Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cơ sở

09:11, 24/11/2015

Để hành động REDD+ đạt được hiệu quả cao cần phải phát huy năng lực "cánh tay nối dài" của Ban quản lý (BQL) Chương trình. Vì vậy, Chương trình UN-REDD Việt Nam và UN-REDD 6 tỉnh thuộc Dự án chú trọng triển khai tập huấn nâng cao năng lực, đào tạo tập huấn kỹ năng truyền thông (TT) về REDD+ cho các cán bộ kiểm lâm, chủ rừng...

Để hành động REDD+ đạt được hiệu quả cao cần phải phát huy năng lực “cánh tay nối dài” của Ban quản lý (BQL) Chương trình. Vì vậy, Chương trình UN-REDD Việt Nam và UN-REDD 6 tỉnh thuộc Dự án chú trọng triển khai tập huấn nâng cao năng lực, đào tạo tập huấn kỹ năng truyền thông (TT) về REDD+ cho các cán bộ kiểm lâm, chủ rừng. Với Lâm Đồng, lớp tập huấn vừa tổ chức tại Đà Lạt với đội ngũ hướng dẫn là cán bộ UN-REDD quốc gia và tỉnh, các cộng tác viên (CTV) TT cấp tỉnh; thành phần học viên là cán bộ các hạt kiểm lâm và đơn vị liên quan trong tỉnh.
 
Học viên được trang bị những kỹ năng về truyền thông
Học viên được trang bị những kỹ năng về truyền thông
Mục đích tập huấn là tăng cường năng lực TT về REDD+, biến đổi khí hậu, quản lý và bảo vệ rừng cho các CTV TT cấp huyện. Theo đó, các CTV TT về REDD+ sẽ hỗ trợ và phối hợp với cán bộ TT của tỉnh khi BQL Chương trình của tỉnh triển khai các hoạt động TT tại địa phương. Trước hết, học viên được tiếp cận kiến thức về Quản lý chu trình của một dự án nói chung và dự án TT nói riêng. Cụ thể là áp dụng: 1) Kiến thức TT, cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng; 2) Kỹ năng: TT, làm việc với cộng đồng, thuyết phục, lôi kéo…; 3) Công cụ: tài liệu TT; 4) Kỹ thuật: sự tham gia của cộng đồng. Việc “Quản lý chu trình dự án” bao gồm các bước: ý tưởng, đánh giá, xác định, thực hiện, thẩm định và tài chính. Trên nền tảng lý thuyết này, các học viên thực hành xây dựng ý tưởng dự án TT cho cộng đồng tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương.
 
Đi sâu nội dung TT, đội ngũ hướng dẫn và người tập huấn cùng nghiên cứu nhiều lĩnh vực và nội dung cụ thể. Đó là “Thuyết thang bậc nhu cầu”, bao gồm 5 bậc từ thấp đến cao: nhu cầu sinh học (sống, hít thở, ăn, uống, ngủ…); nhu cầu an toàn (an toàn và ổn định); nhu cầu xã hội (được yêu mến và tham gia cùng cộng đồng); nhu cầu tự trọng (là người có ích, được tôn trọng) và nhu cầu tự khẳng định mình (được làm việc mình yêu thích). Thuyết bậc thang nhu cầu này giúp người làm TT xác định được nhu cầu nào trong hệ thống thứ bậc nhu cầu của cộng đồng chưa được thỏa mãn và đáp ứng tại thời điểm hiện tại. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng thỏa mãn nhu cầu sinh học cơ bản cũng như các nhu cầu tinh thần để cộng đồng sống lành mạnh hơn. 
 
Trong 3 ngày, các học viên còn được trang bị nhiều kiến thức quan trọng khác cho công tác TT ở cơ sở. Đó là biến đổi khí hậu với các hiện tượng El Nino và La Nina; các biểu hiện thời tiết cực đoan; những thông tin về hiệu ứng nhà kính do con người gây ra; về đô thị hóa; về xâm nhập mặn; về chu trình cac-bon trong tự nhiên…Đối với lĩnh vực REDD+, bao gồm phương pháp tiếp cận; khái niệm và định nghĩa; sự khác nhau giữa chi trả dịch vụ môi trường rừng và REDD+; tiến trình thực hiện và chính sách liên quan với REDD+ nói chung và Việt Nam nói riêng; triển khai Chương trình UN-REDD Lâm Đồng trong thời gian qua, nhất là giai đoạn II…Về các kỹ năng TT cơ bản, học viên được tiếp cận sâu nhiều nội dung thiết thực để triển khai thực hiện khi về với cộng đồng. Đó là: lắng nghe, quan sát, đặt câu hỏi, diễn giải, phát hiện, đối thoại, trình bày, thuyết trình, tổ chức thảo luận…Đó còn là kỹ năng làm việc với cộng đồng; kỹ năng thiết kế poster; kỹ năng xây dựng thông điệp truyền thông; kỹ năng viết tác phẩm TT; kỹ năng phỏng vấn sâu; kỹ năng chụp ảnh, thiết kế tài liệu và công cụ TT…
 
Cũng trong khuôn khổ của đợt tập huấn, các học viên được tổ chức thành 3 nhóm cùng thảo luận, đề xuất và đặc biệt đến cơ sở triển khai thực hành TT tại cộng đồng xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Với các phương pháp và kỹ năng được tích lũy, các học viên tiếp cận đối tượng để nâng cao nhận thức về quản lý và bảo vệ rừng, REDD+ và biến đổi khí hậu cho cộng đồng người dân của xã Đạ Nhim nằm trong và quanh lâm phần Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà quản lý. Trong đó, nội dung được tập trung mang tính định hướng tương hỗ là bảo vệ rừng để phát triển, phát triển rừng để bảo vệ. Theo đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao sinh kế cho cộng đồng và một trong những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện tại địa phương này là phát triển du lịch sinh thái. Với nhiều dự án và chương trình của các tổ chức quốc tế và trong nước đang thực hiện tại Vườn, bà con Đạ Nhim với tư cách là đối tượng tiếp nhận kênh truyền thông về REDD+ càng thêm một lần nhận thức sâu sắc hơn. Buổi thực hành TT tại cộng đồng xã Đạ Nhim cũng đạt được mục tiêu đặt ra là giúp các học viên “thấm nhuần” những kiến thức đã được trang bị, đồng thời mô hình Đạ Nhim là bài học có ý nghĩa thực tiễn để học viên đúc kết và sẽ vận dụng linh hoạt khi trở lại địa phương nơi mình đang công tác.
 
MINH ĐẠO