Câu chuyện cô học trò nghèo Văn Hoa Hải Đường (Tân Châu - Di Linh) suốt 4 năm sống đơn độc trong căn chòi không ánh điện giữa vườn cà phê, để đeo đuổi giấc mơ đến trường, vừa thi đậu đại học với số điểm 22,5...
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Vũ Công Tiến và Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên nghèo 5 tỉnh Tây Nguyên. |
Câu chuyện cô học trò nghèo Văn Hoa Hải Đường (Tân Châu - Di Linh) suốt 4 năm sống đơn độc trong căn chòi không ánh điện giữa vườn cà phê, để đeo đuổi giấc mơ đến trường, vừa thi đậu đại học với số điểm 22,5 làm nhiều người có mặt trong chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường” rơi nước mắt. Bố mất sớm, không có nhà cửa, đất đai, cái nghèo đeo bám; từ năm lớp 9, mẹ Văn Hoa Hải Đường rời đứa con duy nhất đến Đắk Nông làm thuê kiếm sống, bà không thể mang theo con vì điều kiện học tập ở đó khó khăn. Sống trong thiếu thốn, đêm đến một mình trong căn chòi nằm tách biệt với khu dân cư, em phải vượt qua nỗi sợ hãi, đội đèn pin lên đầu soi vào sách vở học bài. Mỗi năm, em chỉ gặp mẹ 2 lần, mỗi lần vài ngày, rồi mẹ - con lại chia tay nhau, mẹ đi làm, con đi học. Mong ước thành tài để phụng dưỡng người mẹ mắc bệnh thoái hóa cột sống và đau dạ dày hàng ngày vẫn phải làm thuê kiếm sống luôn thôi thúc em vươn lên học tốt. “Tiếp sức đến trường” không chỉ dành cho Hải Đường suất học bổng chứa đựng tình người mà còn đưa mẹ đến với em ngay trên sân khấu của chương trình đã gây xúc động. Biết được hoàn cảnh của cô học trò nghèo, các nhà giáo ở Trường Đại học Tài chính - Maketing nơi em theo học đã hỗ trợ miễn phí ở KTX, miễn học phí cho em trong những năm em học tại trường.
Ngày 9/10, tại Đà Lạt, đã diễn ra chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường “Thắp sáng đại ngàn” cho 142 tân sinh viên nghèo 5 tỉnh Tây Nguyên do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Sở GD-ĐT dưới sự tài trợ của Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, với tổng học bổng 994 triệu đồng.
Trong 27 năm hoạt động, chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ với nhiều loại học bổng khác nhau, đã trao hơn 45.000 suất học bổng, giải thưởng cho học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước. Năm 2015, Báo Tuổi Trẻ đã trao học bổng cho khoảng 1.500 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. 142 tân sinh viên nghèo Tây Nguyên (Lâm Đồng: 35 sinh viên, Đắk Lắk: 31, Đắk Nông: 26, Gia Lai: 25, Kon Tum: 25) vừa trúng tuyển đại học là những tấm gương sáng về nghị lực, lòng hiếu thảo và ý chí vượt khó vươn lên.
|
Thi đậu đại học là một bước ngoặt lớn của cuộc đời, là niềm vui với bất kỳ ai, nhưng với em Phạm Lê Thanh Dung (Lộc Thắng - Bảo Lâm) kèm theo niềm vui là nỗi lo. Ba bị bệnh phổi, mẹ bị bệnh gan, nhưng hàng ngày dù nắng hay mưa vẫn phải đi làm thuê để nuôi các con ăn học. Chị gái mắc bệnh tim, chi phí chữa trị cao. Nhà không có đất, gia đình em thuê một căn chòi bé bên rìa chợ Bảo Lâm để bán trứng, đồng tiền ít ỏi kiếm được không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi em trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương ngành kinh tế đối ngoại với số điểm 26,75, nhưng nỗi lo cũng ập đến với mức học phí 15 triệu đồng/năm vượt ngoài khả năng của gia đình... Từ Cao Bằng vào Cát Tiên lập nghiệp, gia đình em Hoàng Thị Thanh (xóm 1, Cát Hòa, Phước Cát I) chỉ có 2 sào đất trồng lúa nhưng thường xuyên mất mùa, nguồn thu chính là đi làm thuê và cạo vỏ hạt điều. Mẹ bị viêm gan B, do hoàn cảnh nên chưa được chữa trị, thường xuyên đau ốm, bà nội 80 tuổi, kinh tế gia đình trông chờ vào một mình bố, ngoài giờ học em còn đi làm thuê để giúp đỡ gia đình. Với số điểm 26,5, em đậu vào ngành quản lý nhà nước với mong muốn học để đưa gia đình thoát nghèo... Mẹ qua đời khi em mới được 7 tuổi (2004), 2 năm sau ba cũng bỏ đi để lại 2 đứa con, Nguyễn Trung Hải Nam được Làng trẻ SOS Đà Lạt nhận cưu mang. Ý thức được hoàn cảnh của mình, em không ngừng vươn lên trong học tập, ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn. Với 24,75 điểm đạt được, em thi đậu vào ngành điện - điện tử Trường Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh. Nam trở thành tấm gương để những đứa trẻ mồ côi trong làng trẻ ngưỡng mộ... Còn Phạm Lê Phương Chi (tổ dân phố 1 - thị trấn Dran - Đơn Dương), bố mẹ ly hôn từ khi em còn nhỏ, em cùng em trai sống với mẹ, bố đi bước nữa, có cuộc sống riêng không chu cấp nuôi con. 3 mẹ con em phải đi thuê nhà trọ, mẹ không có việc làm ổn định nên thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Ngoài giờ học, em đi làm thuê cùng mẹ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. 26 điểm đậu vào ngành kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh khiến bạn bè khâm phục... Chuyện cô bé Huỳnh Nguyễn Thùy My (thôn 3, xã Đà Loan, Đức Trọng) hàng ngày vẫn vừa đến trường vừa đi phục vụ bán quán cà phê giúp mẹ lo kinh tế mà vẫn đậu vào đại học với điểm số 26,75 làm nức lòng người dân ở vùng thuần nông. Hoàn cảnh gia đình em vô cùng khó khăn, túng thiếu, bố mẹ ly dị nhau từ lâu, một mình mẹ bán vé số nuôi 2 chị em My ăn học, thu nhập không ổn định nên việc học của em trong suốt những năm phổ thông luôn gặp khó khăn... Luôn có tinh thần vươn lên trong cuộc sống, Mai Phan Hải Duyên (thôn Phú An - Phú Hội - Đức Trọng) vượt qua hoàn cảnh khó khăn, mẹ khuyết tật gần liệt nửa người, khó vận động, bố là lao động chính trong gia đình với 2,5 sào đất. Hoàn cảnh khó khăn làm cho em luôn nỗ lực vươn lên học thật giỏi và đạt thành tích cao trong học tập. Với số điểm xuất sắc 27,75 em đã thi đậu ngành dược sĩ Trường Đại học Y Dược, Tp.Hồ Chí Minh là ngành học danh giá, là niềm mơ ước của bao người...
Không thể kể hết được những tấm gương hiếu học, trong các em, có em mồ côi cha, có em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều em cha mẹ bệnh tật đau yếu...; nhưng cuộc sống khốn khó không ngăn nổi các em đến trường; hoàn cảnh khó khăn không làm các em gục ngã, mà luôn vươn lên học tốt, nuôi ước mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo. Hoàn cảnh của các em với những thành tích các em đạt được có sức truyền cảm, lay động lòng người. Đậu vào đại học là bước ngoặt của cuộc đời, chứ không phải là đích đến, con đường dài vẫn đang đợi các em ở phía trước, đòi hỏi sự không ngừng nỗ lực vươn lên vượt qua. Học bổng tiếp sức đến trường mong muốn là nguồn động viên để các em tiếp tục đứng lên, vượt qua khó khăn và đi tới. Với thông điệp: Không để bất cứ bạn trẻ nào học giỏi, có ý chí vươn lên đậu đại học mà vì hoàn cảnh nghèo khó phải từ bỏ ước mơ đến giảng đường đại học của mình, Báo Tuổi Trẻ cùng các nhà hảo tâm và “Tiếp sức đến trường” đang kể những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
QUỲNH UYỂN