Ngành NN&PTNT có 3 đơn vị trực thuộc với chức năng bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) bền vững đó là Chi cục Lâm nghiệp (CCLN), Chi cục Kiểm lâm (CCKL) và Quỹ Bảo vệ phát triển rừng (QBVPTR). Là tỉnh có tổng diện tích rừng lớn, những năm qua, thông qua chỉ đạo của tỉnh và Sở, 3 đơn vị này đã thực hiện đạt được nhiều thành tựu đồng thời 2 mặt: BVPTR và góp phần về an sinh xã hội.
Khu vườn ươm giống cây rừng công nghệ cao tại Gung Ré, Di Linh |
Trước hết, phải kể đến Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng” (FLITCH) do CCLN trực tiếp quản lý đã thực hiện từ năm 2007 đến nay với trên 60 thôn, 14 xã thuộc 3 huyện Lạc Dương, Di Linh và Đam Rông. Dự án triển khai trên tổng diện tích 181.515ha, với 7.048 hộ dân (36.053 khẩu), trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống gần rừng và dựa chủ yếu vào rừng. Dự án có 4 hợp phần, gồm nhiều hạng mục cho các hộ dân tham gia như: trồng rừng, nông lâm kết hợp, cải tạo vườn hộ, giao khoán bảo vệ rừng, cho vay từ nguồn quỹ phát triển xã (CDF), xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh... Kết quả, đã có khoảng 7.000 hộ dân tham gia, trong đó khoảng 1.960 phụ nữ (chiếm 28%). Dự án đã trồng 2.992ha rừng; trong đó 1.286 hộ dân trồng 1.520ha và các đơn vị công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp trồng 1.472ha. Dự án cũng đã triển khai thực hiện 1.960ha nông lâm kết hợp cho 1.983 hộ tham gia; 1.997 hộ tham gia cải tạo vườn hộ với 245ha. Thông qua giao khoán bảo vệ rừng, có 1.257 hộ dân thực hiện với 22.678ha rừng tự nhiên. Với hạng mục “Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn” tại các xã vùng dự án như trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, kênh mương thủy lợi, cầu, đường nông thôn..., Dự án đã đầu tư hỗ trợ với mức 5 - 6 tỷ đồng/xã, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, giúp các xã đạt thêm một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới.