Giai đoạn 2011-2015 là quãng thời gian thực hiện quyết tâm đột phá, tăng tốc trong giảm nghèo bền vững nói chung, "giảm nghèo nhanh, bền vững" theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP nói riêng, của huyện Đam Rông. Tuy còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu cuối cùng, nhưng công tác giảm nghèo của huyện Đam Rông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2011-2015 là quãng thời gian thực hiện quyết tâm đột phá, tăng tốc trong giảm nghèo bền vững nói chung, “giảm nghèo nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP nói riêng, của huyện Đam Rông. Tuy còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu cuối cùng, nhưng công tác giảm nghèo của huyện Đam Rông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
|
Đường giao thông nông thôn ở Đam Rông được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 30a “giảm nghèo nhanh, bền vững” |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện đạt kết quả công tác giảm nghèo bền vững là công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy - UBND, Ban chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến cơ sở và công tác tuyên truyền để người dân xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại, tự chủ vươn lên trong cuộc sống. Từ nhận thức như vậy, 5 năm qua, ngoài việc ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả trong hoạt động. Mặt khác, huyện chỉ đạo ngành văn hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng cường phát sóng tin bài, xây dựng các cụm pa nô, áp phích có nội dung, hình ảnh về công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong tuyên truyền, ngoài việc giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác giảm nghèo; huyện còn chú trọng nêu gương những cá nhân, tập thể, địa phương có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, việc tổ chức cho các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào DTTS tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình giảm nghèo của cá nhân, tập thể trong và ngoài địa phương cũng được chú trọng tổ chức, đã giúp cho các hộ nghèo được “mắt thấy, tai nghe” để có kinh nghiệm và ý chí tự lực, tự cường vươn lên làm chủ cuộc sống.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo bền vững cũng được huyện Đam Rông tổ chức thực hiện với nhiều cách làm năng động, sáng tạo như: Lồng ghép các chính sách giảm nghèo đặc thù của Nghị quyết 30a “Giảm nghèo nhanh, bền vững” với các chính sách giảm nghèo hiện hành khác như: Chương trình 135 giai đoạn III, chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi; vốn hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty do Chính phủ phân công... nhằm huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia đóng góp sức người sức của của người dân vào công tác giảm nghèo bền vững.
Bằng cách làm đó, từ năm 2011 đến nay, huyện Đam Rông đã bố trí 464,945 tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đã giải ngân được 455,421 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 98,022%. Trong đó, vốn bố trí thực hiện Chương trình 30a là 266,143 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình khác (135, NTM, hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục, ĐCĐC, 755...) 95,471 tỷ đồng; vốn đầu tư, hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty do Chính phủ phân công 103,331 tỷ đồng. Trong thực hiện Chương trình 30a, 5 năm qua, với nguồn đầu tư nói trên, huyện Đam Rông đã tổ chức trồng, giao khoán QLBV 1.592,89ha rừng các loại; khai hoang phục hóa 100ha để cấp cho 239 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong 18 mô hình cây trồng, 2 mô hình chăn nuôi cho hàng trăm hộ đăng ký thoát nghèo, hộ nghèo gia đình chính sách, hộ nghèo đồng bào DTTS tại các xã. Cùng với việc đầu tư vốn, huyện còn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo, nên đã nâng năng suất lúa bình quân từ 35 tạ/ha lên 45,5 tạ/ha, ngô từ 36 tạ/ha lên 50 tạ/ha, mô hình chăn nuôi gà thả vườn cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/mô hình/3 tháng... Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn cho 21.637 lượt người lao động, xuất khẩu 88 lao động sang thị trường Malaysia; tổ chức 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn, 2 mô hình trồng nấm mèo cho 217 hộ tại các xã Đạ Mrông, Phi Liêng; đầu tư xây dựng 18 công trình GTNT, 6 công trình thủy lợi, 2 trạm ươm cây giống, 1 trung tâm dịch vụ nông, lâm nghiệp, 1 trung tâm dạy nghề; hợp đồng trồng, chăm sóc, QLBV rừng... phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Đối với vốn lồng ghép các chương trình khác, trong 5 năm, từ nguồn vốn đầu tư 95,471 tỷ đồng, huyện Đam Rông đã tiến hành xây dựng 57 công trình đường giao thông nông thôn, xây dựng 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, 6 công trình thủy lợi, 3 hồ đập giữ nước, 6 nhà văn hóa thôn, 3 công trình trường học, 1 công trình y tế và xây mới, sửa chữa nâng cấp 84 căn nhà cho các hộ nghèo, người có công, hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn về nhà ở... Xây dựng 4 điểm định canh định cư xen ghép, sắp xếp bố trí ổn định đời sống cho 171 hộ đồng bào DTTS; khai hoang, phục hóa 64,9ha đất bố trí cho 129 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; đào giếng nước sinh hoạt cho 310 hộ dân... Mặt khác, huyện đã chỉ đạo ngành Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 5.894 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với dư nợ 142,758 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Than - Khoáng sản, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công ty Thương mại Sài Gòn Strata, Công ty XSKT Lâm Đồng, huyện Đam Rông đã đầu tư xây dựng hàng chục công trình phục vụ dân sinh xã hội, trong đó nhiều công trình đáp ứng nhu cầu giảm nghèo bền vững.
Với việc thực hiện đạt kết quả các chương trình nói trên, 5 năm qua, công tác giảm nghèo bền vững của huyện Đam rông đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, đó là: đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 52,22% năm 2011, xuống còn dưới 7,5% năm 2015, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm xuống dưới 11%, bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm được 8%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 12,25%/năm, vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 4% theo mục tiêu của Chương trình 30a.
HOÀNG KIẾN GIANG