Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

09:10, 07/10/2015

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và tổng kết 5 năm phong trào thi đua "Dân vận khéo", phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về một số kết quả nổi bật trong công tác dân vận thời gian qua.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về một số kết quả nổi bật trong công tác dân vận thời gian qua.
 
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết ý nghĩa của ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử 85 năm qua? 
 
Đồng chí Hà Phước Toản: Như chúng ta đã biết, cách đây 85 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết đã ghi rõ: Trong các Đảng bộ phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động như: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế. Từ đó, ghi dấu ngày ra đời ngành dân vận của Đảng; mở ra một trang mới, một mốc son chói lọi, vẻ vang trong sự nghiệp công tác dân vận của Đảng.
 
Trong suốt 85 năm qua, cách mạng nước ta đã trải qua biết bao gian nan, thử thách, nhất là trong những năm tháng Đảng còn hoạt động bí mật, nhưng nhờ đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng về công tác dân vận mà nhân dân đã một lòng tin tưởng theo cách mạng; Đảng và nhân dân gắn bó máu thịt tạo thành sức mạnh đại đoàn kết chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Qua hơn 40 xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thời kỳ tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã góp phần cùng Đảng và Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, đi đôi với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.
 
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết Bài báo Dân vận, tháng 10/1999, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm ngày “Dân vận” của cả nước để cùng nhau học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Đồng thời, cũng là dịp để ôn lại những chặng đường vẻ vang về truyền thống công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ, ghi nhận và tôn vinh các thế hệ làm công tác dân vận đã có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
 
PV: Tại Lâm Đồng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Vậy đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất của phong trào này? 
 
Đồng chí Hà Phước Toản: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2009. Qua 7 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.524 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả nổi bật nhất của phong trào này đó là: chúng ta đã khắc phục tình trạng vận động chung chung, thay vào đó bằng việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, với công tác vận động có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung,  có địa chỉ và cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 
 
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Huy động được nhiều nguồn lực, nhiều lực lượng thực hiện phong trào một cách có hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng. Giải quyết được những vấn đề bức thiết của nhân dân, những khó khăn mà nhân dân không tự giải quyết được, đem lại lợi ích cho từng địa phương, đơn vị, cho các tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội. Qua phong trào, đã rút ra được những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng để tổng kết, nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tạo tiền đề để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 
 
Cán bộ địa phương luôn thăm hỏi đến các già làng. Ảnh: Văn Báu
Cán bộ địa phương luôn thăm hỏi đến các già làng. Ảnh: Văn Báu
PV: Để tiếp tục đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian đến, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hà Phước Toản: Để tiếp tục đưa công tác dân vận đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới công tác dân vận phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
 
Một là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về công tác dân vận theo nội dung Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 66 của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
 
Hai là, các cấp ủy Đảng, nhất là ở cơ sở tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Trước mắt, xây dựng chương trình hành động thật cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X về công tác dân vận. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” là hai nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận trong nhiệm kỳ.
 
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền. Đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”,  “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. 
 
Bốn là, hệ thống dân vận các cấp tăng cường tham mưu cấp ủy chỉ đạo phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả; chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình, điển hình làm tốt công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan Nhà nước. 
 
Năm là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các cuộc vận động, phong trào thi đua của tổ chức mình để phát huy nguồn lực tổng hợp cùng đẩy mạnh xây dựng phong trào. Quan tâm xây dựng, phát hiện các mô hình mới hoạt động hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng trong toàn hệ thống tổ chức. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 
NGUYỆT THU (thực hiện)