Thi đua "dạy tốt - học tốt", không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

09:10, 14/10/2015

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chăm lo, ủng hộ của các cấp, các ngành, của nhân dân trong tỉnh, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tập trung tổ chức và thực hiện có kết quả cả về quy mô và chất lượng phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chăm lo, ủng hộ của các cấp, các ngành, của nhân dân trong tỉnh, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tập trung tổ chức và thực hiện có kết quả cả về quy mô và chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt là giáo dục vùng DTTS ngày càng khởi sắc, góp thêm gam màu tươi sáng cho “bức tranh” giáo dục địa phương. 
 
Giáo dục mũi nhọn luôn được ngành Giáo dục quan tâm nên học sinh giỏi, xuất sắc tăng hàng năm cả về số lượng lẫn chất lượng
Giáo dục mũi nhọn luôn được ngành Giáo dục quan tâm nên học sinh giỏi, xuất sắc tăng hàng năm cả về số lượng lẫn chất lượng
Nói về thành tựu của ngành Giáo dục trong nhiệm kỳ qua, Giám đốc Sở GDĐT Đàm Thị Kinh chia sẻ: “Kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Lâm Đồng trong 5 năm qua phải kể đến đó là các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) và học sinh, sinh viên (HSSV) quán triệt và có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động. Các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới và phát huy tốt, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm học để phát triển sự nghiệp giáo dục và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước”. 
 
Thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, ngành GDĐT Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn, giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc. Toàn ngành triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là dạy học hướng vào cá nhân học sinh, đề cao dạy phương pháp tự học, tăng cường tính chủ động cho học sinh, dạy kỹ năng thích ứng với cuộc sống; dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng với phương châm “Dạy chữ để dạy người”, “Dạy thực - Học thực - Chất lượng thực”; đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), đánh giá thực chất giáo dục phổ thông… 
 
Từ những giải pháp trên, chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học luôn ổn định, chuyển biến tích cực. Năm 2015, Lâm Đồng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, ý thức học tập và chất lượng giáo dục thực chất của học sinh (HS) có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ổn định ở mức cao; công tác đào tạo và bồi dưỡng HS giỏi các cấp được quan tâm (từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 132 HS đoạt giải quốc gia); tỷ lệ HS trúng tuyển đại học và cao đẳng bình quân hàng năm từ 19,6% đến 29% - đây là tỷ lệ khá cao so với cả nước cũng như các tỉnh trong khu vực (5 năm qua, có 43.370 HS đỗ đại học, cao đẳng/157.463 thí sinh dự thi); hàng năm có nhiều HS xuất sắc, đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học; có nhiều trường THPT có tỷ lệ HS đỗ đại học đứng trong top 50, 100 và 200 trong tổng số các trường THPT của cả nước. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng. 
 
Bên cạnh đó, giáo dục vùng dân tộc và địa bàn khó khăn có nhiều tiến bộ, khởi sắc. Bằng nhiều giải pháp, những năm gần đây, giáo dục dân tộc tiếp tục phát triển khá tốt, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc. Công tác chỉ đạo điều chỉnh mạng lưới trường lớp, phát triển điểm trường đã tạo điều kiện thu hút học sinh vùng dân tộc và địa bàn khó khăn ra lớp. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc cũng được nâng lên rõ rệt, thu hẹp dần khoảng cách phát triển so với các vùng miền khác trong tỉnh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú phát triển. Toàn tỉnh có 9 trường PT DTNT, trong đó, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 33,3%). 
 
Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy và học được tăng cường, trường lớp ngày càng khang trang, từng bước hiện đại, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng hàng năm. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 210/692 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 30,34%). Cùng với đó là việc chăm lo, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, CBQLGD như chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn khá cao: mầm non 95,3% (trên chuẩn 37,9%), tiểu học 99,7% (trên chuẩn 71,2%), THCS 99,8% (trên chuẩn 61,5%), THPT 99,9% (trên chuẩn 6,4%), trung cấp chuyên nghiệp 100% (trên chuẩn 5,2%), cao đẳng 100% (trên chuẩn 35%). Hầu hết các cơ sở giáo dục đều có tổ chức cơ sở Đảng, toàn ngành có 6.554 đảng viên, đạt tỷ lệ 28,89% (tăng 17,64% sau 15 năm, từ khi có Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị). 
 
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã được ghi nhận qua các thành tích: 5 năm liên tục (2010-2015) hoàn thành xuất sắc các lĩnh vực công tác theo năm học, toàn ngành được tặng 23 huân chương các loại cho các tập thể, cá nhân; có 5 nhà giáo vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 4 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 43 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác… Đặc biệt, năm 2015, Sở GDĐT vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Ba năm học liên tục 2012-2013, 2013-2014 và 2014 - 2015 được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT về thành tích hoàn thành xuất sắc các lĩnh vực công tác - dẫn đầu các Sở GDĐT thuộc Vùng thi đua các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Xin dẫn lời của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục 5 năm (2010 - 2014): “Các thầy, cô giáo và CBQLGD tỉnh nhà đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người’’, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Kết quả đó tạo nên một “vườn hoa đẹp” trong phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng”.
 
TUẤN HƯƠNG