Lịch sử quá trình phát triển của Hội LHPN Lâm Đồng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phát triển địa phương. Cuộc gặp mặt các thế hệ cán bộ ủy viên Ban chấp hành chuyên trách Hội LHPN tỉnh từ khóa I đến khóa VIII để lại nhiều xúc động, ngọn lửa nhiệt tình với phong trào phụ nữ trong các dì, các chị vẫn bừng cháy.
Lịch sử quá trình phát triển của Hội LHPN Lâm Đồng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phát triển địa phương. Cuộc gặp mặt các thế hệ cán bộ ủy viên Ban chấp hành chuyên trách Hội LHPN tỉnh từ khóa I đến khóa VIII để lại nhiều xúc động, ngọn lửa nhiệt tình với phong trào phụ nữ trong các dì, các chị vẫn bừng cháy.
Bà Nguyễn Thị Thiêng - BCH Hội LHPN tỉnh khóa I: “CÁN BỘ PHỤ NỮ PHẢI CÓ TẦM MỚI THEO KỊP TÌNH HÌNH”
Bà Nguyễn Thị Thiêng, 82 tuổi, ở phường 5 - Đà Lạt, hoạt động cách mạng từ năm 1954 gắn với phong trào phụ nữ, bà tham gia lãnh đạo Hội Phụ nữ của tỉnh Tuyên Đức trong kháng chiến chống Mỹ và lãnh đạo BCH Hội LHPN khóa I của tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù tuổi cao nhưng bà vẫn nói chuyện công tác Hội một cách nồng nhiệt: “Nói đến công tác vận động, tập hợp xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ mỗi thời kỳ có những thuận lợi, khó khăn khác nhau. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khác, ở vùng kiểm soát khác, vùng đô thị khác. Chỉ nói sau ngày giải phóng đất nước đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh ta trải qua 8 nhiệm kỳ thì mỗi nhiệm kỳ công tác đều có những thuận lợi, khó khăn nhất định”.
Bà Thiêng kể về quá trình, kinh nghiệm hoạt động Hội Phụ nữ của mình: “Tôi được Đảng điều từ quê Quảng Nam lên Đà Lạt - Tuyên Đức hoạt động cách mạng từ 1958 đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Và trong thời gian này có 2 giai đoạn tôi được tham gia công tác phụ nữ, đó là giai đoạn bên trong và giai đoạn thoát ly ra bên ngoài và sau giải phóng. Giai đoạn bên trong từ năm 1962-1969, công tác vận động phụ nữ chỉ là kết hợp, bởi lúc bấy giờ tôi được Đảng giao cho công tác vận động trong lực lượng sinh viên, học sinh. Lực lượng này là con em của phụ nữ nên chúng tôi kết hợp vận động chị em bằng hình thức tự thắp nến, tự công khai, như phát động khơi dậy lòng yêu nước của chị em, lòng căm thù giặc, chống bắt lính học sinh, sinh viên; từng bước tuyên truyền giác ngộ chị em trở thành cơ sở cốt cán và từ cốt cán này lan rộng ra. Giai đoạn 1969-1975, tôi được giao làm công tác phụ nữ, lúc làm Thường trực ở Thị ủy, lúc thì về công tác Hội trưởng Phụ nữ Tuyên Đức. Tôi còn nhớ thời gian đầu tách từ tỉnh Tuyên Đức chuyển về Đức Trọng, tuy công tác phụ nữ thời gian ở đây không lâu nhưng tôi cảm thấy rất dài và làm được rất nhiều việc. Tình hình an ninh chính trị ở Đức Trọng lúc bấy giờ chưa ổn định, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nghèo nàn nhưng tình cảm chị em cán bộ Hội từ thôn, ấp đến huyện, tỉnh rất đỗi thâm tình, đoàn kết, cởi mở, chan hòa khó quên.
Làm cán bộ phụ nữ thời nay tuy có nhiều thuận lợi, cơ sở vật chất, phương tiện đầy đủ nhưng đòi hỏi người phụ nữ phải có cái tầm. Ngoài cái tâm ra phải có cái tầm mới theo kịp tình hình, phải nâng cao trình độ, hiểu biết khoa học trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Tôi mong các thế hệ cán bộ Hội bây giờ trong điều kiện có những thuận lợi đó thì nên phát huy những mặt mạnh, nhất là vấn đề đoàn kết nội bộ và làm sao vận động cho được chị em các tầng lớp thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với truyền thống phụ nữ phải phát huy sức mạnh đoàn kết, dân chủ…
Chị Ngô Thị Luân - Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Lâm Hà (Khóa VI): “CẦN TẬP TRUNG CÔNG TÁC HỘI CƠ SỞ”
|
|
Năm 2013, tôi nghỉ hưu, khi mới về nhớ nhung, quyến luyến công việc vô cùng. Bản thân tôi có 38 năm công tác thì gắn bó Hội 17 năm. Với tôi khi chuyển từ công việc chuyên môn sang công tác vận động quần chúng từ tháng 8/1996 cảm thấy là một vấn đề vô cùng khó. Bởi công tác vận động quần chúng, nhất là vận động quần chúng là phụ nữ thì không có một khuôn mẫu nào. Đó là do sự năng động, sáng tạo của mỗi một cán bộ Hội. Hơn nữa, thời điểm tôi làm so với các dì, các chị cán bộ Hội đi trước đã thuận lợi hơn rất nhiều nhưng vẫn còn khó khăn về nhiều mặt: Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công việc của Hội còn thiếu thốn, địa bàn rộng (khi ấy chưa tách huyện Đam Rông với Lâm Hà), giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt đội ngũ cán bộ Hội cơ sở rất nhiệt tình nhưng về kiến thức, kỹ năng xây dựng tổ chức Hội, kiến thức về làm ăn phát triển kinh tế, về chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Để khắc phục, trước hết phải có sự chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ chi, tổ Hội thì mới hoàn thành được nhiệm vụ chính trị chuyên môn của Hội. Từ những khó khăn đó, bản thân tôi cùng với chị em trong Ban chấp hành khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Từ năm 2013 đến nay, tôi về địa bàn dân cư sinh hoạt chi hội phụ nữ, sinh hoạt Hội Người cao tuổi, bản thân tôi thấy tỉ lệ phụ nữ có kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế chưa nhiều, kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe gia đình còn hạn chế, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, phải làm thế nào gắn được vai trò phụ nữ với môi trường và xây dựng nông thôn mới. Những điều đó cho thấy vẫn cần rất nhiều đến sự giúp đỡ của Hội và cán bộ Hội hiện nay. Các cấp Hội đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời kỳ hội nhập, thuận lợi, cơ hội thì rất nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Bởi phần lớn hội viên phụ nữ của chúng ta làm nghề nông nghiệp, 70 - 80% phụ nữ nông thôn hiểu biết chưa phải đầy đủ về các mặt, chị em tập trung vào làm kinh tế, ít quan tâm đến diễn biến xã hội nên hoạt động Hội cần hướng về cơ sở. Do đó, để tập hợp được các tầng lớp phụ nữ vào tổ chức Hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội là thách thức, khó khăn với đội ngũ cán bộ Hội hiện nay. Tuy vậy, tôi tin tưởng vào đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở, các chị hiện nay trẻ, có kiến thức, có năng lực, năng động, tâm huyết, gần gũi với hội viên phụ nữ và nhân dân. Trong chỉ đạo có định hướng, chủ trương đúng đắn, đổi mới hình thức và tổ chức thực hiện...
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh: “CÁN BỘ PHỤ NỮ TRẺ PHẢI TỰ TIN”
|
|
Tự hào về truyền thống tốt đẹp của Hội LHPN VN, thế hệ chúng tôi rất vinh dự khi được tiếp tục công việc mà các dì, các chị đã hy sinh và cống hiến cho phong trào phụ nữ, cho sự tiến bộ của phụ nữ các dân tộc tỉnh nhà và càng tự hào hơn khi được sự quan tâm dìu dắt của các dì, các chị, chúng tôi ngày càng trưởng thành và thấy rõ hơn trách nhiệm của người cán bộ Hội trong giai đoạn hiện nay. Thuận lợi hơn các dì, các chị khi chúng tôi được Đảng, được tổ chức Hội quan tâm đào tạo bồi dưỡng, được hỗ trợ nhiều hơn về vật chất và tinh thần nhưng phải tự nhận thấy rằng, so với các dì, các chị thì chúng tôi còn hạn chế rất nhiều. Đó là phương pháp về công tác vận động phụ nữ chưa thật sự đạt yêu cầu, kỹ năng vận động quần chúng, thực tiễn công việc công tác chưa được tích lũy nhiều. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện của người cán bộ Hội trong thời kỳ đổi mới, chúng tôi hơn ai hết phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các vốn quý về lòng yêu nước, về truyền thống lịch sử, truyền thống dân tộc để tiếp bước các thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đã dày công vun đắp cho phong trào phụ nữ thời gian qua.
Là cán bộ phụ nữ trẻ, chúng tôi không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, phát huy phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, năng động sáng tạo đáp ứng yêu cầu công tác Hội ngày một tốt hơn. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia sinh hoạt Hội, vận động cán bộ hội viên phụ nữ thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong các phẩm chất phụ nữ hiện nay phải tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang, khi tự tin thì mình sẽ làm được nhiều thứ và cũng phải tiếp nối được truyền thống của các dì, các chị. Quan trọng nhất là tự tin khi chúng ta đã trang bị đầy đủ kiến thức, phẩm chất, kinh nghiệm, chúng ta sẽ mạnh dạn làm tốt trong lĩnh vực công tác Hội.
DIỆU HIỀN