Khao khát con trai

04:10, 27/10/2015

Chúng tôi cảm nhận nỗi đau của người phụ nữ mang gánh nặng sinh đẻ hằn lên gương mặt đau khổ qua 9 lần sinh nở chỉ được 1 đứa con trai. Tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" với chị đã thỏa mãn niềm khát khao con trai "duy nhất" rồi, nhưng nỗi đau mất mát con cái vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng chị.

Chúng tôi cảm nhận nỗi đau của người phụ nữ mang gánh nặng sinh đẻ hằn lên gương mặt đau khổ qua 9 lần sinh nở chỉ được 1 đứa con trai. Tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với chị đã thỏa mãn niềm khát khao con trai “duy nhất” rồi, nhưng nỗi đau mất mát con cái vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng chị.
 
Lớp lá 3 Trường MN Hoa Hồng - Bảo Lộc sĩ số 30 cháu thì có 20 bé trai
Lớp lá 3 Trường MN Hoa Hồng - Bảo Lộc sĩ số 30 cháu thì có 20 bé trai
9 lần sinh, chỉ 1 con trai
 
Từ Đà Lạt chúng tôi đi sớm để kịp đến thôn Ánh Mai 3 - xã Lộc Châu -Tp.Bảo Lộc dự buổi sinh hoạt CLB “Chăm sóc sức khỏe sinh sản và cân bằng giới tính khi sinh”. Nhìn từ ngoài vào giống như một rạp đám cưới, đang có 20 thành viên CLB sinh hoạt tại nhà của anh chị Hoàng Văn Niết, nhiều chị còn dẫn theo con cháu đến dự. Chị Bùi Thí Huỳnh - Chuyên trách dân số xã Lộc Châu cho biết: CLB ra đời từ tháng 7/2015, điểm sinh hoạt tại thôn Ánh Mai 3 vì đây là vùng sâu, vùng xa của xã Lộc Châu, chị em tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn và phần đông cư dân theo đạo thiên chúa giáo nên thuận theo sinh đẻ tự nhiên, ít áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.  
 
Chị Bùi Thí Huỳnh phổ biến nội dung sinh hoạt theo chủ đề của CLB là vận động chị em không thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh. Bởi ai cũng chọn lựa sinh con trai thì hệ quả thừa nam thiếu nữ, dẫn đến không tìm được bạn đời kết hôn, hệ lụy xã hội là nạn buôn bán phụ nữ và mãi dâm tăng… Chị chuyên trách dân số xã Lộc Châu cung cấp thông tin tình hình dân số của xã có 4.172 hộ - 17.308 khẩu, đây là xã đông dân của Tp.Bảo Lộc. Trong số 4.836 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi, có 3.093 phụ nữ có chồng. Tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng nhiều, trong 9 tháng đầu năm 2015 có 211 trẻ sinh ra thì có 112 nam và 99 nữ, với tỉ lệ 113,3 nam/100 nữ. Giống như tên gọi của CLB nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và giảm chênh lệch giới tính khi sinh, đưa về chỉ số cân bằng 103 - 107 bé trai/ 100 bé gái. “Mục tiêu còn dài, mưa dầm thấm lâu. Chuyên trách, cộng tác viên dân số phối hợp với hội phụ nữ và cán bộ y tế vận động chị em biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ”, chị Huỳnh bày tỏ hy vọng.
 
Tại đây chúng tôi nghe câu chuyện của chị Lâm Thị Vải, một phụ nữ đang có nhiều trẻ nhỏ vây quanh, trông chị già hơn tuổi 41 rất nhiều. Chị thật thà tâm sự: “Đây là con tôi nhỏ nhất 2 tuổi, còn con gái lớn nhất 19 tuổi đang ngồi ở hàng ghế trên - cháu đang mang thai. Cả hai mẹ con cùng tham gia sinh hoạt CLB. Tôi còn 5 đứa con (4 gái, 1 trai) nhưng có tới 9 lần sinh nở. Tôi sinh con tự nhiên (không áp dụng biện pháp tránh thai), cứ đẻ 1 trai 1 gái xen kẽ mà đã mất hết 3 đứa con trai và 1 đứa con gái. Do lao động vất vả nên thai đã 4 - 8 tháng rồi còn bị sẩy”. Một phụ nữ ngồi bên nghe chuyện xen vào: “Như vậy chị không nuôi được con trai rồi. Qua 9 lần sinh nở mà chỉ được 1 đứa con trai rõ khổ!”. Chúng tôi cảm nhận nỗi đau của người phụ nữ mang gánh nặng sinh đẻ hằn lên gương mặt đau khổ của người phụ nữ này. Khi kinh tế gia đình không còn là gánh nặng nhưng nỗi đau mất mát con cái vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng chị Vải. Qua thời gian lao động cần cù vất vả đã giúp gia đình chị Vải có kinh tế  khá ổn định, chị đang nuôi 100 con heo thịt, heo nái và làm vườn 3ha cà phê, khi vào mùa vụ thì chị thu mua cà phê.  
 
Cô con gái của chị Vải tên là Trần Thị Hương đang mang thai 4 tháng cho biết: “Tôi tham gia CLB để nghe hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cách chăm sóc thai nhi. Tôi chưa đi siêu âm thai, sinh con trai hay con gái cũng được, cứ để sinh tự nhiên. Tôi thích có nhiều con!”. 
 
5 năm nay, lớp học bé trai nhiều hơn bé gái
 
Chúng tôi đến Trường Mầm non Hoa Hồng - Phường 2 - Tp.Bảo Lộc, vào thăm một lớp học, các cháu ồn như “ong vỡ tổ” dù có cô giáo đang đứng lớp. Cô giáo Từ Thị Hoàng đã 8 năm công tác cho biết: “5 năm nay, lớp học  nam nhiều hơn nữ”. Cô giáo trẻ Phạm Thị Kiều Oanh dạy lớp Lá 3 cho biết: “Trong lớp có 30 cháu thì có 20 bé trai. Hầu như các lớp con trai đều nhiều hơn con gái. Dạy lớp con trai nhiều cũng có vất vả do bé trai hiếu động hơn bé gái, rồi áp lực từ phụ huynh cưng con thái quá. Các phụ huynh đều thường xuyên trao đổi liên lạc với nhà trường nhưng phụ huynh của các bé trai thường cưng con hơn, hay gọi điện hỏi han hơn; mình là giáo viên phải nhẹ nhàng, ngọt ngào, linh động giao tiếp với phụ huynh để cho họ hài lòng, lúc nào cũng tự nhắc nhở mình chăm sóc các bé chu đáo, cẩn thận”. 
 
BS Trần Ngọc Thi - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ Tp. Bảo Lộc cho biết: Tỉ số giới tính khi sinh 9 tháng đầu năm 2015 toàn thành phố là 106,6 bé trai/100 bé gái, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 1,6. Một số xã, phường có tỉ số chênh lệch giới tính còn cao như: Lộc Thanh 121, Lộc Châu 119, B’Lao 112, Lộc Nga 111,5, Phường 2: 110. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ, thành phố Bảo Lộc đã khống chế được tốc độ tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh: Năm 2011 là 114; năm 2012: 113; năm 2013-2014: 107; dự kiến năm 2015 tỉ số giới tính khi sinh là 108 bé trai/100 bé gái. Trung tâm DS-KHHGĐ Bảo Lộc đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người nhận thức được hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, để có biện pháp hành động cụ thể: không phân biệt nam nữ, con trai cũng như con gái. BS Thi cho biết thêm: “Tại 11 phường, xã đang triển khai đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Biện pháp tuyên truyền, vận động là chính, chứ còn việc siêu âm phá thai thì chưa thể phát hiện ra trường hợp nào”.
 
Phóng sự: DIỆU HIỀN