Suốt hơn 50 năm qua, sự có mặt của người Nùng giữa lòng thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc.
|
Cụ Vy Văn Dèn giới thiệu cho chúng tôi bộ sách cổ của người Nùng |
Suốt hơn 50 năm qua, sự có mặt của người Nùng giữa lòng thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc.
Chạy dọc tuyến đường Hoàng Văn Thụ, thị trấn Liên Nghĩa chúng tôi bắt gặp hình ảnh dọc hai bên tuyến đường những ngôi nhà khang trang chạy thẳng tắp, đồng ruộng mọi người đang tấp nập trồng rau màu, nơi đây có khá đông người Nùng sinh sống.
Những người mở đất
Ngót nghét mấy chục năm trôi qua, kể từ khi già Hoàng Văn Dệt (Sinh năm 1937, quê Bắc Giang) - một trong những người Nùng đầu tiên đặt chân tới vùng đất Đức Trọng lập làng Tân Sinh - Nam Sơn nay thuộc khu phố 8, TT Liên Nghĩa để sinh sống. Đi trên con đường nhựa vào làng, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh nhiều ngôi nhà mới xây dựng, những cánh đồng la ghim tươi tốt. Chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến ngôi nhà của cụ Dệt, ngôi nhà gỗ được xây dựng từ thời xưa nổi bật giữa những ngôi nhà khang trang vừa mới xây.
Đã bước sang tuổi 78, cụ Dệt vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gian khó đặt chân đến chốn “rừng thiêng nước độc” của xứ Đức Trọng cách đây hơn 50 năm. Khi ấy, khoảng những năm 1954 - 1955, sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, có khoảng 1.000 người Nùng được đưa vào vùng đất cao nguyên Lâm Đồng này. Cụ Dệt tâm sự: Hiển nhiên những người Nùng mới chân ướt chân ráo vào vùng đất mới, rời xa nơi mà mình từng sống gắn bó với ruộng đất của tổ tiên, với mái nhà, với mảnh vườn, với làng xóm, ắt hẳn phải gặp vô vàn khó khăn. Những ngày mới đặt chân vào đây, vùng đất Đức Trọng chỉ là vùng rừng núi hoang vu, xung quanh là rừng già, xa xa có tiếng thác chảy. Nơi đây, không một bóng người, chỉ toàn cây rừng, lại đầy rẫy dấu chân lợn lòi, hùm beo, cọp, vắt bám đen kịt. Cuộc sống khó khăn, cộng với chiến tranh diễn ra chúng tôi phải ngày đêm thay nhau hạ cây rừng, đắp đập để lấy nước sinh hoạt và sản xuất. Thuở ấy, dụng cụ khai phá còn thô sơ, cây nhỏ chúng tôi dùng rìu, cây lớn dùng cưa tay, có khi phải đến 2 ngày mới hạ nổi một cây. Chúng tôi phải mất cả hàng tháng trời mới có thể khai phá được một khoảnh đất nhỏ để dọn đất trỉa lúa, trồng sắn, bắp để có lương thực sống qua ngày. Sau thời gian có hoa lợi, mọi người lại tiếp tục khai phá thêm. Người Nùng ở đây sống rất đoàn kết, họ cùng nhau khai phá, chia đất đai và cùng giúp nhau làm nhà.
“Thuở mới vô đất này, nhìn bốn bề toàn là cây rừng với những cây to hai người ôm không xuể, có những lúc ra suối lấy nước lại gặp cả heo rừng, thỉnh thoảng có thể lượm được răng nanh của hổ báo, lợn lòi. Thế nhưng, người Nùng ở đây vẫn bám đất và những giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống đã nở hoa trên đất này. Từ đôi bàn tay, chúng tôi đã biến thung lũng nảy lên những vồng khoai, rẫy sắn và cả những ruộng lúa xanh rì…” - cụ Dệt tự hào.
Ngày mới ở làng Nùng
Dù ly hương, những thế hệ người Nùng vẫn động viên nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông như vẫn giữ tục ma chay, các ngày lễ mồng 3/3, tết ăn tham 6/6, các món ăn truyền thống bánh khoải... đặc biệt là tiếng nói của dân tộc mình. Người Nùng ở khối 8 tự hào về bộ sách cổ nói về văn hóa người Nùng do cụ Vy Văn Dèn lưu trữ, nó như là một biểu tượng, một mảnh hồn quê. Bộ sách chứa đựng nội dung trên từng lĩnh vực đời sống cộng đồng người Nùng của Việt Nam. Đó là bộ sách ca dao dân ca, ca ngợi phong cảnh đất nước, truyền thống gia đình, tình yêu lứa đôi. Bộ sách còn ghi lại những nghi thức tổ chức các lễ hội mừng thọ, mừng tân gia, mừng đám cưới, mừng sinh nhật… với những câu chúc mừng xúc tích, nhiều ý nghĩa nhất. Cụ Dèn, cho biết: “Ông giữ lại bộ sách, nó như là kỷ vật nhắc nhở con cháu ngưỡng vọng về quê cha đất tổ, nhắc nhở họ phải sống đoàn kết, hòa thuận và không được quên nguồn cội, phong tục”.
|
Đôi vợ chồng trẻ người Nùng chăm sóc những luống cà rốt mới xuống giống |
Với bản chất cần cù, chịu khó, phần lớn kinh tế bà con rất ổn định. Vùng đất mới này chính là quê hương thứ 2 của người Nùng. Ông Vy Sĩ Thanh (58 tuổi), tổ trưởng khối phố 8 cho biết: “Ngày trước, ở khối 8, TT Liên Nghĩa chỉ lác đác khoảng 200 hộ dân cư người Nùng sinh sống khai phá, dần dần một số tộc người Hoa, Thổ, kể cả người Kinh cũng đến đây định cư. Ngày nay, trên con đường nhựa Hoàng Văn Thụ, giữa màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng la ghim là nhà cửa san sát, người Nùng luôn giữ tình hòa thuận, đoàn kết với các tộc người anh em ở đất này. Câu lạc bộ truyền thống dân tộc người Nùng được thành lập và hoạt động thường xuyên kết nối, giúp đỡ những người khó khăn, gia đình đau ốm, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Từ trong gian khó, người Nùng đã biết làm ăn và cùng nhau vượt qua khó khăn để trở thành những triệu phú, tỷ phú như ông Vy Văn Thọ, Vi Thiên Khai, chủ vựa rau Thuận Đoàn...
Câu chuyện về cuộc di dân của người Nùng trở thành câu chuyện đẹp giữa lòng phố Liên Nghĩa, Đức Trọng. Và xứ Liên Nghĩa, Đức Trọng cũng in đậm dấu ấn văn hóa, tinh thần đoàn kết cộng đồng của người Nùng. Bà Chu Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch UBND TT Liên Nghĩa cho biết: “Tại tỉnh Lâm Đồng (theo tổng điều tra dân số ngày 1-10-1997) có khoảng l.856 người Nùng sinh sống. Hiện nay, đồng bào tụ cư đông nhất tại khối 8, TT Liên Nghĩa, Đức Trọng với hơn 1.000 hộ dân. Người Nùng ở Đức Trọng là một cư dân nông nghiệp lâu đời, canh tác ruộng nước và các loại hoa mầu trên rẫy. Cùng với trồng trọt, người Nùng còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ biết áp dụng KH-KT vào trong sản xuất để nâng cao năng suất tạo thu nhập cao và ổn định cho gia đình. Không những vậy, người Nùng ở đây sống khá văn minh, những hủ tục lạc hậu đã không còn, họ biết giữ gìn nét truyền thống của dân tộc mình và tiếp thu nhiều nền văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác. Con em người Nùng có học vấn rất cao, nhiều em được du học nước ngoài, giữ chức vụ cao trong cơ quan của nhà nước. Cùng với sự phát triển đô thị của TT Liên Nghĩa, người Nùng là một trong những dân tộc đóng góp lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương như hiến đất làm đường, góp công sức, tiền bạc xây dựng đường giao thông, giữ gìn an ninh - trật tự... Cộng đồng người Nùng đã tạo nên được bản sắc văn hóa riêng biệt không lẫn vào đâu được, góp phần làm đa dạng trong bức tranh đa dân tộc của tỉnh Lâm Đồng”.
Rời làng Nùng Đức Trọng, bỏ lại sau lưng cảnh tấp nập lao động của những con người nơi đây, lòng chúng tôi lại dâng lên một niềm cảm phục trước những con người “đẻ đất, đẻ nước” và tạo hương hoa cho đời trên vùng đất Đức Trọng.
HOÀNG YÊN - TRẦN KHƯƠNG