Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới

08:10, 19/10/2015

Với vai trò là thành viên trong hệ thống chính trị, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Với vai trò là thành viên trong hệ thống chính trị, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Hội trong việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đăng ký với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng thực hiện tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường gắn với nội dung “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở địa bàn khu dân cư.
 
Phụ nữ Di Linh hưởng ứng xây dựng nông thôn mới với mô hình “Tuyến đường không rác”
Phụ nữ Di Linh hưởng ứng xây dựng nông thôn mới với mô hình “Tuyến đường không rác”
Để các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trở thành hoạt động thiết thực, hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống; các cấp Hội đã có nhiều cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tiễn, tích cực tham gia cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, CLB Gia đình hạnh phúc, Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3, Phụ nữ với các hoạt động bảo vệ môi trường, CLB Phụ nữ nuôi - dạy con tốt, Tổ phụ nữ giúp nhau, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới. Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội đó là việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, bằng các mô hình mới “5 giúp 1”, “10 giúp 1”, “Tổ phụ nữ giúp hội viên nghèo” đã có 22.132 lượt hội viên phụ nữ nghèo được giúp. Với tinh thần tương thân tương ái, các chị đã giúp nhau 11.744 ngày công lao động, hơn 20 cây vàng, 28.947 cây con giống, xây dựng và sửa chữa 163 mái ấm tình thương với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Xây dựng phân hiệu Trường Mẫu giáo Liên Đầm - huyện Di Linh với kinh phí trên 500 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn tỉnh. 
 
Bằng các giải pháp cụ thể, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã giúp cho các gia đình hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 41.236 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ 926.836 triệu đồng. Phối hợp tổ chức 573 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 40.702 lượt hội viên phụ nữ. Xây dựng mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, Tổ liên kết phụ nữ làm tranh thêu tay… Biểu dương 86 điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Thực hiện “Quỹ quay vòng vệ sinh” với tổng nguồn vốn 2,4 tỷ đồng giúp 459 hộ gia đình vay vốn cải tạo và xây dựng mới nhà vệ sinh... Triển khai dự án “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tăng cường sự liên kết của phụ nữ tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi Viet GAHP” (Lifsap) và Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) với 42 lớp cho 843 lượt hội viên phụ nữ. 
 
Góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường và hình thành thói quen sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên có sẵn trong thiên nhiên, các cấp Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường có 294.678 lượt người tham gia, trồng và chăm sóc 2.400 cây xanh trên tuyến đường hơn 20km, vận động 694 hộ gia đình hội viên hiến 24.931m2 đất làm đường nông thôn, huy động 5.540 ngày công ra quân làm vệ sinh môi trường, 2.712 gia đình ký cam kết không vi phạm các qui định về giữ gìn vệ sinh môi trường, cấp phát 1.903 cuốn sách lật “5 không, 3 sạch”. Biểu dương 51 tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Xây dựng 155 mô hình “Phụ nữ với bảo vệ môi trường” thu hút 8.171 thành viên. Đặc biệt, mô hình “5 không, 3 sạch” được triển khai sâu rộng trong hội viên phụ nữ, tạo chuyển biến rõ nét về tính hiệu quả của các hoạt động, góp phần xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Tính đến tháng 12/2014, có 117.451 hộ gia đình đạt các tiêu chí “5 không 3 sạch”. Thực hiện sơ kết và nhân rộng 2 mô hình điểm “Kiểu mẫu gia đình hạnh phúc, bền vững” tại huyện Đạ Huoai và Đơn Dương. Hội LHPN tỉnh đã ký kết liên tịch với Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai cuộc vận động Xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “5 không, 3 sạch” đến từng đối tượng cán bộ, hội viên, đoàn viên và học sinh. Nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến đối tượng phụ nữ vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hàng tháng BTV Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa nội dung tuyên truyền sang tiếng dân tộc K’Ho chuyển tải đến các Chi hội phụ nữ dân tộc làm tài liệu tuyên truyền ở cơ sở, thường xuyên đăng tải giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến, các phong trào, hoạt động của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới.
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới đang từng bước lan tỏa trong các cấp Hội Phụ nữ, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo được vay vốn, giải quyết việc làm thông qua các tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ hùn vốn, tổ phụ nữ giúp nhau, vận động hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi... góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp.
 
BÍCH HỒNG