Phát triển Đà Lạt hướng đến văn minh, thân thiện

05:10, 13/10/2015

Thành phố hoa Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là du lịch chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để Đà Lạt tạo bước đột phá, tăng tốc, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 08 (NQ 08) về "Phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện". 

Thành phố hoa Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là du lịch chất lượng cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để Đà Lạt tạo bước đột phá, tăng tốc, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 08 (NQ 08) về “Phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện”. Qua gần 5 năm thực hiện NQ 08 với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Lạt, một thành phố phát triển bền vững, văn minh, thân thiện đang dần hiển hiện. 
 
Diện mạo Đà Lạt đang ngày một khởi sắc - Ảnh: NGUYÊN THI
Diện mạo Đà Lạt đang ngày một khởi sắc - Ảnh: NGUYÊN THI

Mục tiêu tổng quát được đề ra trong NQ 08 là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao và tạo tiền đề trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo lớn của cả nước và khu vực. Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, quy hoạch mở rộng và xây dựng thành phố Đà Lạt đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương. 
 
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân - Bí thư Thành ủy Đà Lạt cho biết: “Từ khi có NQ 08, Thành ủy Đà Lạt đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt toàn thành phố và triển khai đến các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; cũng như ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Từ đó, các cấp, các ngành, đơn vị liên quan và người dân thành phố chung tay xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt nhanh, bền vững, hướng đến văn minh, thân thiện”. Đến nay, qua 5 năm triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu trong 17 nhóm chỉ tiêu cụ thể của NQ 08 đã được Đà Lạt thực hiện đạt và vượt. Tiêu biểu như GDP bình quân đầu người của Đà Lạt hiện nay đạt 60 triệu đồng/người/năm, trong khi đó chỉ tiêu của NQ 08 là trên 50 triệu đồng/người/năm. Chỉ tiêu của NQ 08 cũng đề ra là đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của Đà Lạt giảm còn dưới 0,5% thì đến nay địa phương đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,3%. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích của Đà Lạt hiện nay đạt 220 triệu đồng/ha/năm, so với chỉ tiêu NQ là 200 triệu đồng... Ngoài ra, các chỉ tiêu còn lại của NQ 08, Đà Lạt cũng đã thực hiện đa số đạt hoặc tiệm cận. Cụ thể như các chỉ tiêu: tạo việc làm mới bình quân hàng năm; số lượt khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có bằng THPT hoặc tương đương; tỷ lệ tổ dân phố, thôn văn hóa, số hộ gia đình, cơ quan đạt văn hóa; xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới và độ che phủ rừng...
 
Cùng với việc thực hiện NQ 08, Đà Lạt cũng đã đề ra nhiều chương trình, hành động cụ thể và thực hiện với các giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, du lịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt. Thực hiện chương trình phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015, thành phố Đà Lạt đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ. Theo thống kê của địa phương, hiện nay toàn thành phố Đà Lạt có 628 cơ sở lưu trú với trên 11,5 ngàn phòng. Trong đó, có 225 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 5 sao, chiếm 36% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn Đà Lạt cũng đã có 19 khu, điểm tham quan du lịch và hơn 20 điểm tham quan các công trình kiến trúc. Thời gian qua, lượng khách đến tham quan du lịch đều tăng qua các năm với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 10%/năm. Tổng lượng khách du lịch đến Đà Lạt giai đoạn từ 2011 - 2015 ước đạt khoảng 17 triệu lượt khách, riêng năm 2015 ước đạt hơn 4 triệu lượt khách. 
 
Trong những năm qua, chính quyền thành phố Đà Lạt cũng đã chủ động làm việc, yêu cầu các đơn vị quản lý các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo danh lam thắng cảnh, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo dự án được duyệt, nhất là một số danh thắng có biểu hiện bị xâm hại, xuống cấp. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, các phường, xã đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông tại khu vực trung tâm thành phố, các khu, điểm du lịch, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội; thực hiện bán hàng đảm bảo chất lượng, có xuất xứ, thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết... 
 
Bên cạnh du lịch thì nông nghiệp công nghệ cao là một thế mạnh của Đà Lạt. Hiện nay, Đà Lạt đang là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trên địa bàn Đà Lạt hiện có gần 5 ngàn hecta diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 17% so với năm 2011. Một số mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng đang trở thành những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Đà Lạt. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản Đà Lạt cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Qua đó, đã xây dựng được thương hiệu rau, hoa Đà Lạt và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, có 3 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Lạt đã được công nhận là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố Đà Lạt cũng đã cấp nhãn hiệu chứng nhận rau, hoa Đà Lạt cho 125 đơn vị sản xuất trên địa bàn.
 
Một kết quả đáng ghi nhận khác nữa của Đà Lạt đạt được thời gian qua đó là trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Đà Lạt đã có 3/4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn một xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang chờ xét duyệt để công nhận. 
 
Nhìn chung, qua 5 năm triển khai xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững theo NQ 08, diện mạo của thành phố đang khởi sắc từng ngày. Mọi mặt đời sống của người dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, hoàn thiện; cảnh quan, môi trường được đảm bảo; phong cách người Đà Lạt hiền hòa - thanh lịch - mến khách được phát huy. Đà Lạt đã trở thành một địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước ngày một nhiều hơn. Với những thành tích đã đạt được thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Lạt đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ngoài ra, Đà Lạt cũng đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là “Thành phố có không khí sạch”. Hi vọng, trong thời gian tới, Đà Lạt tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình để hoàn thành các chỉ tiêu theo NQ 08 đề ra, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố phát triển hiện đại, văn minh, thân thiện, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
 
DUY DANH