Cha, con và cây đàn tính

09:11, 03/11/2015

Ngồi trong căn nhà ván nhìn ra màn mưa phủ trắng vườn cà phê, ông Lăng Văn Hợp (58 tuổi) lim dim đôi mắt và lắc đều chiếc lục lạc trên tay theo nhịp đàn tính của cậu con trai 25 tuổi Lăng Văn Chi. Hình ảnh cha con ông Hợp cùng chơi đàn tính đã trở nên quen thuộc đối với người dân ở thôn 12 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). 

Ngồi trong căn nhà ván nhìn ra màn mưa phủ trắng vườn cà phê, ông Lăng Văn Hợp (58 tuổi) lim dim đôi mắt và lắc đều chiếc lục lạc trên tay theo nhịp đàn tính của cậu con trai 25 tuổi Lăng Văn Chi. Hình ảnh cha con ông Hợp cùng chơi đàn tính đã trở nên quen thuộc đối với người dân ở thôn 12 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Ông Hợp rất tự hào về người con trai của mình. Bởi lẽ, cây đàn tính mà cậu đang chơi do chính tay cậu làm. Còn điệu đàn tính mà cậu đang đánh cũng do cậu tự học “lóm” ở cha. Ở làng Tày thôn 12 này, không riêng cha con ông Hợp, rất nhiều người đang tìm về với tiếng đàn tính, điệu hát then như tìm về với nguồn cội quê nhà.
 
Những nghệ sỹ… vườn
 
Được cha gọi về giữa buổi xế chiều khi đang còn trên vườn cà phê, Chi xuất hiện khác hẳn những mường tượng của tôi về chàng “nghệ sỹ” đa tài như lời giới thiệu của nhiều người dân trong thôn trước đó. Vẫn nguyên bộ quần áo làm vườn, Chi leo lên gác lấy xuống rất nhiều ống sáo các loại. Có cái chỉ bằng sải tay, cái khác lại dài đến 3m. Cái thì bằng ống trúc, cái khác làm bằng ống nhựa hoặc ống nứa. Chi bảo: “Em thích nên làm chơi vậy thôi. Anh em nào thích thì mình lại tặng!”. Nói rồi, Chi lôi trong góc tủ ra một chiếc loa “tái chế”, nối dây loa với chiếc điện thoại và phát nhạc. Chi lựa một ống sáo và thổi theo điệu nhạc đang phát ra từ chiếc loa. Rất nhiều bài nhạc, rất nhiều ống sáo được Chi thể hiện trong suốt buổi trò chuyện. 
 
Đáng chú ý nhất trong số sáo mà Chi tự làm là chiếc sáo dài đến 3m. Theo lời Chi, đây là chiếc sáo nốt Đô trầm. Để thổi được ống sáo này đòi hỏi người thổi phải có hơi dài. Và lý do để Chi làm ống sáo này đơn giản chỉ vì thấy trên mạng có người làm ống sáo nốt Sol, Chi bắt chước làm theo nhưng do không có ống nứa đủ dài nên chỉ có thể làm ống sáo nốt Đô trầm. Với một người chưa học qua bất cứ một trường lớp nào về nhạc lý mà có thể làm được nhiều ống sáo với đủ tông, nốt các loại khiến tôi khá ngạc nhiên. Chi chia sẻ: “Em đam mê nên tự học trên mạng rồi làm thôi. Để làm sáo thì phải nắm cơ bản về nhạc lý mới làm được, còn làm đàn tính thì chỉ cần làm theo kinh nghiệm của những người đi trước là bầu ba nắm, cán chín nắm. Nghĩa là, chỉ cần dùng nắm tay để đo bầu và cán đàn theo tỷ lệ đó là được”. Nói có vẻ đơn giản nhưng để làm được cây đàn tính đang chơi, Chi đã phải mất rất nhiều thời gian. Cái khó nhất vẫn là tìm được trái bầu khô đúng chuẩn. Khi có bầu rồi, Chi lại tỉ mỉ chạm khắc để hoàn thiện một cây đàn tính hoàn chỉnh dành tặng cha mình. “Thấy cha và các bác trong thôn cứ phải tìm về tận Cát Tiên mới mua được đàn tính, em nghĩ mình cũng làm thử một cái để tặng cha. Nếu được thì sau này mình tự làm để cho người trong làng mình dùng, không phải đi xa tìm mua nữa” - Chi tâm sự. 
 
Cha con ông Lăng Văn Hợp và Lăng Văn Chi chơi đàn tính do Chi làm tặng cha
Cha con ông Lăng Văn Hợp và Lăng Văn Chi chơi đàn tính do Chi làm tặng cha

Có lẽ, chất nghệ sỹ đã “ngấm” vào Chi ngay từ khi còn rất nhỏ. Vì ngày nào, Chi cũng được nghe cha đàn tính, hát then. Như lời của Chi bảo, em nghe cha hát, cha đàn mỗi ngày thì tự nhiên cũng biết hát, biết đàn, chứ không phải học nhiều. Còn với ông Hợp, từ ngày rời quê hương Cao Bằng cách nay đã trên dưới 20 năm, chưa khi nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nhớ điệu đàn, tiếng hát của quê hương. Khi mới vào lập nghiệp, ai cũng nghĩ làm sao để có đủ cơm ăn áo mặc. Giờ nỗi lo cơm áo, gạo tiền không còn là gánh nặng nữa thì những giá trị văn hóa truyền thống được những người lớn tuổi trong thôn như ông Hợp tìm về và truyền dạy lại cho con cháu. Không mở lớp dạy đàn, không buộc con cháu phải theo học nhưng tiếng đàn tính, điệu hát then được những người cao niên trong thôn cất lên mỗi khi có dịp như một nguồn mạch thấm dần vào thế hệ con cháu. Với những người lớn tuổi như ông Hợp, cây đàn tính còn như một “người bạn” tâm tình những lúc buồn vui trong cuộc sống. Mỗi khi đi làm về thấy trong người mệt mệt, ông Hợp lại ôm đàn ra hát cho vơi đi sự mệt mỏi. Hoặc lắm khi vợ chồng to tiếng cãi nhau, tiếng đàn tính cũng làm cho không khí gia đình khuây khỏa phần nào. Lắm khi đêm đến khó ngủ, ông cũng ngồi dậy đánh đàn, vợ ông cũng thức dậy lắng nghe. 
 
Tìm về với nguồn cội
 
Gần một năm nay, đều đặn mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, những người cao tuổi trong Chi hội Người cao tuổi thôn 12 lại tập hợp tại hội trường thôn để cùng đàn tính, hát then cho nhau nghe. Người nào có điều kiện thì mua riêng cho mình một cây đàn tính. Ai không có thì dùng chung. Chỉ với cây đàn tính, một chiếc micro, một cái loa là mọi người đã có thể cùng nhau hòa nhịp. Ban đầu, nhiều người dân trong thôn thấy lạ lắm, nhất là những người trẻ. Dần dần, mỗi buổi “diễn” của những người cao tuổi đã thu hút được vài “khán giả” là những người trẻ tuổi vào ngồi nghe. Ông Bế Đình Lân (58 tuổi), người được bầu làm Tổ trưởng Tổ đàn tính thôn 12, chia sẻ: “Chỉ với vài người trẻ chịu vào ngồi nghe hát then, đàn tính là chúng tôi vui lắm rồi. Bởi lẽ, chúng tôi tập hợp nhau để đàn hát không ngoài mục đích chính là làm sao để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được truyền dạy lại cho thế hệ con cháu. Hiện tại, Tổ đàn tính đã có 15 người tham gia; trong đó, có 3 phụ nữ. Trước mắt đều là những người già và trung niên. Mong muốn của anh em chúng tôi là làm sao để “kéo” ngày càng nhiều thanh niên trẻ cùng tham gia và tôi tin chắc mình sẽ làm được điều này”. 
 
Thôn 12 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) có hơn 170 hộ dân chủ yếu là người Tày, Nùng rời quê hương Cao Bằng về đây lập nghiệp. Khi vườn rẫy đã xanh tốt, con em được học hành đến nơi đến chốn, cũng là lúc những giá trị truyền thống của văn hóa vùng miền lại được trỗi dậy. Nói như lời ông Đàm Hoàng Tùng (62 tuổi), thành viên của Tổ đàn tính thôn 12, càng già thì lại càng thấy mê điệu đàn, tiếng hát của dân tộc mình. Chính vì lẽ đó, ngoài những bài hát then truyền thống được truyền lại, ông Tùng còn là người sáng tác rất nhiều bài hát ca ngợi vùng đất trù phú của quê hương mới. “Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai đối với tôi và nhiều người khác. Anh em chúng tôi tập hợp để đàn hát, để truyền dạy nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình ngay trên vùng đất mới này cũng là một cách để tìm về với nguồn cội, với quê hương xử sở” - ông Tùng chia sẻ.
 
Theo những già làng người Tày ở thôn 12, nguồn gốc của cây đàn tính là dùng để đệm cho những điệu hát then cổ nhằm gọi hồn ma, cầu may, cầu phúc trong các đám cúng (mang tính chất mê tín dị đoạn). Theo thời gian, hát then, đàn tính không còn mang màu sắc mê tín dị đoan nữa mà đã trở thành một nét văn hóa độc đáo. Mỗi khi có lễ hội văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tiếng đàn tính, điệu hát then lại được sẻ chia, cất lên và hòa nhịp cùng những nhạc cụ truyền thống của các dân tộc anh em khác. Hiện nay, người Tày, Nùng sống phân bố tại một số vùng trên địa bàn huyện Bảo Lâm như xã B’Lá, xã Lộc Tân, xã Lộc Ngãi. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, họ rất chú trọng đến việc lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Bà Lục Thị Kim, Bí thư Chi bộ thôn 12 (xã Lộc Ngãi), cho biết: “Từ chỗ tự phát thành lập Tổ đàn tính như hiện tại, người Tày thôn 12 nói riêng và ở các địa bàn khác rất mong muốn có thể cùng nhau tập hợp lại để thành lập một câu lạc bộ đàn tính, hát then. Câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho bà con mà còn là nơi truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ con cháu, để những giá trị tốt đẹp đó mãi được lưu truyền và phát huy dù ở bất cứ nơi đâu”.
 
Chia tay làng Tày với dư vị của lá mắc mật thắm đượm trong những món ăn truyền thống, của tiếng khèn lá trên môi chàng trai trẻ Lăng Văn Chi như lời chia tay đầy lưu luyến và của cả những câu hát Then trên nền tiếng đàn Tính lúc trầm, lúc bổng, bay xa và vọng mãi trên những rẫy cà phê bạt ngàn.
 
HỮU SANG