Thay đổi dễ nhận thấy nhất khi đến thôn B'Dơr (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) là nhiều tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp. Trong thôn, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định; nhân dân một lòng đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế gia đình và tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thay đổi dễ nhận thấy nhất khi đến thôn B’Dơr (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) là nhiều tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp. Trong thôn, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định; nhân dân một lòng đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế gia đình và tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
|
Thôn Văn hóa B’Dơr |
Thôn B’Dơr hiện có 425 hộ, 1.993 nhân khẩu, được phân thành 4 xóm, hầu hết là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên (K’Ho chiếm 98%) sinh sống. “Nếu như trước đây, cụ thể là năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của B’Dơr ở mức 31%, thì nay đã giảm xuống còn 4,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 14 triệu đồng, qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đã tăng lên 30 triệu đồng. Trong đó, một số hộ có mức thu nhập hàng năm hơn nửa tỷ đồng, như gia đình ông K’Đèo, gia đình ông K’Brôl... Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở B’Dơr cũng phát triển khá mạnh” - ông Hứa Nam Phụ, Chủ tịch UBND xã Lộc An, sơ lược vài con số.
Có được sự thay đổi này, theo ông K’Bor, Bí thư Chi bộ thôn B’Dơr, là nhờ người dân thôn B’Dơr đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Số liệu thống kê của thôn B’Dơr cho thấy, 5 năm qua, đã có hơn 300ha cà phê được chuyển đổi sang giống mới. Sau khi chuyển đổi, năng suất cà phê tăng từ 2 tấn/ha lên 3 tấn/ha. Nhờ đó, đời sống của người dân B’Dơr tăng lên rõ rệt.
Trong xây dựng NTM, bên cạnh việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để nâng cao thu nhập cho người dân, thôn B’Dơr còn đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi cộng đồng. Năm 2012, thôn B’Dơr đã kiên cố hóa 800m đường xóm 3; năm 2013, xây mới cầu Đạ Nhang dài 15m, rộng gần 3m và làm nhà vệ sinh Phân hiệu Trường Mầm non Sao Mai; năm 2014, lắp đặt 80 bóng đèn compact, với chiều gần 4km chạy dọc con đường thôn... Ngoài ra, nhân dân thôn B’Dơr còn hiến hơn 0,5ha đất để mở đường giao thông nông thôn. Tổng số tiền mà nhân dân B’Dơr đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn là 850 triệu đồng.
Khi hạ tầng kinh tế có bước phát triển, thôn B’Dơr có thêm điều kiện để xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội. Hiện tại, thôn B’Dơr có hơn 80% nhà ở được xây khá kiên cố; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm đều đạt trên 80% và 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường. Ngoài ra, thôn B’Dơr còn có 1 sân bóng đá, 2 sân bóng chuyền và 2 đội cồng chiêng (thường xuyên cùng nhau tham gia tập luyện). Thôn B’Dơr cũng đã thành lập được 4 tổ tự quản và 1 tổ hòa giải.
Bà Phan Thị Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An, nhận xét: “Hạ tầng kinh tế, xã hội thôn B’Dơr ngày càng được cải thiện rõ nét. Đó là điều đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng hơn là người dân K’Ho đã tự thay đổi nhận thức để làm kinh tế, bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và xây dựng khu dân cư văn hóa. Cốt lõi của vấn đề trong xây dựng NTM nằm ở chỗ đấy. Ngày nay, thế hệ trẻ K’Ho không còn bó hẹp ở trong thôn, trong buôn nữa mà đã dám nghĩ và dám vươn ra xã hội rộng lớn. Nhiều người K’Ho ở thôn B’Dơr đã đi xuất khẩu lao động tại thị trường các nước Malaysia, Đài Loan, Singapore. Trong hôn nhân, họ cũng đã mạnh dạn hơn trong việc tìm lựa chọn bạn đời. Bây giờ, người trẻ K’Ho cũng đã có người lấy vợ hoặc chồng là người ngoại quốc...”.
Cuối năm 2014, xã Lộc An đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong thành tích chung này, có sự đóng góp của nhân dân B’Dơr, một thôn tập trung hầu hết là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.
TRỊNH CHU