Tấm lòng thầy hiệu trưởng vùng sâu

09:10, 23/10/2015

Hơn 20 năm gắn bó với những mái trường vùng sâu, vùng xa, hơn ai hết, thầy Rơ Ông Ha Xuân hiểu rõ những khó khăn mà giáo viên và học sinh nơi đây gặp phải. Bằng tất cả sự tận tụy và tấm lòng yêu thương, thầy đã "thắp sáng" niềm tin "con chữ" cho bao thế hệ học trò người DTTS cũng như nhiều thầy cô giáo vững tin gắn bó với ngôi trường nơi xa xôi. 

Hơn 20 năm gắn bó với những mái trường vùng sâu, vùng xa, hơn ai hết, thầy Rơ Ông Ha Xuân hiểu rõ những khó khăn mà giáo viên và học sinh nơi đây gặp phải. Bằng tất cả sự tận tụy và tấm lòng yêu thương, thầy đã “thắp sáng” niềm tin “con chữ” cho bao thế hệ học trò người DTTS cũng như nhiều thầy cô giáo vững tin gắn bó với ngôi trường nơi xa xôi. 
 
Thầy hiệu trưởng Rơ Ông Ha Xuân trao quà cho học sinh khó khăn
Thầy hiệu trưởng Rơ Ông Ha Xuân trao quà cho học sinh khó khăn
Bữa cơm trưa với những món ăn dân dã được mỗi thầy, cô giáo Trường Tiểu học Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương) góp chung rộn rã cả căn nhà của thầy hiệu trưởng Rơ Ông Ha Xuân. Đó là nồi cơm thơm lừng nấu từ những hạt gạo ruộng nhà thầy Ha Xuân, là mớ rau cô K’Thủy hái sáng sớm, là con cá suối thầy Thức tranh thủ đi câu sau cơn mưa chiều qua, là ít dưa cà cô Oanh mang theo từ nhà… Bữa cơm ấm áp này diễn ra thường xuyên, khi những giáo viên nhà ở xa, tận trung tâm huyện Lạc Dương hay Đà Lạt cách trường hơn 20 cây số ở lại để chiều lên lớp tiếp. Là người dân bản địa, nhà ở ngay gần trường nên ngôi nhà thầy hiệu trưởng thường là nơi ăn trưa, nghỉ trưa của những thầy, cô giáo nhà xa. “Thấy anh em ở xa đi lại vất vả, mình ở gần thì phải tạo điều kiện để các thầy, cô giáo được nghỉ ngơi thoải mái, cũng là dịp để mọi người vui vẻ gắn kết nhau hơn”, thầy Ha Xuân chia sẻ. Có lẽ vì thế mà nhiều năm nay, tuy là trường thuộc vùng sâu, đường sá khó khăn nhưng không có giáo viên nào của trường xin chuyển đi như tình trạng nhiều trường vùng xa thường gặp. 
 
Tốt nghiệp Trung học Sư phạm năm 1993, thầy Ha Xuân được phân công về công tác tại Trường THCS Đạ Tông (huyện Đam Rông). Năm 1998, thầy được điều chuyển về Trường Tiểu học Păng Tiêng và giữ chức vụ hiệu trưởng từ năm học 1999 - 2000 đến nay. Là ngôi trường với 100% học sinh DTTS, nằm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có 2 điểm trường cách nhau hơn 6km nên công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường luôn là vấn đề nan giải của nhà trường, nhất là vào mùa Noel hay dịp Tết Nguyên đán thì tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều. Một điều khiến thầy hiệu trưởng Ha Xuân băn khoăn nữa là việc “giữ chân” giáo viên ở lại yên tâm công tác tại ngôi trường còn nhiều khó khăn này. Với quyết tâm xây dựng một ngôi trường ngày càng phát triển cả về cơ sở vật chất, cả đội ngũ giáo viên và ngày càng thu hút đông đảo học sinh đến trường, thầy Ha Xuân vừa tự học tập nâng cao trình độ để giáo viên noi theo và phụ huynh yên tâm gửi con em mình, thầy vừa linh hoạt trong quản lý. Một mặt thầy luôn tạo điều kiện dồn tiết cho những giáo viên ở xa để họ không phải đi dạy suốt cả tuần, mặt khác tuy là hiệu trưởng nhưng thầy luôn quan tâm đến từng học sinh để biết được hoàn cảnh khó khăn mà có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Vì vậy, những năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường giảm dần, duy trì sĩ số luôn đạt 100%. Trước kia, trường chỉ có 5 lớp với khoảng 70 - 80 học sinh với 5 thầy, cô giáo (trình độ chuyên môn phần lớn chỉ tốt nghiệp trung học sư phạm). Đến nay, cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng khang trang, số lượng học sinh cũng tăng lên trên 100 em, trình độ chuyên môn của các thầy, cô giáo cũng được nâng lên với 72,7% trình độ cao đẳng trở lên, trong đó, đại học là 45,5%. 
 
“Trong những năm học vừa qua, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của giáo viên và sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo ngành cũng như lãnh đạo địa phương, trường tôi đã đạt nhiều thành tích tốt. Nhiều cán bộ, giáo viên liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua các cấp, tập thể sư phạm đoàn kết, giáo viên có bề dày kinh nghiệm, tận tâm với nghề, tận tụy với học sinh và luôn quan tâm giúp đỡ nhau trong chuyên môn cũng như trong sinh hoạt đời thường. Học sinh trong độ tuổi đến trường đầy đủ, tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học tăng lên hàng năm... Đó là niềm vui lớn của người làm quản lý một trường vùng sâu cũng như của tất cả các thầy, cô giáo trong trường”, thầy Ha Xuân tự hào cho biết. 
 
Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Ha Xuân đã được nhận bằng khen của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, LĐLĐ tỉnh, nhiều năm liền được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều giấy chứng nhận, giấy khen của Huyện ủy - UBND huyện Lạc Dương, Phòng GDĐT huyện, LĐLĐ huyện... Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một cán bộ quản lý người DTTS đã có nhiều nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương - thầy hiệu trưởng Rơ Ông Ha Xuân.
 
VIỆT HÙNG