Trên vùng đất Bảo Lâm quy tụ nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã chung tay góp sức xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Trong đó, có sự đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế gia đình.
Trên vùng đất Bảo Lâm quy tụ nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã chung tay góp sức xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Trong đó, có sự đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế gia đình.
|
Bà K’Gléo - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh trao tặng Giấy khen cho các điển hình phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi |
Chị Ka Nhết ở tổ 10 - thị trấn Lộc Thắng cho biết kinh nghiệm vươn lên làm giàu đó là: “Mình học hỏi từ chị em trong buôn làng. Gia đình mình trồng chè cà phê với tổng diện tích 4ha, còn đất làm nhà cho thuê 6 căn mặt tiền ngay thị trấn. Thu nhập 1 năm khoảng trên 200 triệu đồng, chi phí còn 100 triệu đồng. Hiện, cây chè có hơn 1ha, cà phê mới trồng 1ha, cà phê thu hoạch 2ha. Gia đình mình có 4 con, 1 con đã lấy chồng làm công tác dân số ở TYT thị trấn”.
Chị Đàm Thị Chính là người dân tộc Tày từ vùng núi phía Bắc di cư vào Bảo Lâm từ một hộ nghèo, có lúc trong nhà chỉ còn tiền mua được 1kg gạo. Gia đình chị đã cố gắng phấu đấu thoát được nghèo. Đến nay, gia đình chị Chính có 3 mẫu cà phê, 5 sào chè và ao cá, chăn nuôi bò, heo gà và giúp được các chị xung quanh, đưa được bà con từ phía Bắc vào Bảo Lâm ổn định cuộc sống. Chị Chính tham gia công tác xã hội, làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 5, xã B’Lá, công việc giúp chị thường xuyên gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của gia đình mình cho các hội viên.
Mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm kinh tế giỏi là một câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” với nghị lực phi thường của người phụ nữ. Nhiều tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Lâm làm kinh tế giỏi như: Ka Dép ở thôn Bđơr, xã Lộc An; chị Phan Thị Nương và chị Dong Thị Thập cùng ở thôn 12 - Lộc Ngãi; Ka Hói ở thôn B’Cọ - xã Lộc An; Ka GLòng - thôn 2, xã Lộc Bảo…
Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lâm cho biết: Trong số 8 chị phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương, đặc biệt có chị Ka Dép mở xưởng sản xuất chế biến chè thu hút 20 lao động hàng tháng cho thu nhập ổn định. Gia tài từ một cái xe đạp đơn sơ, từ đi làm thuê, đến nay, chị Ka Dép đã mua được xe ô tô và mở được một xưởng sản xuất chế biến chè, xóa bỏ tính tự ti mặc cảm của phụ nữ. Hội Phụ nữ huyện rất quan tâm gia đình chị Ka Dép trước kia là hộ nghèo, khó khăn sau khi được Hội giúp đỡ từ nguồn vốn tín chấp vay Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Ka Dép phát triển kinh tế dần dần nâng cao được đời sống. Hiện, 5 đứa con của chị cũng đã ổn định góp phần trong phát triển kinh tế gia đình chị. Đây là gương điển hình đưa ra các chị học tập và Hội Phụ nữ Bảo Lâm biểu dương chị Ka Dép trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vì chị đã giúp cho các hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống.
Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lâm cho biết thêm: Hiện nay, Hội Phụ nữ Bảo Lâm xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Ngoài mô hình các chị phát triển kinh tế gia đình, Hội còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện để tạo việc làm, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho các chị em, tranh thủ thời gian nông nhàn để tăng thu nhập ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tiêu biểu các mô hình: tổ hợp tác may công nghiệp tại xã Lộc Nam, tổ dệt thổ cẩm ở thôn 1 xã Lộc Tân, tổ đan bèo của thị trấn Lộc Thắng.
Hội Phụ nữ Bảo Lâm có 14 xã thị trấn, trong đó có 4 xã dân tộc thiểu số đông là: Lộc Tân, Lộc Lâm, Lộc Bắc, Lộc Bảo. Hội đặc biệt quan tâm chị em có phong tục tập quán du canh du cư, vận động chị em không phá rừng làm rẫy, thành lập 1 tổ phụ nữ vận động bà con người thân trong gia đình không phá rừng làm rẫy tại thôn 3, xã Lộc Bảo. Theo chị Bạch Tuyết, qua nhiều năm, Hội Phụ nữ huyện vận động chị em phát triển kinh tế đã có nhiều điển hình vươn lên làm giàu chính đáng và nhiều mô hình hay đã được chị em hội viên hưởng ứng thực hiện, đã góp phần giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể ở các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo đến nay hộ nghèo, khó khăn giảm 12%. Thời gian tới, Hội Phụ nữ Bảo Lâm tiếp tục đưa mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đến với các chị vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt mở các mô hình nghề: đan bèo, dệt thổ cẩm đến với chị em, giúp tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
AN NHIÊN