Phối hợp y tế công tư trong điều trị lao và lao kháng thuốc

09:10, 06/10/2015

Ngày 2/10, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng tổ chức hội thảo về phối hợp công tác y tế công tư trong phòng và điều trị bệnh lao và lao kháng thuốc tại Lâm Đồng năm 2015. Lâm Đồng là 1 trong 41 tỉnh được chọn là đơn vị triển khai quản lý lao kháng thuốc dưới sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của Chương trình chống lao quốc gia.

Ngày 2/10, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng tổ chức hội thảo về phối hợp công tác y tế công tư trong phòng và điều trị bệnh lao và lao kháng thuốc tại Lâm Đồng năm 2015. Lâm Đồng là 1 trong 41 tỉnh được chọn là đơn vị triển khai quản lý lao kháng thuốc dưới sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của Chương trình chống lao quốc gia.
 
Hoạt động phối hợp y tế công tư 
 
Dự án phòng chống lao và bệnh phổi tại Lâm Đồng chịu sự chỉ đạo chuyên môn trực tiếp từ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM về chuyên môn, kỹ thuật. Mạng lưới công tác phòng chống lao được duy trì từ tỉnh đến 12 huyện, thành phố đến các xã, phường trong phạm vi toàn tỉnh. Hiện có 14 điểm kính tại 2 BVĐK tỉnh và 12 trung tâm y tế huyện - thành phố. Ngoài ra, có thêm 5 điểm kính vệ tinh ở Đà Loan (Đức Trọng), Nam Ban (Lâm Hà), Dran (Đơn Dương), Hòa Ninh (Di Linh), Phi Liêng, Đạ Tông (Đam Rông). Từ năm 2012 đến nay, dự án triển khai thêm tổ lao tại Trại giam Đại Bình (Bảo Lộc), hiện nay đang hoạt động như 1 tổ chống lao tuyến huyện.
 
Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng là đơn vị đầu mối cho các hoạt động phòng chống lao tại tỉnh. BVĐK tỉnh Lâm Đồng và BV II Lâm Đồng có nhiệm vụ khám phát hiện bệnh nhân lao; quản lý điều trị cho bệnh nhân lao nặng, cấp cứu, lao kháng thuốc; thực hiện chế độ báo cáo và phản hồi theo hướng dẫn của chương trình chống lao quốc gia về Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh. Các trung tâm y tế huyện - thành phố khám phát hiện và quản lý điều trị cho bệnh nhân lao trên địa bàn; phối hợp với phòng y tế lập danh sách các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn đăng ký tham gia phối hợp quản lý bệnh lao, giám sát hỗ trợ chuyên môn, báo cáo công tác phối hợp quản lý bệnh lao; tham gia cung ứng tài liệu, vật tư, thuốc, sổ sách, biểu mẫu và các khoản kinh phí bồi dưỡng thực hiện theo quy định của pháp luật cho các cơ sở y tế tham gia. Các trạm y tế tuyến xã khám phát hiện lâm sàng và lấy mẫu đờm bệnh nhân nghi lao gửi về trung tâm y tế huyện - thành phố để xét nghiệm; quản lý điều trị bệnh nhân lao theo quy định của chương trình. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế Lâm Đồng về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao; Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị y tế tuyến huyện - thành phố lập danh sách các cơ sở y tế tư nhân đăng ký tham gia phối hợp trong quản lý bệnh lao. Hiện tại có 3/12 phòng y tế có cơ sở y tế tư nhân tham gia phối hợp là: Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Trong đó có 15 cơ sở y tế tư nhân đăng ký tham gia phối hợp trong quản lý bệnh lao: Lâm Hà (2 cơ sở), Đạ Huoai (2 cơ sở), Đạ Tẻh (11 cơ sở). Hầu như các đơn vị phối hợp y tế công tư có triển khai nhưng chưa được đồng bộ và chưa có báo cáo lên trung tâm y tế huyện - thành phố để tổng hợp cho chương trình chống lao tỉnh.
 
Các bác sĩ dự án phòng chống lao của tỉnh đến tận nhà bệnh nhân ở Bảo Lâm vận động bệnh nhân tiếp tục điều trị lao kháng thuốc
Các bác sĩ dự án phòng chống lao của tỉnh đến tận nhà bệnh nhân ở Bảo Lâm vận động bệnh nhân tiếp tục điều trị lao kháng thuốc
 
Kiểm soát bệnh lao và lao kháng thuốc
 
Từ đầu năm 2015, Bệnh viện Phổi Trung ương có công văn về việc hỗ trợ triển khai hoạt động điều trị người bệnh lao kháng thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai điều trị lao kháng thuốc tại tỉnh Lâm Đồng. Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm hoạt động quản lý lao kháng thuốc tại Tp.Hồ Chí Minh từ tháng 9/2009 và sau gần 5 năm triển khai đã tăng phạm vi tầm soát lao kháng thuốc lên 41 tỉnh/thành phố trong cả nước. Lâm Đồng là 1 trong 41 tỉnh được chọn là đơn vị triển khai quản lý lao kháng thuốc dưới sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của CTCLQG.
 
BSCK II Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng cho biết: “Theo quy trình thực hiện, người bệnh lao kháng thuốc cần được điều trị nội trú tối thiểu trong 2 tuần đầu để theo dõi khả năng dung nạp thuốc và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực hiện tại, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng không thể thực hiện việc thu nhận người bệnh trong giai đoạn nội trú ban đầu mà cần phải chuyển người bệnh đến Tp.HCM để thu nhận điều trị, gây nhiều khó khăn và bất tiện cho người bệnh do khoảng cách đi lại xa, chi phí tốn kém và có thể dẫn tới tăng nguy cơ lây truyền bệnh cho cộng đồng”.
 
Theo kế hoạch, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh lao kháng thuốc có cơ hội được chăm sóc và điều trị ngay tại tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng phối hợp với chương trình chống lao tỉnh trong việc sắp xếp phòng bệnh và cán bộ y tế để hỗ trợ tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc tại 2 bệnh viện tỉnh trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, 2 bệnh viện tỉnh chưa thành lập được phòng điều trị lao kháng thuốc. Bệnh viện II Lâm Đồng đã cử 1 bác sỹ tham gia khóa học điều trị lao kháng thuốc  tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM trong vòng 2 tháng. 
 
Ban quản lý Dự án phòng chống lao tỉnh Lâm Đồng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh thu dung 319 bệnh nhân, đạt 54% kế hoạch năm. Trong đó có 169 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Số người thử đờm phát hiện 3.079 người, trong đó số người phát hiện lao phổi 132 AFB (+), tỷ lệ phát hiện nguồn lây chung toàn tỉnh là 4,3%. Đơn vị có tỷ lệ phát hiện nguồn lây cao là Cát Tiên; các đơn vị có tỷ lệ phát hiện nguồn lây thấp: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc. Phần lớn số bệnh nhân lao điều trị vượt tuyến cao ở các đơn vị: Bảo Lâm 67%, Đạ Huoai 50%, Đạ Tẻh 46%, Di Linh 45%, Đức Trọng 43%, Lâm Hà 74%, Bảo Lộc 52%, Đà Lạt 67%. Hiện nay toàn tỉnh có 12 trẻ nhiễm lao đồng ý điều trị dự phòng và có 9 bệnh nhân lao kháng thuốc đang được thu dung và quản lý điều trị. 
 
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất kiến nghị Sở Y tế tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo mọi mặt hoạt động chương trình chống lao tỉnh; Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng triển khai thu nhận điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc trong năm 2015; trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường chất lượng trong công tác phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới: tăng cường xét nghiệm đàm đúng đối tượng nghi lao; phòng y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là phòng khám nội khoa trên địa bàn phối hợp chuyển người có dấu hiệu nghi lao tới các cơ sở để khám phát hiện bệnh nhân lao.
 
DIỆU HIỀN