất. Còn đối với Trường Đại học Yersin Đà Lạt, đây là năm đầu tiên nhà trường vượt chỉ tiêu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. “Việc để cho thí sinh cân nhắc, tìm hiểu kỹ rồi lựa chọn trường theo nguyện vọng, năng lực của mình đã tạo cơ hội cho các em bước chân vào đại học, cao đẳng dễ dàng hơn. Việc thí sinh “rớt” đại học, cao đẳng cũng hạn chế hơn khi các em có thể nộp hồ sơ vào những trường phù hợp. Điều này cũng tạo điều kiện cho các trường top dưới, trường ngoài công lập có thể tuyển đủ chỉ tiêu”, thầy Trương Thành Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt chia sẻ. 
 
“Nhìn chung, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng là đổi mới, gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời, cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những ưu điểm trên thì kỳ thi cũng còn một số nhược điểm, như quy chế thi thay đổi trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến việc quản lý, lưu trữ và khó khăn trong xử lý thông tin; thời gian tổ chức kỳ thi chưa hợp lý khi thời gian từ khi kết thúc năm học đến khi diễn ra kỳ thi dài, nên việc hoàn tất kỳ thi cũng muộn hơn mọi năm làm ảnh hưởng đến việc triển khai năm học mới; việc phải cập nhật thông tin liên tục qua phần mềm quản lý thi khiến thí sinh vùng sâu, vùng xa thiệt thòi hơn vùng trung tâm… Vì vậy, cần có những cải tiến, phương pháp và quản lý điều hành hợp lý hơn để kỳ thi của những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn”, ông Lê Văn Lai - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT cho biết.
 
TUẤN HƯƠNG